Bài 16: Vụ "lò gạch ma” tại Sóc Sơn: Có động thái đánh trống bỏ dùi?

Mọi sự chỉ đạo về vụ "lò gạch ma" Sóc Sơn vẫn đang dừng lại trên “giấy”. Liệu có hay không động thái đánh trống bỏ dùi từ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội.
Liệu có hay không động thái đánh trống bỏ dùi từ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội trong vụ lò gạch ma Sóc Sơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Từ ngày 12/3, Báo điện tử VietnamPlus đã khởi đăng tuyến bài Thâm nhập "lò gạch ma” giữa lòng Hà Nội. Một loạt các bài viết liên tiếp đã làm rõ thực tế nhiều lò gạch không giấy phép, không quy hoạch với vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng ngang nhiên mọc lên bất chấp lệnh cấm của Chính Phủ. Để hợp thức hóa sự tồn tại của mình, các chủ lò đã dùng tiền và các mối quan hệ “chạy” qua nhiểu cửa như Thanh tra Xây dựng Hà Nội, EVN Sóc Sơn…

Cuối tháng 3/2016, Thanh tra Xây dựng (Sở Xây dựng, Hà Nội) đã chính thức vào cuộc, tạm thời cắt hợp đồng lao động đối với một cán bộ Thanh tra có “dính líu” đồng thời yêu cầu Đội Thanh tra Xây dựng huyện Sóc Sơn phải xử lý dứt điểm trong tháng 3/2016.

Thế nhưng, đến nay, mọi sự chỉ đạo trên vẫn đang dừng lại trên “giấy”. Liệu có hay không động thái "đánh trống bỏ dùi" từ các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội.

Sau lệnh cấm, lò gạch ma vẫn nhả khói

Như VietnamPlus đã phản ánh trong 6 bài viết trước đó, từ nhiều năm nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, Hà Nội đã tồn tại hàng chục "lò gạch ma" ngày đêm nhả khói vào môi trường. Hầu hết các lò này không có giấy phép xây dựng.

Đáng chú ý, để tăng năng suất, nhiều chủ lò đã tiến hành xây dựng thêm các lò vòng dã chiến cho phép đem lại lợi nhuận gấp cả chục lần so với loại lò úp vung cũ. Để hợp thức hóa cho sai phạm, các chủ lò đã tìm nhiều cách để liên hệ, chạy chọt với một số nhân vật tại Sở Xây dựng Hà Nội.

Sau khi thông tin được đăng tải, ngày 15/3, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Võ Nguyên Phong đã trực tiếp kiểm tra tình hình hoạt động sản xuất của các lò gạch tại Sóc Sơn. Trong buổi làm việc, ông Phong đã yêu cầu Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn chỉ đạo các xã, các đơn vị liên quan cắt điện, nước; đồng thời đình chỉ hoạt động của 4 lò gạch vi phạm trên các xã Bắc Phú và Đức Hòa. Ông Phong cũng yêu cầu các đơn vị phải yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ hoặc cưỡng chế ngay trong tháng 3/2016.

Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, chỉ đạo trên vẫn chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.

Ngày 21/4 vừa qua, Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo chính thức về vụ việc tới Thành ủy và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Theo văn bản này, vào thời điểm đoàn kiểm tra có mặt, 2 lò của các ông Đào Văn Thanh, Nguyễn Đức Hạnh (xã Bắc Phú) chưa xử lý triệt để công trình vi phạm. Tại hiện trường, không có công nhân tháo dỡ lò gạch vi phạm. Chủ lò chưa nghiêm túc thực hiện tháo dỡ theo cam kết.

Đối với 2 lò của ông Trần Văn Đạo (xã Bắc Phú) và ông Nguyễn Đức Tú (xã Đức Hòa), cũng không có công nhân tháo dỡ. Thậm chí, quá trình đốt gạch vẫn diễn ra bình thường. Đáng lưu ý hơn, bất chấp chỉ đạo, Công ty Điện lực Sóc Sơn vẫn không thực hiện cắt điện theo quy định.

Sau lệnh cấm, lò gạch của ông Trần Văn Đạo (xã Bắc Phú) vẫn nhả khói bình thường. (Ảnh: P​V/Vietnam+)

Tại buổi kiểm tra, đại diện Ủy ban nhân dân các xã cung cấp một số văn bản về việc cưỡng chế phá dỡ các công trình lò gạch không phép, kèm theo phương án phá dỡ cũng như các văn bản từ phòng Quản lý đô thị huyện Sóc Sơn tham gia ý kiến về các phương án này.

Tuy nhiên, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho hay: Các kế hoạch và phương án phá dỡ, cũng như các văn bản có liên quan của huyện Sóc Sơn đều không nêu thời gian cụ thể thực hiện việc phá dỡ.

Xác tín với phóng viên thông tin trên, ngày 26/4, ông Lê Minh Xuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bắc Phú cho biết, tới thời điểm hiện nay, lò của ông Đạo vẫn ngang nhiên hoạt động, sản xuất gạch, bất chấp ý kiến của các cơ quan chức năng.

Qua điện thoại, ông Xuân nói: "Tình hình lò gạch tại xã này vẫn lổm nhổm lắm. Hạn là hết tháng Tư nhưng có nhiều vấn đề. Lò của ông Trần Văn Đạo thì vẫn hoạt động.”

Thậm chí, theo ông Xuân, một nhóm các chủ lò thậm chí đã có đơn ra Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xin gia hạn xem xét có lộ trình hợp lý để đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp cũng như người lao động.

Như vậy, rõ ràng, những chỉ đạo quyết liệt lúc đầu của Sở Xây dựng Hà Nội vẫn đang chưa được thực hiện nghiêm túc, khiến cho dư luận không thể không dấy lên câu hỏi: Liệu có hay không động thái đánh trống, bỏ dùi của các cơ quan chức năng.


Chưa đuổi việc, kỷ luật cán bộ

Ngoài nội dung phản ánh về thực trạng các lò gạch ma đang ngang nhiên tồn tại, loạt bài được đăng tải trên báo điện tử VietnamPlus còn phơi bày thủ đoạn “chạy chọt” của các chủ lò với một loạt các cán bộ của Sở Xây dựng Hà Nội cũng như Công ty điện lực Sóc Sơn.

Cụ thể, theo văn bản số 1833/SXD-TTr về việc báo chí phản ánh liên quan đến lò gạch thủ công trên địa bàn huyện Sóc Sơn ngày 16/3, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục đã giao Thanh tra Sở Xây dựng chấm dứt hợp đồng lao động với hình thức buộc thôi việc đối với ông Đinh Hoàng Minh. Ông Đinh Hoàng Minh công tác tại Đội Thanh tra chuyên ngành số 2, có trong danh sách đoàn kiểm tra liên ngành gồm cán bộ Phòng kế hoạch tổng hợp, cán bộ phòng PC49 Công an Hà Nội, Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, Đội Thanh tra xây dựng huyện Sóc Sơn và Ủy ban nhân dân các xã có lò gạch được kiểm tra.

Tuy nhiên, sau thời hạn 15 ngày bị tạm đình chỉ (tính từ ngày 15/3-PV), hiện ông Đinh Hoàng Minh vẫn tiếp tục... đi làm​ bình thường.

Đại diện Thanh tra Xây dựng thuộc Sở Xây dựng Hà Nội bước đầu lý giải: Nguyên nhân khiến cơ quan này hiện chưa thể buộc thôi việc với ông Minh là do phải tiến hành theo các thủ tục quy định. Vị đại diện cũng hứa sẽ sớm làm dứt điểm trong thời gian sớm nhất.

Ngoài ông Đinh Hoàng Minh của Sở Xây dựng Hà Nội, hai cá nhân khác cũng bị tạm đình chỉ do có liên quan đến vụ việc là các ông Đặng Quang Hải, Phó Phòng kế hoạch vật tư và ông Nguyễn Cao Thắng, Đội trưởng Đội quản lý điện 05 thuộc Công ty điện lực Sóc Sơn.

Đây là hai nhân vật đã trực tiếp tiếp xúc với phóng viên, nhận lời “chạy” các thủ tục, ngụy tạo hồ sơ để lập trạm biến áp phục vụ cho lò gạch ma. Bản thân hai người này cũng đã thi công hoàn tất nhiều công trình với mục đích tương tự.

Thời hạn đình chỉ với ông Hải và ông Thắng là 15 ngày kể từ ngày 23/3/2016.

Chiều 26/4, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Thịnh, Giám đốc Điện lực Sóc Sơn cho hay, sau thời hạn đình chỉ, cả hai nhân vật trên đều đã đi làm lại bình thường.

Sau thời hạn đình chỉ, cả hai nhân vật Hải và Thắng đều đã đi làm lại bình thường (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Sở Công thương kết luận anh Thắng chưa có dấu hiệu gì vi phạm, anh Hải thì có phát ngôn quá thẩm quyền. Hiện chúng tôi đang đề xuất kỷ luật,” ông Thịnh cho biết.

Cần phải nhắc lại, trong các lần tiếp xúc, các ông Hải và Thắng đều khẳng định mình có thể lo được toàn bộ các thủ tục để xin phép Sở Công thương phê duyệt cấp phép cho việc xây dựng trạm biến áp cho các chủ lò.

Thủ thuật mà hai cán bộ tên Thắng và Hải này gợi ý là sử dụng giấy phép kinh doanh khác để che giấu mục đích sản xuất vật liệu xây dựng. Thậm chí, Đặng Quang Hải còn khẳng định: Việc ông tiến hành khảo sát, báo giá là được sự phân công của ông Giám đốc Công ty Điện lực Sóc Sơn.

Trong ngày 3/3, sau khi tiến hành khảo sát “thực địa”, cả hai nhân vật trên đều gửi bản báo giá để xây trạm biến áp cho phóng viên. Mức giá họ đưa ra lên tới hàng trăm triệu đồng.

Bản thân ông Thịnh, trong cuộc trao đổi qua điện thoại trước đó với phóng viên khi đang trong vai nhà đầu tư cũng đã nhận việc lập trạm biến áp cho lò gạch và trực tiếp giao khâu khảo sát, báo giá cho cấp dưới là Hải.

Như vậy, liệu kết luận ông Thắng chưa có dấu hiệu vi phạm và ông Hải chỉ “phát ngôn quá thẩm quyền” có quá khôi hài?

Cần sự chỉ đạo quyết liệt hơn từ Hà Nội

Tính từ thời điểm bài đầu tiên trong loạt Lò gạch ma ở Sóc Sơn được đăng tải tới nay đã hơn 1 tháng. Sau thời gian đầu tiếp nhận thông tin và ra quân rầm rộ, hiện nay, câu chuyện về "thủ phủ lò gạch ma" đang có dấu hiệu chìm xuống. Các lò vi phạm vẫn ngang nhiên hoạt động, công tác cưỡng chế phá dỡ được tiến hành theo kiểu đối phó khi không có thời gian và kế hoạch cụ thể.

Thậm chí, sau tất cả, một loạt cá nhân được VietnamPlus “điểm mặt, chỉ tên” vẫn đang ở nguyên vị trí của mình. Chưa một ai phải chịu hình phạt. Cũng chưa một cơ quan nào đứng ra công khai nhận trách nhiệm thuộc về mình.

Thậm chí, EVN Sóc Sơn vẫn tiếp tục cấp điện cho lò gạch ma hoạt động, bất chấp những sự thật mà báo đã nêu ra.

Theo văn bản chỉ đạo của Sở Xây dựng Hà Nội, hạn cuối cùng để địa phương hoàn tất việc phá dỡ, cưỡng chế đối với các lò gạch vi phạm là cuối tháng Tư. Tuy nhiên, đến tận thời điểm hiện tại, vẫn tồn tại các lò bất chấp lệnh cấm, ngang nhiên sản xuất. Người đứng đầu xã thì chỉ biết “cười trừ” với lý do: “lổm nhổm lắm.”

Dấu hiệu chìm xuồng, đánh trống bỏ dùi đang hiển hiện. Thực trạng trước và sau khi báo chí lên tiếng vẫn không có nhiều thay đổi. Hơn lúc nào hết, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần có những chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để sự việc không rơi vào cảnh “đầu voi đuôi chuột.”

VietnamPlus sẽ tiếp tục cập nhật những diễn biến mới nhất về vụ việc tới độc giả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục