Bắc Kạn: Còn 41 lao động từ Saudi Arabia chưa được tiền hỗ trợ

Cuộc sống của những người nghèo ở huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) trở về trước thời hạn sau khi đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Bắc Kạn: Còn 41 lao động từ Saudi Arabia chưa được tiền hỗ trợ ảnh 1(Ảnh minh họa: Nguyễn Trình/TTXVN)

Cuộc sống của những người nghèo ở huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) được Công ty cổ phần đầu tư và hợp tác quốc tế Thăng Long đưa đi xuất khẩu lao động tại Saudi Arabia song phải về nước trước thời hạn trong năm 2014 vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bí thư Huyện ủy Pác Nặm Hoàng Kim Hồng cho biết Thường trực Huyện ủy nhận được đơn của nhiều người lao động và đã chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện, các phòng chức năng thực hiện đúng và nhanh việc giải quyết thỏa đáng, hợp tình hợp lý quyền lợi cho người lao động.

Tuy nhiên đến nay, Công ty Thăng Long mới giải quyết xong cho 17/58 người, còn 41 người vẫn chưa giải quyết xong.

Anh Dương Văn Lường, ở xã Cao Tân cho biết anh được đi xuất khẩu lao động sang Saudi Arabia từ tháng 9/2013.

Trong 6-7 tháng đầu tiên, anh và những người lao động khác có việc làm nên thu nhập cao hơn so với hợp đồng, nhưng sau đó lương của họ bị giảm đi so với hợp đồng, đi làm thêm cũng không được tính như những tháng trước đó.

Theo anh Dương, người lao động đã nhiều lần có đơn đến Công ty Thăng Long và các cơ quan của huyện Pác Nặm. Sau đó họ không có việc làm, cả tiền ăn cũng không có, phải sống một cuộc sống khổ sở ở Saudi Arabia. Đến nay, những người lao động đã về nước được gần 5 tháng rồi mà Công ty Thăng Long vẫn chưa giải quyết chế độ.

Công ty Thăng Long hiện đã có công văn thông báo gửi Ủy ban Nhân dân huyện Pác Nặm và Ban Chỉ đạo xuất khẩu lao động huyện Pác Nặm về việc thanh lý hợp đồng với 41 người lao động từ Saudi Arabia trở về.

Trong phương án chi trả để thực hiện thanh lý hợp đồng này, mỗi công nhân được nhận 25,542 triệu đồng, trong đó có hỗ trợ vé máy bay 10 triệu đồng, hỗ trợ phí dịch vụ 7,792 triệu đồng, hỗ trợ phí môi giới 5,250 triệu đồng và Công ty Thăng Long hỗ trợ thêm 2,5 triệu đồng.

Theo ông Ngô Bá Quyết - Tổng Giám đốc Công ty Thăng Long, đây là số tiền hỗ trợ phá hợp đồng do rủi ro, dựa trên quy định về tỷ lệ thời gian đã làm việc trên tổng số thời gian cam kết.

Như vậy, để có chuyến đi “đổi đời,” những người nghèo Pác Nặm phải vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 35 triệu đồng/người để làm thủ tục xuất khẩu. Nay được nhận số tiền phá hợp đồng là trên 25 triệu đồng, mỗi công nhân này phải bỏ thêm ra 10 triệu đồng nữa để trả nợ gốc cho Ngân hàng chính sách xã hội (chưa tính lãi).

Theo ông Mã Văn Hiệt - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cao Tân, những người đi xuất khẩu lao động ở Saudi Arabia đều là những hộ nghèo, trong khi đó, chi phí cho chuyến đi rất tốn kém, ngoài con số 35 triệu đồng để làm các thủ tục còn nhiều chi phí phụ khác nữa.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Ngô Bá Quyết, Tổng Giám đốc Công ty Thăng Long cũng khẳng định việc phá vỡ hợp đồng lao động này không phải từ phía người lao động mà từ phía Công ty Bader (Saudi Arabia) nhưng do công ty này phá sản, không có khả năng thanh toán nên công ty đã đứng ra tổ chức đưa công nhân về nước và thanh toán dựa theo các điều luật hợp tác lao động./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục