Asian Cup 2019 dường như không phải là ngày hội của tất cả

Sức nóng trên khán đài của các trận đấu tại Asian Cup 2019 hầu hết do cổ động viên đội khách như Việt Nam, Iran, Iraq đem lại trong khi người dân nước chủ nhà UAE khá bình lặng trước sự kiện này.
Asian Cup 2019 dường như không phải là ngày hội của tất cả ảnh 1Tối 10/1/2019, đội tuyển UAE (áo trắng) đã giành chiến thắng với tỷ số 2-0 trước đội tuyển Ấn Độ trong trận đấu thuộc lượt trận thứ 2 của bảng A diễn ra trên sân Zayed Sports City ở Abu Dhabi (UAE). (Ảnh: Hoàng Linh/TTXVN)

Giải Vô địch bóng đá châu Á về danh nghĩa là sân chơi cao quý nhất của bóng đá châu lục, là nơi tập hợp 24 đội tuyển xuất sắc nhất, nhưng xét ở một khía cạnh nào đấy thì Asian Cup 2019 dường như lại không phải là ngày hội với tất cả các cổ động viên.

Sở dĩ nói thế là bởi nếu đến Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) những ngày này, gần như bạn sẽ không thể cảm nhận bầu không khí lễ hội bóng đá tại đây, bởi nhịp sống vẫn diễn ra như bình thường.

Bạn có thể nhìn thấy những khoảng trống khá lớn trên khán đài các sân vận động ở Dubai, Abu Dhabi hay Al Ain để thấy rằng Asian Cup 2019 vẫn chưa tạo nên cơn sốt mãnh liệt ở nước chủ nhà.

Hôm diễn ra lễ khai mạc Asian Cup 2019, nhóm phóng viên TTXVN đã có mặt ở sân Zayed Sports City từ đầu buổi chiều và nhận thấy rằng nếu không có cờ quạt, cổng chào trang trí cùng băngrôn và tiếng phát thanh viên đang diễn tập lần cuối cho lễ khai mạc trong sân thì không thể biết nơi đây sắp sửa diễn ra một sự kiện quan trọng như vậy với bóng đá châu lục.

Không có phân luồng hướng dẫn giao thông, cũng không có cảnh hàng quán bán đồ lưu niệm, bán đồ ăn thức uống xuất hiện bên trong sân vận động như hình ảnh thường thấy ở các quốc gia Đông Nam Á nổi tiếng về sự đam mê bóng đá như Việt Nam, Malaysia hay Indonesia.

Sân Zayed Sports City bình lặng như thể ở đây sắp chỉ diễn ra một hoạt động thể thao hoàn toàn bình thường.

Còn nhớ, khi tới sân Bukit Jalil ở Kuala Lumpur (Malaysia) để tác nghiệp trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2018, chúng tôi từng bị choáng ngợp bởi bầu không khí huyên náo do âm thanh từ hàng vạn tiếng kèn vuvuzela tạo ra.

Nhưng ở Asian Cup 2019, nếu muốn thổi kèn vuvuzela thì bạn phải làm điều đó ở bên ngoài sân vận động, còn ở trong sân thì Ban tổ chức sẽ không cho phép chiếc kèn này xuất hiện.

Chẳng thế mà các cổ động viên Iran dù rất phấn khích sau khi đội nhà giành chiến thắng 5-0 trước Yemen ở trận ra quân nhưng họ cũng phải chờ tới khi ra khỏi sân Mohammed Bin Zayed mới được thể hiện niềm vui sướng của mình bằng tiếng kèn, còn ở trong sân thì cổ động viên chỉ được phép dùng trống.

Nói một cách khác, sức sống trên khán đài của các trận đấu tại Asian Cup 2019 hầu hết do cổ động viên đội khách đem lại, từ cổ động viên Việt Nam, cho tới cổ động viên Iran hay Iraq, còn cảnh tượng người hâm mộ UAE ùn ùn kéo tới sân và cổ vũ một cách cuồng nhiệt, máu lửa như cổ động viên Malaysia trong trận chung kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2018 thì đến giờ vẫn chưa thấy xuất hiện.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vé xem các trận đấu vòng bảng tại Asian Cup 2019 có mức giá chung là 75 AED (1 AED tương đương 6.400 VND), 50 AED và 25 AED tuỳ từng vị trí và có chính sách giảm giá cho sinh viên.

[Asian Cup 2019: Tình yêu bỏng cháy giành cho Các chiến binh sao vàng]

Trao đổi với các cổ động viên Việt Nam đến sân Zayed Sports City thì họ nói rằng giá vé như vậy không phải là cao so với mặt bằng sinh hoạt tại UAE.

Thật vậy, nếu bạn biết rằng chỉ 2 sim điện thoại di động có nạp thêm 100 AED để gọi điện, nhắn tin và sử dụng 3G ở Abu Dhabi cũng có giá tới 250 AED (tương đương 1,8 triệu VND) thì giá vé hạng nhất để xem bóng đá tại Asian Cup 2019 là không quá đắt đỏ.

Tuy nhiên, khác với khi đội tuyển Việt Nam thi đấu ở giải khu vực, lần này số lượng cổ động viên từ Việt Nam theo đội sang UAE thật sự không nhiều, và đa số cổ động viên Việt Nam đến sân Zayed Sports City hôm 8/1 vừa rồi hầu như đều là những người đang sinh sống, làm việc tại UAE.

Sở dĩ có chuyện này là bởi chi phí để một cổ động viên từ Việt Nam bay sang UAE là rất đắt đỏ, riêng vé máy bay loại rẻ nhất cũng phải xấp xỉ 20 triệu đồng, chưa kể ở Việt Nam không có đường bay thẳng tới Abu Dhabi mà phải quá cảnh ở một quốc gia khác, hoặc bay từ Việt Nam tới Dubai rồi tiếp tục di chuyển đường bộ từ Dubai tới Abu Dhabi.

Ngoài ra, chi phí sinh hoạt tại UAE không chỉ khiến cổ động viên Việt Nam chùn chân mà ngay cả cổ động viên từ nhiều quốc gia láng giềng với UAE như Iran hay Saudi Arabia cũng cảm thấy ngần ngại.

Vì thế, giống như cổ động viên Việt Nam, hầu hết cổ động viên nước ngoài đang cổ vũ cho đội tuyển quốc gia của họ tại Asian Cup 2019 đều là những người đang sinh sống, làm việc hoặc học tập tại UAE.

Ericson, một tài xế Uber người Philippines, tiết lộ với chúng tôi rằng mức phí sinh hoạt tại UAE thật sự là một thách thức rất lớn với lao động nhập cư tại đây. Nhưng bù lại việc kiếm tiền ở UAE cũng rất thuận lợi, vì bất cứ thứ gì cũng đều đắt đỏ, nên Ericson đã chuyển từ Saudi Arabia sang UAE để lái xe Uber kiếm sống.

Rất nhiều cổ động viên Việt Nam tới sân Zayed Sports City hôm 8/1 vừa rồi cũng đều có chung suy nghĩ như Ericson, và có những người thậm chí đã ở UAE tới 13 năm, và những trận đấu của các đội tuyển nước ngoài tại Asian Cup 2019 chính là cơ hội tuyệt vời để cộng đồng người lao động nhập cư ở UAE có cơ hội tụ tập và cùng nhau tận hưởng bầu không khí lễ hội do bóng đá mang lại.

Tuy nhiên, cũng có không ít người vì gánh nặng mưu sinh và cũng vì tình yêu bóng đá chưa đủ lớn nên họ vẫn dửng dưng đi ngang qua sân bóng nơi đội tuyển quốc gia của mình đang thi đấu mà không thể hiện cảm xúc tiếc nuối hay mong đợi, như điều mà chúng tôi đã chứng kiến với không ít tài xế Uber hay taxi khi đưa chúng tôi đến địa điểm thi đấu.

Thế nên mới nói Asian Cup 2019 trên danh nghĩa là ngày hội lớn nhất của bóng đá châu lục, nhưng thực tế thì không phải cổ động viên nào cũng có cơ hội trải nghiệm và tận hưởng ngày hội này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục