Bà giáo già được nhận danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”

Nhà giáo “lão thành” Hồ Hương Nam là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được UBND Hà Nội xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014.

Là một trong 10 cá nhân tiêu biểu được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xét tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 và sẽ được vinh danh tại lễ kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô tổ chức ngày 10/10 tới, nhà giáo “lão thành” Hồ Hương Nam thực sự xúc động và vui mừng trước phần thưởng cao quý này.

Với bà, niềm vui không chỉ bởi lãnh đạo Đảng và chính quyền thành phố Hà Nội không quên những việc làm thầm lặng của bà trong suốt 17 năm qua, mà còn không quên những số phận bất hạnh của trẻ em khuyết tật.

Thừa hưởng nét đẹp ngọt ngào của người con gái xứ Huế, từ khi theo chồng ra Bắc, cô gái trẻ Hồ Hương Nam đã chọn cho mình cái nghiệp gắn với bảng đen, phấn trắng. Gần 30 năm đứng trên bục giảng, đào tạo bao lớp học trò khôn lớn, trưởng thành, bà Nam đã được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen về tấm gương dạy tốt, đóng góp nhiều sáng kiến hay trong dạy và học.

Tới lúc về hưu, làm công tác ở Ủy ban Nhân dân phường An Dương Vương, quận Tây Hồ, Hà Nội, chứng kiến những đứa trẻ tàn tật không được đi học, trong nỗi xót xa, thương cảm số phận con người, bà chợt nghĩ mình còn trí tuệ, còn sức lực phải làm gì đó để cứu vớt những con người tật nguyền này, giúp họ sống có ích cho đời, cho cộng đồng. Đó cũng là nguồn cơn để bà quyết định mở lớp học "Tình thương" và đeo đuổi nó cho đến ngày nay, khi mắt đã mờ, chân đã chậm.

Bà Nam kể: Những ngày đầu tiên của lớp học là những ngày khó khăn nhiều nhất. Để có những học sinh tàn tật đến học là điều không dễ dàng. Với tâm lý ngại ngần, hầu hết các gia đình có trẻ tật nguyền đều không muốn con tiếp xúc bên ngoài.

Cũng không có mấy bố mẹ tin đứa con tật nguyền của mình có thể đi học, tiếp thu bài vở. Ngoài ra, còn có những gia đình phải chạy ăn từng bữa, sao có thể nghĩ đến chuyện đủ thời gian, tiền bạc cho con đến lớp.

Thấu hiểu những lý do đời thường ấy, không nản chí, bà giáo Nam đã dành thời gian, công sức tìm tới từng nhà để thuyết phục, vận động.

Cảm động trước tấm lòng thành của cô giáo già, sau nhiều ngày đi lại, bà đã đón nhận được 3 học sinh đầu tiên tới lớp học mang tên “Tình thương” đặt ngay tại nhà riêng của bà ở khu tập thể An Dương. Sau một thời gian, chứng kiến tấm lòng yêu trẻ và sự tận tâm của bà, gia đình các trẻ tật nguyền đã tự tìm tới nhờ cậy bà.

Lớp học đông dần lên nhưng nhà chật, không có đủ chỗ cho trẻ ngồi, bà mượn Ủy ban Nhân dân phường trụ sở tuần tra làm nơi “gieo” chữ. Tuy nhiên, cũng chỉ được thời gian ngắn, mấy bà cháu lại sang học tạm ở nhà văn hóa rồi sang nhà trẻ học nhờ.

Biết muốn giữ lớp phải có địa điểm ổn định, lâu dài, bà đã viết đơn lên Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ đề đạt nguyện vọng bằng cả trái tim và nước mắt của mình.

Không phụ lòng mong đợi của cô và trò lớp học đặc biệt này, lãnh đạo quận và Trường Trung học cơ sở An Dương đồng ý cho bà mượn một phòng có diện tích hơn 12m2 để học.

Từ năm 2002, lớp “Tình thương” đã có phòng học đàng hoàng, cô trò phấn khởi hẳn lên. Mỗi sáng, người ta lại thấy một bà cụ dáng người nhỏ bé nhưng bước chân vững vàng, nhanh nhẹn, đầu đội nón, tay cầm một chiếc đài cassette đến với những học sinh tật nguyền của mình.

Chia sẻ khó khăn khi dạy trẻ khuyết tật, bà Nam cho biết, với mỗi trẻ, bà lại có một phương pháp giảng dạy riêng cho phù hợp. Đứa bệnh "đao, đứa tự kỷ, đứa khèo tay, đứa câm, đứa điếc…"

Hàng ngày lên lớp, bà giáo tóc bạc chạy tới chạy lui với khoảng 15 đứa trẻ và dần bà quen bệnh, quen người, thuộc từng đặc điểm mỗi học sinh. Giờ đây, bà Nam có thể dễ dàng tiếp xúc, chuyện trò với đám trẻ đặc biệt như một chuyên gia y tế.

Bà Nam bảo, dạy trẻ tàn tật, cần nhất là lòng kiên trì. Có trẻ 7 tháng mới thuộc được chữ 0, lại có trẻ 3 tháng mới cầm được bút viết, như em Lưu Hoàng Dương, 33 tuổi, bị liệt tứ chi hay cô bé Phương Anh, 8 tuổi, bị câm điếc bẩm sinh, mọi thông tin trao đổi đều bằng cách ra hiệu.

Để có thể dạy được trẻ câm điếc, gần 80 tuổi mà cụ vẫn miệt mài đi học thêm khóa học dạy trẻ câm điếc của một tổ chức nước ngoài. Trong số học sinh bám lớp từ đầu, có em giờ đã lập gia đình, có em có thể tự kiếm nuôi sống bản thân...

Ngoài dạy kiến thức trong sách vở, bà Nam còn dạy cách làm người, dạy các em biết yêu thương, sẻ chia. Trên bàn làm việc của bà không bao giờ thiếu vắng chiếc đài nhỏ. Bà bảo, sau mỗi tiết học, bà lại bật những bài hát thiếu nhi cho trẻ nghe để điều trị tâm lý.

Nhiều khi ốm, bà Nam cũng không nghỉ lên lớp, mặc cho gia đình và các con khuyên can, bà vẫn tới bên đám trò ngơ ngác với lọ thuốc áp huyết cao trong túi. Nhiều phụ huynh thấy con tiến bộ từng ngày trong lòng cảm kích dành tiền gửi biếu nhưng dù đưa thế nào, bà Nam cũng nhất mực từ chối.

Với 38 lượt học sinh và hiện tại lớp học đang có 18 em, bà vừa không lấy tiền công dạy học, lại vừa bỏ tiền lương hưu của mình để mua vở, bút và phần thưởng cuối tuần động viên các em. Cảm kích trước những việc làm cao đẹp của bà, một vài cá nhân, tổ chức đã ủng hộ mua thiết bị học tập cho trẻ, còn tiền điện nước của lớp được trường miễn phí.

Nhìn những học sinh của mình từ chỗ thu mình, tự ti, bây giờ biết đọc, biết viết, biết tính toán và chào hỏi như người bình thường, bà giáo Hồ Hương Nam có những phút giây vui sướng đến trào nước mắt.

Thế nhưng, sức người có hạn, thời gian cứ thế trôi đi kéo theo tuổi tác của bà ngày càng cao. Nỗi lo không còn sức giữ lớp, giữ trò luôn đau đáu trong bà.

Bà tâm nguyện: “Tôi chỉ mong các thầy cô giáo hãy cố gắng “kéo” các cháu tật nguyền ra khỏi mặc cảm, bởi các cháu chính là những con người bị thiệt thòi nhiều nhất. Càng yêu nghề bao nhiêu thì càng yêu người bấy nhiêu”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục