Bài 10: Nhóm lao động trái phép xây chui "lò vòng ma" tại Việt Nam

Một nhóm người nước ngoài, tự nhận đến từ Trung Quốc, đã cư trú và tham gia hướng dẫn thi công, thi công hạng mục lò vòng trái phép tại xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Bài 10: Nhóm lao động trái phép xây chui "lò vòng ma" tại Việt Nam ảnh 1Nhóm người nước ngoài (che mặt) đã xuất hiện và làm việc tại công trường của ông Đào Văn Thanh từ ngày 18/1/2016. (Ảnh cắt từ video quay ngày 18/1/Vietnam+)

Trong suốt thời gian có mặt tại các bãi, công trường… xây dựng lò vòng tại xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, ngoài câu chuyện ngã giá, bán mua trắng trợn giữa các ông chủ, chúng tôi còn phát hiện trong số các lao động trái phép từ địa phương khác, có một nhóm người nước ngoài trực tiếp đứng ra nhận thi công, hướng dẫn kỹ thuật để xây dựng các “lò gạch ma” với mức giá lên tới hàng trăm triệu.

Nhóm người tự cho rằng mình đến từ Trung Quốc này ít nhất đã xây hoàn thiện lò Dũng “bộ đội” và đến thời điểm tháng 3/2016, trước khi loạt bài “Xâm nhập thế giới "lò gạch ma”" được đăng tải trên VietnamPlus, cũng đang gấp rút hoàn thiện việc xây lò của ông chủ Đào Văn Thanh.

Câu hỏi được đặt ra là: Liệu nhóm người từ xưng đến từ Trung Quốc đã lưu trú và lao động tại Việt Nam một cách hợp pháp? Và các cơ quan chức năng có liên quan của xã Bắc Phú cũng như huyện Sóc Sơn có nắm được thực trạng này?

Người nước ngoài ở lò Việt Nam?

Trong vai hai nhà đầu tư dư tiền của muốn đầu tư xây dựng mới một hệ thống lò vòng công suất cao, chúng tôi đã tiếp cận hai ông chủ có “máu mặt” nhất đất Bắc Phú, Sóc Sơn là Đào Văn Thanh và Dũng “bộ đội.” Đây cũng là một trong những người “đi đầu” trong việc chuyển đổi, xây mới loại “lò gạch ma” không phép này tại huyện Sóc Sơn.

Trong các câu chuyện trước đó, ông chủ Thanh cho hay, toàn bộ việc xây dựng công trình có giá trị hàng chục tỷ đồng của mình sẽ do một nhóm người nước ngoài đảm nhận thực hiện với số tiền lên tới khoảng 500 triệu đồng. Nhóm người này sẽ chỉ đạo, hướng dẫn công nhân địa phương tiến hành các bước cụ thể.

Khi biết ý định của chúng tôi muốn xây lò dạng này, ông Thanh không ngần ngại hẹn chúng tôi đến vào ngày khởi công thì sẽ gặp các “chuyên gia” ngoại quốc này.

Khoảng giữa tháng Một, biết ông chủ Thanh đã bắt đầu động thổ, khởi công, chúng tôi lên đường về Bắc Phú. Vào thời điểm trên, nhiều máy móc, nhân công đã được huy động trên một khoảng đất rộng lớn đã được san gạt sẵn mặt bằng.

Dẫn chúng tôi ra “thực địa”, ông chủ thuộc xã Bắc Phú chỉ vào nhóm 3 người đang lúi cúi xây hàng gạch dưới hào và cho hay, đây là những người nước ngoài mà ông đã nhắc đến.

Bài 10: Nhóm lao động trái phép xây chui "lò vòng ma" tại Việt Nam ảnh 2Hệ thống lò vòng của Dũng "bộ đội" cũng được nhóm người do Khang phụ trách hướng dẫn thi công (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 18/1, chúng tôi lần đầu tiếp cận với nhóm công nhân quốc tịch ngoại tự xưng này. Đứng đầu là một người đàn ông gầy, cao. Vừa đứng đốc thúc các công nhân bản địa bằng chất giọng lơ lớ của mình, ông vừa trò chuyện với những “chủ đầu tư tiềm năng” trong tương lai.

Người đàn ông cho hay tên mình là Khang, vẫn được mọi người gọi là A Khang. Khang đến từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc và đã sang Việt Nam được nhiều năm cùng với vợ là A Dung để thi công các lò vòng cho người có nhu cầu. Ngoài ra, một thành viên khác cũng đi cùng Khang để phụ việc.

Theo A Khang, trước khi chuyển sang xây lò cho ông chủ Thanh, nhóm 3 người cũng đã hoàn thành lò vòng cho Dũng “bộ đội” cách đó không xa.

- “Anh đã xây nhiều lò ở Việt Nam chưa?” - chúng tôi hỏi

- “Trước kia đã xây nhiều ở Hưng Yên, Hà Tây [cũ-PV] rồi!” - Khang trả lời bằng chất giọng tiếng Việt lơ lớ.

A Dung, một người phụ nữ dáng người khá đậm hết nhảy xuống hào gạch, lại

nhảy lên xách vữa kể, hai vợ chồng đã sang Việt Nam nhiều năm nay để xây lò cho các ông chủ người Việt. Họ được bố trí ăn, nghỉ và làm việc ngay tại chính công trường cho đến khi công trình hoàn tất.

Theo tiết lộ từ Khang, việc của họ chỉ là làm việc, mọi chuyện khác như khai báo với công an sở tại hay các thủ tục có liên quan đều giao lại cho các chủ lò.

Trong suốt thời gian kéo dài từ 18/1 đến khoảng đầu tháng 3/2016, trừ khoảng thời gian nghỉ Tết để về nước, nhóm của Khang liên tục có mặt tại bãi công trường của ông Đào Văn Thanh tại xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn mà không hề gặp phải sự kiểm tra nào của các cơ quan có thẩm quyền sở tại.

Sở dĩ, các ông chủ lò như Đào Văn Thanh, Dũng “bộ đội” buộc phải thuê nhóm này phụ trách thi công vì theo như tiết lộ của ông Thanh, người Việt Nam xây thì lò không lên lửa và nhóm của Khang cũng là nhóm lành nghề, có thể tin cậy được.

Chiều 1/3/2016, chúng tôi tiếp tục quay lại bãi của ông Thanh. Sau hơn 1 tháng thi công, một hệ thống dẫn lửa ngầm đã được hoàn tất. Cột lò cao cả chục mét cũng đang tiếp tục vươn lên theo đúng kế hoạch. Ngay gần đó, các dàn thép khổng lồ để làm nhà che được thợ hàn khẩn trương dựng.

Lúc này, A Khang và A Dung cùng một người Trung Quốc khác cũng vừa quay lại Việt Nam sau thời gian về nghỉ Tết. Gặp lại chúng tôi, Khang lập tức giới thiệu một công nghệ lò mới qua video lưu trong điện thoại với giá lên tới 50 tỷ đồng. Tại buổi gặp, Khang cũng tiết lộ nhóm của mình sang Việt Nam bằng visa du lịch.

Chiều cùng ngày, A Khang thậm chí còn dẫn chúng tôi qua thăm công trình lò vòng của Dũng “bộ đội”, giới thiệu tường tận “đứa con” do mình và cộng sự làm ra với mức giá hàng trăm triệu đồng để “quảng bá năng lực” của mình. Khang cũng không quên dặn, sau khoảng 1 tháng nữa, khi công trình của ông Thanh hoàn thành, Khang sẽ bắt tay vào xây lò vòng cho chúng tôi tại thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn….

Dấu hiệu buông lỏng quản lý

Thực tế, việc một nhóm người nước ngoài đứng ra nhận xây và hướng dẫn thi công ít nhất 2 công trình lò vòng tại xã Bắc Phú là hoàn toàn trái ngược với khẳng định sau đó của ông Lê Minh Xuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã này.

Trong buổi làm việc chiều 11/3/2016 với phóng viên, khi được hỏi về lực lượng lao động tại các lò gạch tại xã, ông Xuân khẳng định chắc như định đóng cột: “Toàn người địa phương”.

Để có thêm câu trả lời chính xác, chúng tôi đã tìm cách liên lạc với Công an huyện Sóc Sơn. Đến chiều 18/3/2016, sau nhiều nỗ lực liên lạc, chúng tôi mới được giới thiệu đến gặp ông Nguyễn Sỹ Dũng, thiếu tá công an, Đội trưởng Đội an ninh huyện Sóc Sơn.

Ông Dũng cho hay: Qua thông tin kiểm tra, nắm tình hình cũng như căn cứ báo cáo từ cơ sở, Công an huyện Sóc Sơn đã xác định có hai người Trung Quốc là một cặp vợ chồng có mặt tại xã Bắc Phú.

“Thời điểm nhập cảnh vào địa bàn chính xác là ngày 12/3 vừa rồi,” ông Dũng khẳng định.

Theo Đội trưởng Đội an ninh Công an huyện Sóc Sơn, hai người này đã nhập cảnh theo visa du lịch có thời hạn từ tháng 2 đến tháng 5/2016 và đến địa bàn xã Bắc Phú vào ngày 12/3 theo lời nhờ của chủ lò Đào Văn Thanh để chỉ đạo kỹ thuật, hướng dẫn việc xây dựng lò vòng. Ông Dũng cũng cho hay: Việc họ lao động tại Việt Nam là không được phép.

Bài 10: Nhóm lao động trái phép xây chui "lò vòng ma" tại Việt Nam ảnh 3Bức ảnh chụp vào 16h22 ngày 1/3 cho thấy, người ngoại quốc (áo đỏ ngoài cùng bên phải) đã có mặt tại công trường của ông Đào Văn Thanh, trái ngược với thông tin do Công an huyện Sóc Sơn đưa ra sau đó (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Dũng cho biết thêm: Ngay trong ngày 12/3, sau khi nhận được tin báo từ địa bàn về việc 2 người này vừa đến, công an đã đến làm việc, lập biên bản yêu cầu chủ cơ sở chấm dứt ngay việc mướn người nước ngoài. Nhóm người này chưa có giấy phép lao động đối với người nước ngoài, hợp đồng lao động. Do đó, cơ quan công quyền đã yêu cầu chủ lò chấm dứt việc thuê mướn họ, đồng thời hướng dẫn nhóm người Trung Quốc này tới lưu trú tại cơ sở có đủ điều kiện lưu trú cho người nước ngoài.

Vị thiếu tá này còn cho biết, hiện toàn bộ hồ sơ sau khi được hoàn thiện đã bàn giao lại cho Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA72, Công an thành phố Hà Nội) để xử lý theo thẩm quyền.

Phóng viên tiếp tục thắc mắc: “Có thông tin là những người này nhập cảnh một thời gian rồi?”

Ngay lập tức, ông Dũng nói ngay: “Hai người Trung Quốc này đến địa bàn là đúng ngày 12/3,” đồng thời ông thông tin: “Khi làm việc, chủ cơ sở thừa nhận là thực tế người ta vừa đến địa bàn từ thứ Bảy, Chủ nhật vừa rồi và bản thân người ta không phải trực tiếp xây dựng mà người ta hướng dẫn về mặt kỹ thuật.”

“Đối với hai người này, sau khi đến cái thì anh em đã kiểm tra phát hiện và xử lý. Qua rà soát anh em thì vừa rồi anh em kiểm tra và phát hiện thì 2 người này đến… đấy là lần đầu,” Đội trưởng Đội an ninh Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh.

Ông tiếp tục khẳng định với phóng viên: “Thực tế mà bảo người ta có quá trình lao động là chưa có.”

Tuy nhiên, theo những hình ảnh mà VietnamPlus đã thu thập và đang lưu giữ, có thể khẳng định được nhóm người tự nhận đến từ Trung Quốc trên nhiều hơn con số 2 được Công an huyện Sóc Sơn thông tin. Bên cạnh đó, nhóm người này đã xuất hiện từ trước ngày 12/3, và liên tục lao động, hướng dẫn kỹ thuật tại hai công trường lò vòng. Họ chỉ có một khoảng thời gian về nước dịp Tết Nguyên Đán sau đó tiếp tục quay lại thi công tại lò của ông Đào Văn Thanh trước khi bị phát hiện và bị thực hiện các biện pháp nghiệp vụ.

Vậy liệu có hay không sự tắc trách, buông lỏng quản lý ở cả cấp xã đến cấp huyện trong việc giám sát, phát hiện sự xuất hiện của các đối tượng người nước ngoài ở ngay huyện cách trung tâm thành phố Hà Nội không xa?

Câu trả lời xin được gửi đến các cơ quan có trách nhiệm giải đáp.

VietnamPlus sẽ tiếp tục thông tin các diễn biến mới tới độc giả./.

Bài 11: Ngụy tạo hồ sơ, lập trạm điện công suất lớn cho “lò gạch ma”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục