AT&T và Time Warner đã được phép trở thành 'người một nhà'

Một thẩm phán liên bang Mỹ đã "bật đèn xanh" cho thương vụ sáp nhập lên tới 85 tỷ USD giữa tập đoàn viễn thông đa quốc gia AT&T và hãng truyền thông giải trí Time Warner.
AT&T và Time Warner đã được phép trở thành 'người một nhà' ảnh 1(Nguồn: AP)

Ngày 12/6, một thẩm phán liên bang Mỹ đã "bật đèn xanh" cho thương vụ sáp nhập lên tới 85 tỷ USD giữa tập đoàn viễn thông đa quốc gia AT&T và hãng truyền thông giải trí Time Warner.

Phát biểu tại một phiên tòa công bố phán quyết, Thẩm phán liên bang Richard Leon cho biết Chính phủ Mỹ đã không thể đưa ra luận cứ chứng minh việc liên kết giữa 2 "đại gia" AT&T và Time Warner sẽ gây tổn hại tới người tiêu dùng cũng như khả năng cạnh tranh của các đối thủ.

Ông nêu rõ trong vụ kiện của Chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn thương vụ sáp nhập trên, không có đủ cơ sở để cấu thành các tội danh chống AT&T và Time Warner.

Thẩm phán Leon đồng thời cảnh báo nếu chính phủ đệ đơn kháng cáo nhằm trì hoãn thỏa thuận sáp nhập vốn đã bị đình trệ trong 18 tháng qua, 2 công ty này sẽ phải chịu những tổn thất "không thể bù đắp được."

Trả lời báo chí bên ngoài phiên tòa trên, đại diện pháp lý của AT&T và Time Warner, ông Daniel Petrocelli, nhận định phán quyết dài 172 trang của Thẩm phán Leon đã đặt dấu chấm hết cho vụ kiện chống độc quyền của Chính phủ Mỹ, là bằng chứng cho thấy vụ sáp nhập 2 "đại gia" AT&T và Time Warner sẽ mang lại lợi ích cho các khách hàng.

[Tổng thống Mỹ Donald Trump lên tiếng về vụ sáp nhập AT&T-Time Warner]

Về phần mình, luật sư của AT&T David McAtee cho biết thỏa thuận sáp nhập với Time Warner sẽ được hoàn tất ngày 20/6 tới.

Trong khi đó, người đứng đầu Cơ quan Chống độc quyền trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ Makan Delrahim bày tỏ thất vọng về quyết định của Thẩm phán Leon, đồng thời cho biết chính phủ đang cân nhắc những bước đi tiếp theo.

Chung quan điểm trên, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Public Knowledge hy vọng chính phủ sẽ kháng cáo.

Một số nhà phân tích nhận định phán quyết của tòa án Mỹ đã "bật đèn xanh" cho các thương vụ sáp nhập lớn khác, trong đó có vụ hãng sản xuất phim Walt Disney đề xuất mua lại mảng phim và truyền hình của 21st Century Fox, và thỏa thuận sáp nhập giữa T-Mobile và Sprint.

AT&T không chỉ là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại di động lớn thứ hai và là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại cố định lớn nhất nước Mỹ mà còn là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền băng thông rộng.

Trong khi đó, Time Warner là một tập đoàn truyền thông giải trí lớn tại "xứ cờ hoa," sở hữu và có cổ phần tại khá nhiều kênh truyền hình nổi tiếng như HBO, Cartoon Network, CNN và nhiều hãng phim nổi tiếng Hollywood.

Theo thỏa thuận sáp nhập, phần lớn cổ phần của Time Warner trong những kênh nổi tiếng như HBO và CNN sẽ thuộc quyền sở hữu của mạng lưới cung cấp dịch vụ truyền hình và Internet rộng khắp AT&T.

Trước đó, tháng 11/2017, Chính phủ Mỹ đã nộp đơn kiện nhằm ngăn chặn vụ sáp nhập giữa AT&T và Time Warner do cho rằng thương vụ này sẽ gây tổn hại lớn tới quyền lợi của người tiêu dùng Mỹ, có thể khiến hóa đơn dịch vụ truyền hình hàng tháng tăng cao trong khi giảm những lựa chọn mới mang tính đột phá cho người dùng.

Bên cạnh đó, việc kết hợp mạng lưới truyền hình vệ tinh trực tuyến và các kênh ăn khách của Time Warner, AT&T sẽ nghiễm nhiên có thể đẩy mức phí của những kênh truyền hình được yêu thích.

Nhiều người phản đối cũng nhận định thương vụ sẽ tạo điều kiện cho AT&T chiếm thế độc tôn trong ngành giải trí, có thể cản trở chương trình của những đối thủ khác và tăng giá thành dịch vụ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục