Bài 1: Tận hưởng trải nghiệm "homestay người Mường" ở vùng Đà Bắc

Đầu Xuân thong dong vãn cảnh, lên huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, tin tôi đi, chỉ 2 ngày cuối tuần thôi, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời, ở một nơi du lịch hoàn toàn mới, chưa bị "thương mại hóa."
Bài 1: Tận hưởng trải nghiệm "homestay người Mường" ở vùng Đà Bắc ảnh 1'Vịnh Hạ Long' thu nhỏ ở Đà Bắc. (Nguồn ảnh: AFAP)

Sapa hấp dẫn du khách trong và ngoài nước quanh năm nhờ khí hậu mát mẻ, trong lành với núi non trùng điệp hùng vĩ, những thung lũng lúa chín nhuộm vàng óng ả dưới nắng mai… mùa Hè, nhờ cái lạnh tê tái và cảnh tượng kỳ ảo khi sương mây bao phủ trắng trời mùa Đông...

Còn Vịnh Hạ Long, di sản thiên nhiên của thế giới, lại là bức tranh phong cảnh hữu tình với ngàn đảo xanh soi bóng núi, soi bóng những cánh buồm rong ruổi ngày đêm…

Nhưng có một nơi, chỉ cách Hà Nội hơn 100 km, có cả “Sapa và Hạ Long” cho bạn. Đầu Xuân thong dong vãn cảnh, lên huyện Đà Bắc (tỉnh Hòa Bình), tin tôi đi, chỉ hai ngày cuối tuần thôi, bạn sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời, ở một nơi du lịch hoàn toàn mới và hầu như chưa bị "thương mại hóa."

Homestay như resort

Đừng chọn đi theo đường Quốc lộ 6 đông đúc, khoảng 8 giờ 30 sáng, từ trung tâm Thủ đô chạy hết Đại lộ Thăng Long đi thẳng tới Đá Chông, qua Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, bạn rẽ trái đi đến Chẹ, xuống phà Hợp Thịnh cắt ngang dòng sông Đà. Quãng đường từ Chẹ đến phà Hợp Thịnh thuộc xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn là con đường rất đẹp, chạy ngoằn ngoèo giữa những cánh đồng mạ mới gieo, qua 20 km sẽ tới thị trấn Đà Bắc.

Thêm 8km đường mà một bên là núi và những đồi ngô còn một bên là dòng Đà giang thơ mộng sẽ tới Hữu Thảo homestay, ở xóm Ké, xã Hiền Lương, điểm dừng đầu tiên của hành trình.

Đi nhiều homestay từ Bắc vào Nam rồi nhưng quả thực, bước chân vào ngôi nhà của đồng bào Mường khiến tôi vô cùng ấn tượng, bởi chất lượng có thể đáp ứng để phục vụ du khách châu Âu.

Bài 1: Tận hưởng trải nghiệm "homestay người Mường" ở vùng Đà Bắc ảnh 2Nhìn vào gương ở khu rửa tay này có thể thấy cả trời mây, non nước Đà Bắc. (Nguồn ảnh: AFAP)

Căn nhà sàn ba gian của gia đình hai vợ chồng trẻ Hữu-Thảo mới được cải tạo năm 2014 dành để đón khách, ngoài 12 bộ đệm ngủ mang kiểu cách rất gần gũi với tiêu chuẩn các khách sạn 2-3 sao còn có hệ thống khu vệ sinh tự hoại, nhà tắm nước nóng, khu bếp hiện đại, sạch sẽ, khang trang.

Đặc biệt, căn nhà nằm giữa khu vườn cây ăn trái của gia đình, một mặt nhìn thẳng ra mênh mông sóng nước Sông Đà, bên cạnh đó dòng suối chảy róc rách quanh năm, tạo nên cảnh quan ấn tượng cho du khách thành phố. Homestay của người Mường mà tôi ngỡ mình lạc bước vào một resort nào đó.

Điều tuyệt vời nhất khi đến đây là bạn sẽ thưởng thức bữa trưa với thực phẩm sạch do bà con trồng và chăn thả tự nhiên. Giá đặt cho mỗi suất ăn chỉ 120.000 đồng mà thịnh soạn với tôm sông chiên bột, gà luộc, nem cuốn, rau luộc, canh khoai, rượu nấu, hoa quả tráng miệng hay thực đơn đặt trước.

Đinh Quý Hữu bảo, trước đi nghĩa vụ cậu từng làm trong bếp ăn quân đội, giờ về bản lấy vợ sinh con xong thì ở lại quê lập nghiệp. Gia đình Hữu mới bắt đầu khai thác mô hình homestay và cậu hy vọng sớm đón được nhiều khách.

Ăn trưa xong, nhấp ngụm trà xanh thơm dìu ngọt nơi cuống họng, nghỉ ngơi xuôi cơm, chủ nhà sẽ đưa bạn lên thuyền thăm quan bè cá nuôi trên lòng hồ. Thuyền chạy đến đâu những gợn nước loang ra, khuấy động vẻ yên tĩnh khắp mặt hồ đến đó.

Lòng sông Đà xanh ngắt in bóng những đồi núi trập trùng đen thẫm mở ra trước mắt, vài bè cá đủ loại của bà con người Mường quẫy đạp, bơi lúc nhúc trong lồng. Đặc biệt, khu vực này có loài cá mà người dân địa phương gọi là Rồng Xanh, cá chắc, thịt thơm ngon, thấy bảo cùng giống với “cá Thần” Thanh Hóa.

Cuối giờ chiều, đi nốt quãng đường 30 km tuyệt đẹp còn lại, chúng tôi đã qua những quãng đèo dốc cua tay áo lưng chừng núi, hé cửa kính thấy hơi lạnh của núi rừng thấm vào da thịt, sương mây mù mịt là là bay như phố núi Sapa, để tới xóm Đá Bia, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, nghỉ tại homestay Ngọc Nhềm có cùng mô hình như homestay Hữu Thảo.

Hạ Long trên núi…

Khác với nhiều địa phương đã phát triển mô hình du lịch cộng đồng, bà con dân tộc ở Đà Bắc (chủ yếu là người Mường, số ít còn lại là người Tày, Dao, Thái) vẫn còn giữ được bản sắc văn hóa với những tình cảm nồng ấm, thân thiện và sự chất phác, thật thà đáng quý. Đi trên đường, đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy các bé em rất tự nhiên cất lời chào cô, chào chú… đầy lễ phép.

Bài 1: Tận hưởng trải nghiệm "homestay người Mường" ở vùng Đà Bắc ảnh 3Bữa tối với đồ nướng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Buổi tối ở xóm Đá Bia, hai vợ chồng Ngọc-Nhềm sẽ giúp bạn chuẩn bị đồ ăn dân tộc hay món Âu tùy nhu cầu. Đinh Văn Ngọc cho biết, vợ chồng anh có thể làm lợn Mường đủ món trên mẹt tre lót lá chuối xanh, cơm đồ, hoa đu đủ xào, rau tàu bay xào, cá sông hấp lá đu đủ, canh khoai chuối, cá tép sông Đà rán… hay thực đơn Âu với salad Nga, gà om nấm, chân giò hầm Đức…

Tối đó, khi rượu bản đã mềm môi, chúng tôi nhảy sạp với bà con bên đống lửa bập bùng để giải phóng năng lượng, thấy vô cùng sảng khoái. Nếu muốn xem bà con Mường biểu diễn thêm, đội văn nghệ luôn sẵn sàng phục vụ bạn.

Xóm Đá Bia về đêm tĩnh lặng như tờ, ánh trăng sáng vằng vặc lơ lửng trên những ngọn cây rung rinh, chỉ nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió núi khẽ luồn qua vách gỗ, hương hoa bưởi cuối mùa thoang thoảng đưa… Lần đó, trong giấc ngủ chập chờn, tôi thấy hình ảnh những cô gái Mường váy áo thướt tha nhảy sạp rộn ràng, thấy nụ cười hồn nhiên và giòn tan của lũ trẻ con được kẹo, thấy những vạt hoa rừng dập dìu bướm, ong…

Sớm ngày thứ hai, không khí trong lành với tiếng chim ríu rít chuyền cành đã thức chúng tôi dậy thưởng ngoạn bình minh núi rừng, ngắm lòng Đà giang qua làn mưa bụi lất phất bay, cảm giác như tiết Xuân còn đầy lưu luyến.

Sau bát cháo gà thơm phức và nhấp ngụm càphê phin nóng hổi, khoảng 8 giờ nếu là người thích khám phá, bạn nên khởi hành đi thăm một số làng bản trên địa bàn xã Tiền Phong. Đừng quên đi giày thể thao mềm mại để tiện cho chặng đường bộ 14 km nhé. Thời gian mất khoảng 4-5 tiếng nhưng phong cảnh đẹp sẽ khiến bạn càng đi càng thích thú.

Đẹp nhất là những vạt đồi đỏ rực hoa gạo – loài hoa của tháng Ba, hay những quả đồi phủ kín luồng xanh. Con đường mòn uốn lượn cạnh dòng Đà giang xanh ngắt, bao quanh những hòn đảo như Hạ Long thu nhỏ, qua những nương ngô, sắn, những nóc nhà sàn nhuộm xám màu thời gian lấp ló dưới tán những cây hồng, bưởi, mít hay nhãn… Trẻ con ríu rít vẫy tay chào, những cụ bà móm mém ló đầu qua ô cửa cười hiền lành.

Bài 1: Tận hưởng trải nghiệm "homestay người Mường" ở vùng Đà Bắc ảnh 4Một trong những đặc sản của Đà Bắc là hoa gạo. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Chặng đường bộ kết thúc ở xóm Mực, thuyền sẽ đón bạn lênh đênh ngắm toàn cảnh làng bản, sông núi ở một góc nhìn khác, lãng mạn và thi vị hơn. Chia tay bà con dân bản sau bữa trưa với đặc sản cá sông, để kết thúc hai ngày “relax” cuối tuần bạn nhớ lên thuyền du lịch lòng hồ, qua Thung Nai ngắm hoàng hôn và lồng lộng gió Đà giang trước khi trở về nhà.

Thực tế, Đà Bắc vẫn đang là cái tên khá lạ lẫm trên bản đồ du lịch Việt Nam, đặc biệt hình thức homestay lại càng mới mẻ. Và AFAP – Quỹ Australia vì Nhân dân châu Á và Thái Bình Dương, chính là “cây cầu” đã mang đến một diện mạo mới cho Đà Bắc, đưa mô hình du lịch cộng đồng đến cho bà con, hỗ trợ vốn và tập huấn kỹ năng cho người dân bắt tay làm du lịch với nhiều bỡ ngỡ.../.

Bài 2: Đà Bắc trước cơ hội "đổi đời" từ mô hình du lịch cộng đồng

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục