Cảnh báo mất an ninh nguồn nước từ các dự án “chặt khúc” sông Mekong

Bài 1: Khi mực nước sông Mekong thay đổi bất thường

Theo các chuyên gia, nếu các dự án xây đập thủy điện, phá ghềnh đá trên sông Mekong tiếp tục được triển khai, lưu vực Mekong sẽ mất an ninh nguồn nước, ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân.
Bài 1: Khi mực nước sông Mekong thay đổi bất thường ảnh 1Sông Mekong tại khu vực Tam giác vàng Thái Lan, Lào, Myanmar. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Giữa tháng 3/2017, phóng viên VietnamPlus cùng các chuyên gia nghiên cứu về tài nguyên nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia đã có chuyến thực địa trên dòng Mekong để tìm hiểu về vấn đề an ninh nguồn nước và thách thức phát triển trên dòng sông được đánh giá là gần như còn nguyên vẹn nhất thế giới.

Vậy nhưng, sông Mekong hiện đang phải “cõng” hàng loạt đập thủy điện trên dòng chính bên cạnh các dự án phát triển khác. Cuộc tranh đua năng lượng này đã khiến dòng sông bị chia thành nhiều khúc, làm mất dần khả năng “xả” nước về vùng hạ du, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là hai quốc gia Campuchia và Việt Nam.

Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu các dự án xây đập thủy điện, chuyển nước phục vụ nông nghiệp, phá ghềnh đá trên sông Mekong tiếp tục được triển khai, lưu vực Mekong sẽ mất an ninh nguồn nước, giảm lượng phù sa, cũng như ảnh hưởng đến sinh kế của hàng triệu người dân, nhất là ngư dân nghèo sống dựa vào nghề đánh bắt cá, và sản xuất nông nghiệp ở hạ lưu vực.

Bài 1: Khi mực nước sông Mekong thay đổi bất thường

Không còn là dòng sông của sự thâm u và những cơn cuồng nộ thác ghềnh, Mekong giờ đã trở thành “dòng sông ánh sáng” bởi sinh lực chất chứa ngàn đời giờ đã hóa thành nguồn điện. Vậy nhưng, việc hàng loạt đập thủy điện “mọc” lên đã làm mực nước thay đổi đột ngột, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, cũng như sinh kế của hàng triệu người nông dân vùng hạ lưu.

Hơn 10 giờ sáng, tại Chiang Rai - một tỉnh biên giới miền Bắc Thái Lan nắng nóng như chảo lửa. Đứng trên đỉnh Tam giác vàng, phóng tầm mắt xuống dòng sông Mekong thơ mộng như tấm gương khổng lồ, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ phong cảnh hùng vĩ đôi bờ của xứ Lào, Myanmar.

Còn bên này, Thái Lan, các hoạt động diễn ra hết sức sôi nổi, với đủ các dịch vụ du lịch, các trang phục, đồ dùng cho du khách thăm quan. Phải mất rất lâu nài nỉ và liên tục tăng giá cho đoạn đường đi, người lái tàu mới liều mình chở chúng tôi cắt sóng lên đường.

Đúng 11 giờ 30, hành trình “phượt” trên sông Mekong bắt đầu. Trước khi tàu nổ máy, Chirasak Inthayod, gã trai người Thái đen đúa dặn trước: “Dòng chảy trên sông đang thay đổi bất thường, trên sông nổi lên nhiều bãi đá ghềnh, nên mọi người phải ngồi yên để tôi điều khiển nhé!.”

Qua Chiang Rai chừng 5 km, Inthayod đột ngột chuyển tay lái sang bên trái dòng sông. Thay vì mặt nước phẳng lặng, những bãi đá ghềnh khổng lồ nửa chìm nửa nổi, lồ lộ những ngấn bùn, nhô lên trên mặt nước như thạch trận, thách thức bản lĩnh người lái tàu nhỏ bé.

Trên đường đi, tàu gằn từng tiếng, "thở dốc" khi leo lên một đỉnh cao dựng đứng. Ngồi trên tàu, du khách luôn có xu hướng nảy lên, văng ra phía sau nếu không bám chắc. Hai bên sông là những dãy núi bạt ngàn hoa bông lau, với nhiều ngôi làng của đồng bào người Thái, Lào sinh sống.

Dưới chân núi, đoạn tiếp giáp mặt sông in hằn những dải ngấn nước với những vết loang lổ của phù sa. “Trước đây, nước sông lên cao, việc đi lại rất thuận lợi. Còn vài năm nay, dòng chảy bất thường và mực nước lên xuống bất thường do thủy điện xả lũ,” người lái tàu chia sẻ.

Chạy xuôi theo dòng Mekong, phóng tầm mắt ra xa, thi thoảng chúng tôi lại bắt gặp những chiếc thuyền nhỏ nằm ven bờ. Hỏi ra mới biết, người dân nơi đây có tập quán sinh sống và sản xuất gắn với núi rừng, sông nước nên có rất nhiều lồng bè nuôi cá hay những con thuyền chài lưới ở ven sông...

Vậy nhưng, sau nhiều giờ quan sát các hoạt động trên dòng chính sông Mekong, chúng tôi rất hiếm khi bắt gặp hình ảnh người dân đánh bắt cá. Vì sao thuyền bè, chài lưới dừng đỗ kín ven sông, nhưng lại vắng bóng người đánh bắt cá, tôm đến thế?

Quyết định đi tìm câu trả lời, chúng tôi ghé vào làng Huileak - ngôi làng ven sông thuộc huyện Viangkane, tỉnh Chiang Rai. Người dân nơi đây cho biết, trong vòng 3-4 năm qua, họ đã chứng kiến sự thay đổi bất thường về mực nước, xói lở bờ sông và suy giảm nguồn cá, nên việc đánh bắt thủy sản đã giảm đi nhiều.

[Người dân lưu vực Mekong chung tay bảo vệ nguồn nước "dòng sông mẹ"]

Nằm bên bờ sông Mekong, gia đình anh Chaiwat Daungtida sống đơn giản trong căn nhà nhỏ, nơi họ vừa bị nước sông cuốn đi chiếc thuyền đặt trên bờ. Anh Chaiwat Daungtida bảo chưa từng thấy những gì vừa xảy ra. Giữa mùa cạn, nước sông bỗng đột ngột dâng cao rồi cuốn đi “nồi cơm” của gia đình chỉ trong một đêm ngắn ngủi.

Hiện tượng nước dâng bất thường trong đêm như thế chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ qua, và như những  dân làng ở phía bắc Thái Lan, anh Daungtida nghĩ ngay đến việc những con đập lớn xả nước từ trên thượng nguồn.

“Vài năm nay, mực nước lên xuống thất thường lắm. Có hôm buộc thuyền ven sông, tối thuyền đã nằm trên bờ. Nhưng có tối để thuyền sát bờ, sáng hôm sau nước lên thuyền đã trôi hàng chục mét. Cứ tình trạng này, chúng tôi lo sợ một ngày khu đất này sẽ bị nhấn chìm trong biển nước,” anh Daungtida rầu rĩ kể.

Bài 1: Khi mực nước sông Mekong thay đổi bất thường ảnh 2Những chiếc thuyền đánh bắt cá trên dòng sông Mekong tại địa phận Lào. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Mất dần sinh kế!

Thở dài hướng ánh mắt về phía con thuyền hoen gỉ nằm bên bờ sông, anh Daungtida kể, trước đây, bình thường mỗi ngày đánh bắt cá, gia đình anh cũng kiếm được 3.000 bath (gần 2 triệu VND). Còn từ năm 2014 đến nay, việc đánh bắt cá rất khó khăn. Vì thế, anh và nhiều người dân trong làng đã phải đổi nghề, đi làm xây dựng.

Ông Thongsook Inthavong, Trưởng làng Huileak cho biết: Làng có 156 hộ dân, với 1.625 nhân khẩu. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt cá. Toàn bộ số tiền từ việc đánh bắt cá, người dân dành cho con cái học hành. Ngoài ra, bà con trong làng còn trồng hoa màu để ổn định cuộc sống.

“Trước đây, nguồn cá trên sông dồi dào, cá rất nhiều, nhưng nay đã giảm khoảng 60-70%%, nên phần lớn người dân phải chuyển nghề đi làm xây dựng theo thời vụ. Giờ đây, cả làng chỉ còn 3 hộ dân còn gắn bó quanh năm với nghề chài lưới,” ông Inthavong nói.

Vị Trưởng làng Huileak cũng nhận định nguyên nhân mực nước lên xuống bất thường, làm suy giảm sản lượng cá trên sông là do biến đổi khí hậu, thay đổi dòng chảy, nhưng đặc biệt là do các dự án thủy điện trên dòng chính sông Mekong.

“Bằng chứng là, một số nơi mực nước bất thình lình giảm 3-4m mà không có dấu hiệu gì báo trước và rồi lại tăng lên mức cao bất thường. Trong khi đó trời không có mưa, nên các con đập có thể là thủ phạm,” ông Inthavong nói thêm.

[Giới khoa học kêu gọi tiết kiệm nước cho nông dân sông Mekong]

Trước đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus tại Diễn đàn nhân dân Mekong được tổ chức tại tỉnh Chiang Rai (Thái Lan) vào ngày 14/3, ông Socheat, người dân sống trên làng nổi lòng hồ Tongle Sap, Camphuchia cho biết: Việc có quá nhiều dự án đập thủy điện xây dựng trên dòng chính sông Mekong sẽ khiến dòng sông này bị ngăn cách thành từng khúc.

“Là một cộng đồng sống trên làng nổi, chúng tôi chủ yếu dựa vào nguồn cá trên sông Mekong, thế nên việc xây đập sẽ tác động vô cùng lớn tới sinh kế, cuộc sống của chúng tôi. Chúng tôi không cần các dự án này vì chúng không mang lại lợi ích gì cho chúng tôi,” ông Socheat bộc bạch.

Từ góc độ chuyên gia, ông Senglong Youk - Phó giám đốc Tổ chức Hành động nghề cá Campuchia cũng nhận định, việc xây đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ ảnh hưởng đến sinh kế của cộng đồng dân cư sinh sống ven sông, đặc biệt là đối với người dân sống trên các nhà nổi, chủ yếu dựa vào nghề chài lưới../.

Bài 2: Thủy điện trên dòng chính Mekong ảnh hưởng gì đến vùng hạ lưu?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục