ASEM cùng hành động phòng chống và cứu trợ thiên tai

Các thành viên ASEM đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường hợp tác Á-Âu trong ứng phó và giảm nhẹ thiên tai.

Ngày 19/11 là ngày cuối cùng của “Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thủ đô Hà Nội.

Tiếp theo những chủ đề quan trọng đã được thảo luận trong ngày làm việc đầu tiên về phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, ứng dụng khoa học công nghệ trong cảnh báo sớm, cứu hộ cứu nạn và cứu trợ thiên tai, ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, hội nghị tiếp tục trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai châu lục Á-Âu trong việc phòng chống, giảm nhẹ rủi ro và phục hồi sau thiên tai.

Qua các phát biểu và ý kiến thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhận định rằng thách thức thiên tai tác động nghiêm trọng đến phát triển của các quốc gia, khu vực và toàn cầu, cũng như cuộc sống của người dân. Thách thức này đòi hỏi hợp tác không chỉ ở cấp độ quốc gia mà cả khu vực và toàn cầu.

Các đại biểu cũng đề cao các sáng kiến toàn cầu, trong đó có các sáng kiến của Liên hợp quốc về Khuôn khổ hành động Hyogo về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Ngày giảm nhẹ rủi ro thiên tai thế giới...

Hội nghị nhất trí là diễn đàn hội tụ 51 thành viên có nhiều tiềm năng về khoa học-công nghệ, ASEM có trách nhiệm chung và có khả năng đi đầu trong các nỗ lực toàn cầu trong phòng chống, giảm nhẹ rủi ro, cứu hộ cứu nạn và cứu trợ thiên tai. Trên thực tế, ASEM đã có nhiều nỗ lực và sáng kiến để gắn kết phòng chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ và phát triển bền vững.

Để ứng phó hiệu quả với thiên tai, bảo đảm cuộc sống của nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng gia tăng, các đại biểu cho rằng các nước Á-Âu cần tăng cường trao đổi thường xuyên và triển khai các hoạt động hợp tác thường kỳ. Việc xử lý các thách thức phi truyền thống toàn cầu nói chung và vấn đề ứng phó với thiên tai nói riêng đang tạo ra những cơ hội mới cho hợp tác và đối thoại Á-Âu.

Sau hai ngày làm việc liên tục với 4 phiên thảo luận sôi nổi và hàng chục bài tham luận cũng như các ý kiến phát biểu của các chuyên gia, diễn giả và hơn 120 đại biểu, hội nghị đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác Á-Âu trong ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Đáng chú ý là giải pháp kết nối các hệ thống cảnh báo sớm, hỗ trợ các thành viên, đặc biệt các thành viên là nước nông nghiệp, hứng chịu nhiều thiên tai, nâng cao năng lực dự báo và cảnh báo sớm, lên kế hoạch phòng chống và sơ tán người dân.

Hội nghị cũng nhất trí cần tăng cường sự tham dự và hỗ trợ của ASEM đối với các cơ chế của các thành viên trong hợp tác khu vực và tiểu vùng về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, như Trung tâm Điều phối ASEAN về Cứu trợ nhân đạo về quản lý thảm họa, đồng thời tăng cường sự đóng góp của ASEM cho các nỗ lực toàn cầu, đặc biệt là xây dựng Khuôn khổ hành động Hyogo về giảm nhẹ rủi ro thiên tai sau năm 2015, Hội nghị Thượng đỉnh thế giới tại Nhật Bản năm 2015.

Hội thảo đã thông qua Báo cáo để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEM lần thứ 10 tại Italy vào tháng 10/2014.

Chiều 19/11, Hội nghị cao cấp ASEM về phòng chống và cứu trợ thiên tai nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu đã kết thúc thành công tốt đẹp. Hội nghị lần này tạo ra khuôn khổ đối thoại thường xuyên trong “Nhóm hợp tác về ứng phó và giảm nhẹ thiên tai, nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn và cứu trợ” mới vừa được thành lập tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 11 tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Các đại biểu đánh giá cao và hoan nghênh Philippines sẽ đăng cai hội nghị tiếp theo vào tháng 9/2014.

Có thể nói, đây là sáng kiến đầu tiên, có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam ở một diễn đàn liên khu vực về vấn đề ứng phó thiên tai. Sáng kiến này cũng tiếp tục khẳng định vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam đối với ASEM với tư cách là một trong những thành viên sáng lập diễn đàn, đồng thời là đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức phi truyền thống toàn cầu.

Trong thời gian tham dự hội thảo, chiều 19/11, các đại biểu tham dự hội nghị đã đi thăm Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Bạn bè quốc tế đánh giá cao nỗ lực và các dự án của Việt Nam vừa bảo đảm an ninh năng lượng và hạn chế lũ lụt, đặc biệt là cho Đồng bằng Bắc Bộ.

Các nước và các tổ chức quốc tế cũng chia sẻ và nhất trí cần tăng cường hợp tác quốc tế nhằm ứng phó với các thách thức. Bạn bè quốc tế cũng hết sức ấn tượng với con người và văn hóa các dân tộc Tây Bắc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục