Argentina thúc các ngân hàng được ủy thác tiến hành thanh toán nợ

Argentina yêu cầu Citibank và Bank of New York Mellon cần nhanh chóng tiến hành các thủ tục trả nợ của Buenos Aires hoặc phải hoàn lại số tiền trả nợ mà nước này đã gửi tại hai ngân hàng trên.
Argentina thúc các ngân hàng được ủy thác tiến hành thanh toán nợ ảnh 1(Nguồn: AP)

Chính phủ Argentina đã yêu cầu hai ngân hàng là Citibank và Bank of New York Mellon (BoNY) cần nhanh chóng tiến hành các thủ tục trả nợ của Buenos Aires hoặc phải hoàn lại số tiền trả nợ mà nước này đã gửi tại hai ngân hàng trên.

Trả lời phỏng vấn trên Đài Radio del Plata ngày 22/9, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof cho biết nước này đã yêu cầu BoNY rút khỏi vai trò là bên được ủy thác thanh toán các trái phiếu nợ và phải chuyển 539 triệu USD tiền trả nợ mà Buenos Aires đã gửi tại ngân hàng này cho một đại diện khác.

Ông Kicillof cũng hối thúc ngân hàng Citibank nhanh chóng tiến hành các thủ tục thanh toán của Argentina trước ngày 30/9 cho các người mua trái phiếu chấp nhận kế hoạch tái cơ cấu nợ do Buenos Aires tiến hành sau khi vỡ nợ hồi năm 2001.

Theo quan chức này, Citibank có trách nhiệm phải thực hiện thủ tục thanh toán các trái phiếu nợ của Argentina theo một hợp đồng ủy thác đã ký giữa hai bên và việc ngân hàng này không hoàn thành thỏa thuận trên là vi phạm luật pháp Argentina.

Trước đó, Thẩm phán Mỹ Thomas Griesa đã phong tỏa 539 triệu USD do Buenos Aires chuyển vào tài khoản của ngân hàng BoNY và 200 triệu USD được gửi vào tài khoản của Citibank để thanh toán cho các trái chủ đã chấp nhận đáo nợ.

Theo ông Griesa, trước tiên Argentina phải trả toàn bộ tiền nợ cho hai quỹ đầu tư không tham gia tái cơ cấu nợ là NML Capital và Aurelius Capital Management của Mỹ, rồi mới được phép thanh toán cho các chủ trái phiếu đã đồng ý phương án đáo nợ nói trên.

Nhằm "tránh" lệnh phong tỏa trên, Quốc hội Argentina đã thông qua dự luật cho phép Buenos Aires chuyển hoạt động trả nợ từ Mỹ về Argentina. Theo dự luật, nhóm chủ nợ còn có thể được nhận tiền trả nợ tại bất kỳ địa điểm nào nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của tòa án Mỹ, như Paris (Pháp).

Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, bên lề khóa họp lần thứ 69 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Argentina Cristina Fernández đã có cuộc gặp với Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tại New York (Mỹ) nhằm thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ công cũng như nỗ lực táí cơ cấu nợ của nước này.

Tại cuộc gặp, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết các thành viên của Liên hợp quốc sẽ tiến hành thảo luận sâu hơn về vấn đề nợ công của Argentina trong các cuộc họp tới.

Dự kiến, Tổng thống Fernández cũng sẽ có cuộc gặp với tỷ phú George Soros, một trong những nhà đầu tư tham gia chương trình tái cơ cấu nợ của nước này, nhằm tìm kiếm một giải pháp giúp Argentina giải quyết tình trạng khó khăn tài chính hiện nay.

Trước đó, ngày 9/9 vừa qua, Liên hợp quốc đã thông qua một dự thảo nghị quyết về việc thúc đẩy thiết lập một khuôn khổ pháp lý đa phương về tái cơ cấu nợ công. Văn kiện này do Argentina thúc đẩy, nhằm tránh những tranh chấp pháp lý tương tự như tranh chấp giữa nước này và một số quỹ đầu cơ liên quan tới thanh toán các khoản nợ sau khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ năm 2001.

Văn kiện trên phản đối việc các chủ nợ thương mại - trong đó có các quỹ đầu tư mạo hiểm, có thể ngăn cản hoặc làm thất bại nỗ lực tái cơ cấu nợ của các quốc gia, đồng thời nêu rõ việc thiết lập một khuôn khổ pháp lý về tái cơ cấu nợ chủ quyền nhằm nâng cao “hiệu quả, sự ổn định và tính lường trước” của hệ thống tài chính quốc tế.

Sau khi vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cuối năm 2001, bị coi là vụ vỡ nợ lớn nhất thế giới, Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Những người chủ của 92,4% số trái phiếu đồng ý đáo nợ và nhận không đầy đủ giá trị thực của trái phiếu. Trong số các chủ của 7,6% số trái phiếu còn lại, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina tại tòa án ở New York và thắng kiện đòi Buenos Aires thanh toán trái phiếu nợ theo giá trị trên trái phiếu, cùng tiền lãi và tiền phạt, tổng cộng khoảng 1,5 tỷ USD.

Các quỹ đầu cơ này bị gọi là những quỹ “kền kền," vì mua trái phiếu của các nước gặp khó khăn kinh tế với giá rẻ mạt so với giá trị thực tại thị trường thứ cấp, sau đó từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và thông qua kiện tụng tại tòa án đòi được thanh toán trái phiếu theo đúng mệnh giá, cùng tiền lãi và tiền phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục