Bắc Giang thu khoảng 4.600 tỷ đồng từ vụ vải thiều năm 2015

Vụ vải thiều năm 2015, tỉnh Bắc Giang thu khoảng 4.600 tỷ đồng.  Vải thiều được xuất khẩu sang các Mỹ, Pháp, Anh, Australia, Nhật Bản.
Bắc Giang thu khoảng 4.600 tỷ đồng từ vụ vải thiều năm 2015 ảnh 1Thu mua vải thiều. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2015, tỉnh Bắc Giang thu khoảng 4.600 tỷ đồng.

Cụ thể, với tổng diện tích trên 31.000ha, sản lượng đạt 195.000 tấn quả tươi, giá bán trung bình đạt 15.000 đồng/kg (cao hơn năm 2014 khoảng 3.000 đồng/kg), vụ vải thiều năm 2015 của tỉnh Bắc Giang đã đạt kết quả tốt, cho giá trị sản xuất đạt khoảng 2.900 tỷ đồng và giá trị xuất khẩu đạt 1.700 tỷ đồng (khoảng 80 triệu USD).

Đặc biệt, tỉnh đã đưa vào sản xuất 100ha vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGap cho sản lượng khoảng 600 tấn phục vụ xuất khẩu sang các thị trường mới, khó tính như Mỹ, Pháp, Anh, Australia, Nhật Bản...

Tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang đã tiêu thụ nội địa năm 2015 đạt khoảng 107.000 tấn (chiếm 55% tổng sản lượng), riêng thị trường các tỉnh phía Nam đã tiêu thụ khoảng 64.000 tấn.

Tại hội nghị tổng kết công tác sản xuất và tiêu thụ vải thiều năm 2015 ngày 14/8, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái cho biết nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất vải thiều Bắc Giang, trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người trồng vải trên địa bàn sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn an toàn, mở rộng diện tích sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap.

Đồng thời tỉnh tập trung chuyển dịch cơ cấu phù hợp cho nhiều loại vải thiều nhằm kéo dài mùa vụ, khắc phục tính mùa vụ cao; chuyển đổi các khu vực trồng vải thiều kém chất lượng sang cây trồng khác nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị kinh tế trên diện tích đất trồng.

Bên cạnh đó, tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản vải thiều nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Bắc Giang cũng tăng cường tiếp cận, liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ CAS (Cell Alive System) - công nghệ bảo quản tế bào của Nhật Bản; công nghệ Jural của Israel trong bảo quản vải thiều và các công nghệ bảo quản tiên tiến khác nhằm phục vụ cho xuất khẩu vải thiều tươi đến các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga, Australia, các nước EU, Trung Đông...

Để đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ vải thiều, trong các niên vụ tới tỉnh Bắc Giang quan tâm duy trì và phát triển thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Phúc Hòa của tỉnh đến các quốc gia trên thế giới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu vải thiều Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tỉnh chủ động phối hợp với chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước tổ chức triển khai các hoạt động kết nối cung-cầu, kết nối giữa vùng sản xuất với các doanh nghiệp, thương nhân và các hệ thống phân phối; xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, hiệu quả, kết nối với các đối tác lớn, tiêu thụ lâu dài và ổn định cho vải thiều Bắc Giang.

Bắc Giang xác định cần tăng thị phần tiêu thụ vải thiều tại thị trường nội địa, phấn đấu năm 2016 đạt 60% tổng sản lượng của toàn tỉnh và tăng dần trong các năm tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục