ATK Kim Quan in đậm bóng hình của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Những năm cuối kháng chiến chống Pháp, thôn Khuân Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm địa điểm đóng trụ sở.

Trong những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1953-1954), thôn Khuân Điển, xã Kim Quan, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang vinh dự được Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ chọn làm địa điểm đóng trụ sở làm việc.

Đầu năm 1953, Tiểu đoàn Công binh 333 do ông Lê Trung Ngôn phụ trách đã lên ATK Kim Quan dựng nhà cho các cơ quan Trung ương. Để đảm bảo an toàn và bí mật, bộ đội công binh đã đào 3 căn hầm bí mật vào sâu trong lòng núi Nà Lơi thuộc thôn Khuân Điển, xã Kim Quan.

Hiện nay, 3 căn hầm bí mật vẫn được gìn giữ nguyên vẹn, thu hút đông đảo khách du lịch và là nơi thường xuyên diễn ra các buổi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ của địa phương.

Lán ở và làm việc của Bác Hồ trong khu di tích ATK Kim Quan là căn lán nhỏ đơn sơ được dựng theo kiểu nhà sàn, có 2 gian nhỏ, sàn trên là nơi Bác Hồ từng nghỉ, ở dưới là nơi Bác làm việc và tiếp khách.

Cạnh lán của Bác là hầm bí mật được bộ đội công binh đào sâu vào lòng núi, cửa hầm quay theo hướng Đông, trông ra dòng sông Phó Đáy. Chính tại căn lán nhỏ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những quyết định quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao; lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân giành thắng lợi trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Tại Khuân Điển, Bác Hồ đã gửi thư cổ vũ tinh thần chiến đấu của các cán bộ, chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ, Người viết: “Các chú sắp ra trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang.” Bác rất tin tưởng các chiến sỹ sẽ vượt qua khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và nhân dân giao phó.

Ngày 15/3/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng gửi điện đến toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở mặt trận Điện Biên Phủ. Người khen ngợi quân đội ta đã chiến thắng hai trận đầu ở Điện Biên Phủ; nêu rõ ý nghĩa lịch sử của chiến dịch “là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng.”

Người nhắc nhở quân đội ta phải cố gắng chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, không chủ quan khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch. Những ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại ATK Kim Quan, Người đã chỉ đạo xây dựng hậu phương vững mạnh, đẩy mạnh sản xuất và tiết kiệm để phục vụ tiền tuyến và phòng đói; phát động quần chúng giảm tô, cải cách ruộng đất, làm cho người cày có ruộng, thúc đẩy kháng chiến mau thắng lợi. Cũng từ nơi đây đồng chí Phạm Văn Đồng cùng đoàn đại biểu Chính phủ đã lên đường đi dự Hội nghị Geneva…

Thời gian trôi qua, giờ đây những câu chuyện về “ông Ké làm cách mạng” vẫn được người dân thôn Khuôn Điển kể lại cho thế hệ trẻ. Ông Triệu Văn Thành (87 tuổi) ở thôn Khuân Điển cho biết: Ông đã từng có vinh dự được gặp Bác Hồ trong thời gian Bác ở và làm việc tại thôn Khuân Điển. Bác Hồ lúc đó mặc bộ quần áo kaki màu vàng giản dị và rất hiền từ.

Ngoài lo toan những công việc quan trọng của đất nước, Bác Hồ còn dành thời gian dạy dân làng cách trồng trọt, chăn nuôi, tăng gia sản xuất, dạy dân cách sinh hoạt hợp vệ sinh phòng tránh bệnh tật. Bác còn căn dặn người dân phải thương yêu, đoàn kết, giữ bí mật cho cán bộ cách mạng. Theo ông Thành, mẹ ông chính là người nấu cơm cho Bác Hồ trong thời gian Bác ở thôn Khuân Điển. Ông biết những câu chuyện về Bác Hồ phần nhiều là do mẹ ông kể lại .

Khuân Điển là thôn vùng sâu của xã Kim Quan, huyện Yên Sơn. Do địa hình chủ yếu là đồi núi nên người dân ở đây gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế. Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, những năm qua, người dân Khuân Điển đã không ngừng vượt khó, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

Ông Dương Văn Thái, Trưởng thôn Khuân Điển cho biết Khuôn Điển có 103 hộ với gần 400 khẩu chủ yếu là đồng bào các dân tộc Dao, Tày, Nùng. Trong những năm qua, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, người dân trong thôn luôn đoàn kết, tích cực lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm. Số hộ nghèo của thôn hiện chỉ còn 15 hộ, so với đầu năm 2014, thôn đã giảm được 50% hộ nghèo.

Người dân trong thôn còn chủ động đóng góp tiền, ngày công để xây dựng thôn ngày càng khang trang. Đến nay, thôn đã xây dựng được gần 1.000m đường bêtông nông thôn, thúc đẩy giao thương hàng hóa; kiên cố hóa 600m kênh mương phục vụ sản xuất...

Không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ nghèo ở thôn Khuân Điển đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá.

Điển hình như gia đình ông Triệu Kim Tiến đã chuyển đổi từ trồng lúa sang kinh doanh, chăn nuôi dê kết hợp với buôn bán, cho thu nhập gần 300 triệu đồng/năm; gia đình ông Nguyễn Trí Tuệ với mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt chuồng; gia đình ông Dương Quang Khải với mô hình trồng rừng kết hợp với nuôi ong lấy mật cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm...

Mảnh đất từng in đậm những dấu ấn về Bác Hồ nay đang vươn lên, từng bước xây dựng cuộc sống ấm no hơn. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần đoàn kết, làm theo lời Bác, người dân thôn Khuân Điển luôn giữ vững tinh thần đoàn kết, hăng say lao động, thi đua thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Nhân dân Khuân Điển còn tích cực gìn giữ, bảo vệ những di tích lịch sử để thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục