Ba thách thức của lĩnh vực đóng tàu hải quân ở Đông Nam Á

Richard A. Bitzinger, chuyên gia thuộc chương trình chuyển đổi quân sự của Singapore, vừa có bài bình luận đăng đề cập đến lĩnh vực đóng tàu hải quân tại các nước Đông Nam Á.
Ba thách thức của lĩnh vực đóng tàu hải quân ở Đông Nam Á ảnh 1Quang cảnh Lễ hạ thủy tàu Cảnh sát biển 8005 tại Nhà máy đóng tàu Sông Thu. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Richard A. Bitzinger, chuyên gia thuộc chương trình chuyển đổi quân sự, Viện Nghiên cứu Chiến lược (RSIS), trường Đại học Nam Dương, Singapore, vừa có bài bình luận đăng trên trang mạng của RSIS đề cập đến lĩnh vực đóng tàu hải quân tại các nước Đông Nam Á.

VietnamPlus xin giới thiệu bài viết này:

Gần như mọi quốc gia lớn tại Đông Nam Á đều sở hữu một ngành công nghiệp đóng tàu. Trên thực tế, một số nước có ngành đóng tàu lớn như Việt Nam, quốc gia có ngành đóng tàu lớn thứ 5 trên thế giới.

Các quốc gia Đông Nam Á này đều tham gia vào việc đóng các tàu chiến cho lực lượng Hải quân của nước họ.

Hơn nữa, hầu hết các quốc gia này đều mong muốn mở rộng các xưởng đóng tàu và năng lực sản xuất cũng như các chương trình đóng tàu tham vọng hơn.

Tuy nhiên, các nhà máy đóng tàu Đông Nam Á đối mặt với một số vấn đề mang tính dài hạn khi họ muốn phát triển thêm khả năng đóng tàu của họ.

Trong số 11 quốc gia Đông Nam Á, 5 nước gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam có các nhà máy đóng tàu tham gia vào quá trình sản xuất các tàu dành cho lực lượng Hải quân, cụ thể như sau:

Indonesia: Công ty đóng tàu PT PAL của nước này đã đóng tàu tuần tra dài 57m do Đức thiết kế cho Hải quân Indonesia (TNI-AL) cũng như đóng các cầu cảng LPD và muốn đóng 2 tàu hộ tống lớp Sigma nếu TNI-AL đặt hàng. PT PLA cũng muốn đóng các tàu ngầm (do Hàn Quốc thiết kế) cho Hải quân nước này.

Malaysia: Trong những năm 2000, nhà máy đóng tàu Hải quân Boustead của nước này trực thuộc Tập đoàn công nghiệp Boustead đã tiến hành đóng 6 tàu tuần tra lớp Kedah thế hệ mới (dựa trên thiết kế của mẫu tàu MEKO A-100 của Đức) cho Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN).

Chương trình này sau đó được thay thế bởi chương trình tàu tuần tra thế hệ thứ hai (SGPV) mà theo đó Boustead sẽ sản xuất 6 tàu khu trục lớp Gowind do Pháp thiết kế.

Công ty hiện đang hợp tác với DCNS, một nhà thầu Hải quân của Pháp trong dự án này với trị giá hợp đồng ít nhất 2,8 tỷ USD.

Hải quân Hoàng gia Malaysia coi chương trình SGPV này là đặc biệt quan trọng do những lo ngại của họ về việc thiếu khả năng trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Singapore: Các chương trình đóng tàu Hải quân hiện nay của Singapore bao gồm tàu khu trục lớp Formidable (dựa theo thiết kế của mẫu tàu Lafayette của Pháp), các tàu tấn công đổ bộ lớp Endurance (cũng được bán cho Hải quân Thái Lan) và tàu làm nhiệm vụ ven biển lớp Independence 1.200 tấn.

Singapore cũng có các kế hoạch đóng 1 tàu vận tải đa năng hỗn hợp (JMMS) và 1 tàu chở trực thăng (LHD).


Thái Lan:
Công ty đóng tàu Bangkok tiến hành lắp ráp tàu tuần tra ven bờ (OPV) lớp Krabi, dựa trên thiết kế của tàu tuần tra lớp River của Vương quốc Anh.

Việt Nam: Hiện nay, Việt Nam đang đóng một vài tàu tấn công lớp Molniya theo thiết kế của Nga và một vài sản phẩm Hải quân khác gồm các tàu tuần tra và tàu hậu cần.

Tuy nhiên, các nhà đóng tàu tại Đông Nam Á đang phải đối mặt với ba thách thức.

Thiếu khả năng sinh lời

Nhiều xưởng đóng tàu tại khu vực không đem lại lợi nhuận bởi quá trình sản xuất cực kỳ nhỏ và khả năng quản lý kém.

Hãng đóng tàu PT PAL của Indonesia thiếu hợp đồng sản xuất bởi Chính phủ Indonesia không thể cam kết một kế hoạch hiện đại hóa Hải quân dài hạn do thiếu kinh phí.

Năm 2009, PT PAL buộc phải bắt đầu một quá trình hợp lý hóa sản xuất, qua đó gần một nửa trong số 2.000 nhân viên của công ty bị sa thải.

Tham nhũng

Tại Malaysia, tham nhũng trong mua sắm vũ khí đã làm xói mòn những nỗ lực đóng tàu Hải quân quốc gia. Chương trình đóng tàu tuần tra lớp Kedah ban đầu có tham vọng sản xuất 27 chiếc tàu tuần tra xa bờ OPV.

Tuy nhiên, tham vọng này vấp phải cản trở ngay từ khi bắt đầu bởi những vi phạm về tài chính dẫn tới những vấn đề về chất lượng và sự chậm trễ về thời gian.

Nhà thầu ban đầu, Công ty đóng tàu Hải quân PSC, đã bị phát hiện không trả tiền cho một số nhà thầu phụ, trong khi có dính líu tới việc biển thủ tiền hưu trí của nhân viên. Kết quả là Chính phủ Malaysia đã yêu cầu Công ty đóng tàu Boustead tiếp nhận PSC và kết thúc dự án.

Thậm chí sau đó con tàu đầu tiên trong lô hàng đã không vượt qua được những thử nghiệm khi chạy thử trên biển trước khi giao hàng do những vấn đề về kỹ thuật và chất lượng.

Cuối cùng, chương trình đóng tàu lớp Kedah của Hải quân nước này buộc phải giảm xuống còn 6 chiếc.

Không có công nghệ và chuyên gia cao cấp

Công nghệ và khả năng kỹ thuật của các nhà máy đóng tàu tại khu vực có thể là trở ngại lớn nhất mà các nhà máy đóng tàu này phải đối mặt. Trong phần lớn các trường hợp, các nhà máy đóng tàu các nước đều có quy mô nhỏ, chỉ giới hạn trong việc đóng các tàu tuần tra, tàu hộ tống và tàu tuần tra ven bờ.

Chỉ có Singapore là ngoại lệ khi nước này có khả năng đóng các tàu lớn hơn chẳng hạn như tàu khu trục hoặc tàu tấn công đổ bộ.

Thậm chí, tất cả các công ty đóng tàu tại khu vực đều phải nhập khẩu tất cả hoặc gần như là toàn bộ các hệ thống và vũ khí trang bị cho các tàu này, bao gồm cả máy móc, radar, thiết bị điện, kiểm soát hỏa hoạn, tên lửa và hệ thống pháo Hải quân.

Với những lý do đó, nhiều nhà máy đóng tàu khu vực muốn hợp tác với các nước khác để tham gia các dự án đóng tàu phức tạp hơn.

Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, vấn đề lớn nhất là các nhà máy đóng tàu địa phương không sở hữu đủ kỹ năng lao động hay khả năng sản xuất để tham gia vào những dự án phức tạp hơn. Cùng thời điểm, họ không tham gia vào hoạt động sản xuất các sản phẩm đủ lớn để phát triển kỹ năng của mình. Hơn nữa, nhiều nhà máy đóng tàu tại Đông Nam Á vẫn thiếu số lượng kỹ sư chất lượng và nhân viên kỹ thuật.

Do đó, dù sở hữu tiềm năng nhưng có khả năng ngành đóng tàu hải quân của các nước trong khu vực sẽ chỉ là các hoạt động nhỏ lẻ và giới hạn trong MRO (bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu), sản xuất tay nghề thấp (đóng vỏ), giai đoạn cuối của sản xuất và một vài dự án trang bị vũ khí áp dụng công nghệ thấp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục