Ba công nhân bỏng hóa chất, hai người thương nặng vì mìn

Khi các công nhân đổ hóa chất để nhuộm vải vào bồn pha chế thì xảy ra hiện tượng trào ngược hóa chất, khiến ba công nhân bị bỏng nặng do hóa chất văng vào người.

Chiều 28/7, tại hệ thống sản xuất dây chuyền thuộc công ty Cổ phần may Phong Phú (đóng tại quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh) đã xảy ra một vụ tai nạn lao động liên quan đến hoá chất khiến ba công nhân bị bỏng.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 13 giờ cùng ngày khi các công nhân đang đổ hoá chất gồm các dung dịch Natri hydroxit (NaOH) và Glucoze 5% (các chất dùng để nhuộm vải sợi) vào bồn pha chế thì xảy ra hiện tượng trào ngược hoá chất, khiến hoá chất văng vào người các công nhân đang làm việc tại đó.

Vụ tai nạn đã làm ba công nhân là N.V.L (sinh năm 1982), T.M (sinh năm 1981) và N.H.D.N (sinh năm 1974) bị bỏng hoá chất, phải đưa sơ cứu tại Trạm y tế của công ty và sau đó được chuyển vào bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu điều trị.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sỹ Trương Thế Hiệp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện cho biết, hai bệnh nhân N.V.L và T.M bị bỏng ngoài da độ 2-3, chủ yếu là ở phần ngực, bụng, mặt... chiếm khoảng 30% diện tích cơ thể.

Nghiêm trọng hơn, hai bệnh nhân này còn bị bỏng giác mạc rất nặng, bỏng độ 3-4. Riêng bệnh nhân N.H.D.N diện tích bỏng ngoài da cũng chiếm khoảng 30% diện tích cơ thể, nhưng mức độ bỏng giác mạc có nhẹ hơn, chỉ bỏng ở độ 2.

Cũng theo bác sỹ Trương Thế Hiệp, ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện đã tiến hành hồi sức tích cực đồng thời thực hiện rửa hóa chất và rửa mắt cho các bệnh nhân.

Hiện khoa Cấp cứu cũng đang phối hợp với các bác sỹ ở các chuyên khoa Mắt, khoa Bỏng và phẫu thuật tạo hình của bệnh viện để hội chẩn và đưa ra phương pháp chữa trị. Tuy nhiên tình trạng bỏng mắt của hai bệnh nhân N.V.L và T.M là rất nặng, khó có thể tiên lượng được khả năng chữa trị ở hai bệnh nhân này. Nguy cơ hư hai mắt hoàn toàn là rất cao.

Về nguyên nhân xảy ra vụ tai nạn lao động này, ông Trần Ngọc Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong Phú cho rằng, có thể các công nhân không tuân thủ đúng trong quy trình pha chế.

Theo ông Trần Ngọc Nga, thông thường khi đổ hoá chất vào bồn pha chế phải tắt cánh khuấy (dụng cụ pha trộn hoá chất) nhưng có khả năng các công nhân này đã không thực hiện đúng nên khi đổ các hoá chất vào đã xảy ra hiện tượng hoá chất trào ngược và gây ra tai nạn. Hiện phía công ty đang tìm hiểu kỹ vụ việc.

Ông Trần Ngọc Nga cũng cho biết thêm, công tác pha chế hoá chất là hoạt động hàng ngày của công ty. Đây là vụ tai nạn lao động đầu tiên xảy ra liên quan đến hoạt động này.

Các công nhân trước khi vào làm việc tại dây chuyền đã được huấn luyện các điều kiện về trang bị bảo hộ lao động. Có thể đây là khoảng thời gian giao ca nên công nhân không tuân thủ đúng theo quy định. Ngay khi sự việc xảy ra, phía công ty cũng đã ngưng hoạt động dây chuyền này.

Phía công ty Cổ phần Phong Phú cũng cho biết, 3 bệnh nhân bị thương trong vụ tai nạn lao động này có thâm niên làm việc từ 4-7 năm.

Cùng ngày, các bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, bệnh viện đang điều trị cho hai trường hợp bị thương nặng, hai mắt bị mù hoàn toàn và bị cụt cánh tay trái do sử dụng mìn tự chế để đánh bắt cá.

Hai anh em là V.V.H (sinh năm 1979) và Vũ Văn Mạnh (sinh năm 1980) quê ở xã Khánh Hải, Ninh Hải, Ninh Thuận được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 27/7 trong tình trạng đã bị cụt 1/3 cẳng tay trái và hai mắt bị hỏng nặng do bị nổ và bị vật nhọn xuyên thủng.

Các bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy đã khâu củng mạc hai lần cho bệnh nhân V.V.H để cấp cứu nhưng hai mắt bệnh nhân này đã hoàn toàn bị mù do bị nổ từ sức công phá của mìn tự chế. Ngoài ra, bệnh nhân này còn bị cụt tay trái, dập toàn bộ thùy trên và một phần thùy giữa phổi phải, tràn dịch màng phổi phải, tràn dịch màng tim, lồng ngực bị thủng lỗ chỗ.

Các bác sỹ đang xác định có bị tổn thương tim hay không, nếu có thì phải phẫu thuật tim. Ngoài ra, phải dẫn lưu để giải quyết tràn dịch màng tim.

Còn người em V.VM bị thương nhẹ hơn nhưng hai mắt bị vật nhọn xuyên thủng, tiên lượng khó phục hồi thị lực và cũng bị cụt tay trái. Đây là trường hợp sử dụng mìn để đánh cá nhưng mìn nổ ngay trên tay nên bệnh nhân đã bị thương rất nặng. Với những thương tổn này khoảng 2-3 tháng thì bệnh nhân mới lành vết thương nhưng những di chứng để lại rất nặng.

Bác sỹ Vũ Hữu Vĩnh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện nay tính mạng của hai bệnh nhân này thì có thể đảm bảo được nhưng có 2 vết thương nặng là dập phổi và tràn dịch màng tim cần phải theo dõi để tránh tình trạng tràn dịch tiếp, hóa mủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục