Ba trường hợp Nhà nước mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp

Theo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vừa được Chính phủ ban hành, Nhà nước mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trong 3 trường hợp.
Ba trường hợp Nhà nước mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Nghị định về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp vừa được Chính phủ ban hành, Nhà nước thực hiện đầu tư vốn để mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác trong 3 trường hợp.

Ba trường hợp gồm:

1- Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thông qua việc thực hiện tái cơ cấu lại những doanh nghiệp hoạt động ở một số ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến kinh tế-xã hội theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2- Trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, bao gồm các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phục vụ công nghiệp quốc phòng, doanh nghiệp hoạt động tại địa bàn chiến lược, biên giới đất liền, hải đảo.

3- Cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội.

Việc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp được thực hiện thông qua mua lại cổ phần hoặc vốn góp tại các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.

*Phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp

Nghị định cũng quy định phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập doanh nghiệp nhà nước gồm:

1-Doanh nghiệp nhà nước cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội (như dịch vụ bưu chính công ích; quản lý, khai thác công trình thủy lợi, thủy nông liên tỉnh, liên huyện; quản lý, khai thác, điều hành hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, bảo đảm an toàn bay, bảo đảm an toàn hàng hải...)

2- Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh theo quy định của Chính phủ.

3- Doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực độc quyền tự nhiên (gồm hệ thống truyền tải điện quốc gia; in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng; xổ số kiến thiết; doanh nghiệp Nhà nước có chức năng đầu tư kinh doanh vốn nhà nước, mua bán và xử lý nợ phục vụ tái cơ cấu và hỗ trợ điều tiết, ổn định kinh tế vĩ mô).

4- Doanh nghiệp nhà nước ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và nền kinh tế.

*Hai trường hợp được đầu tư bổ sung vốn điều lệ

Nghị định cũng quy định rõ 2 trường hợp đầu tư bổ sung vốn điều lệ đối với doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động gồm:

1-Doanh nghiệp nhà nước đang hoạt động có hiệu quả có mức vốn điều lệ hiện tại không bảo đảm thực hiện ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2- Doanh nghiệp nhà nước trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh nhưng vốn điều lệ hiện tại không bảo đảm thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao.

Tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của Chính phủ về giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Doanh nghiệp nhà nước được xác định hoạt động có hiệu quả phải đảm bảo kết quả xếp loại doanh nghiệp nhà nước của ba năm liền kề trước năm xác định bổ sung vốn điều lệ đạt từ loại B trở lên theo công bố kết quả xếp loại doanh nghiệp của cấp có thẩm quyền.

Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục