Bài 2: Báo cáo Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế xã hội

Trong những tháng còn lại của năm 2015, Chính phủ điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát; tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, phấn đấu cả năm đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 15-17%.
Bài 2: Báo cáo Chính phủ về tình hình phát triển kinh tế xã hội ảnh 1Bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN)

III. Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo điều hành trong những tháng còn lại của năm 2015

Căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 và từ thực tiễn tình hình những tháng đầu năm, Chính phủ tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:

1. Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng

Chủ động điều hành linh hoạt, hiệu quả và phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra. Điều hành mặt bằng lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát; tăng cường kiểm soát, nâng cao chất lượng, phấn đấu cả năm đạt tăng trưởng tín dụng khoảng 15-17%. Ổn định tỷ giá, thị trường ngoại hối. Thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản.

Tăng cường chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; tập trung chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên. Từng bước xử lý hiệu quả các khoản mà ngân sách còn nợ. Bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước trong điều kiện giá dầu thế giới biến động. Phấn đấu giữ bội chi ngân sách nhà nước trong phạm vi Quốc hội quyết định. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ nợ công, bảo đảm trong giới hạn cho phép.

Tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; tập trung vốn cho các công trình hạ tầng quan trọng, cấp bách, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng và hiệu quả công trình.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu. Khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do, cam kết quốc tế. Tăng cường xúc tiến thương mại, nâng cao khả năng giải quyết tranh chấp, hỗ trợ thông tin, khai thác hiệu quả thị trường xuất khẩu của các mặt hàng Việt Nam có lợi thế. Bảo đảm chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam. Kiểm soát hiệu quả nhập khẩu phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế. Đa dạng hóa và không để phụ thuộc vào một thị trường. Phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam."

Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu (điện, nước, y tế, giáo dục…), bảo đảm tính đúng, tính đủ và công khai minh bạch các yếu tố hình thành giá gắn với hỗ trợ phù hợp cho hộ nghèo, đối tượng chính sách. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý nghiêm các vi phạm.

Tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm đạt được các mục tiêu theo Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm 2015 và những năm tiếp theo. Tiếp tục xử lý hiệu quả nợ xấu, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng; rà soát, loại bỏ các rào cản, vướng mắc cho đầu tư kinh doanh; hoàn thiện các chính sách thuế, phí, lệ phí; đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về thành lập, giải thể, phá sản doanh nghiệp, tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội, hải quan, đất đai, đầu tư, xây dựng, tiếp cận điện... Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ phát triển theo đặc thù từng ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ.

2. Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực. Hoàn thiện khung khổ pháp lý; có cơ chế, chính sách thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ, phương thức tổ chức quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị gia tăng, năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành và triển khai thực hiện hiệu quả Luật Đầu tư công; xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm năm 2016-2020 theo hướng bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và bảo đảm chất lượng các công trình trọng điểm quốc gia. Khuyến khích và tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội với các hình thức đầu tư phù hợp; đồng thời hoàn thiện cơ chế, chính sách về bán, cho thuê, chuyển nhượng công trình hạ tầng, trước hết là trong lĩnh vực giao thông.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đẩy nhanh xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát, bảo đảm an toàn hệ thống, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng. Khẩn trương cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Phấn đấu đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn dưới 3% vào cuối năm 2015.

Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; tập trung chỉ đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, phấn đấu hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa 289 doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát, bổ sung doanh nghiệp cần cổ phần hóa, bán phần vốn nhà nước, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Tổ chức triển khai hiệu quả Luật quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ pháp luật, kiện toàn công tác cán bộ, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Xây dựng và khẩn trương triển khai thực hiện hiệu quả phương án cơ cấu lại các công ty nông, lâm nghiệp.

Tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam làm động lực để nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Hỗ trợ phát triển mạnh doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình; khuyến khích hình thành doanh nghiệp lớn, thương hiệu mạnh, có khả năng cạnh tranh trong nước và khu vực.

Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tăng cường hợp tác liên kết giữa doanh nghiệp và người nông dân. Hỗ trợ hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và áp dụng rộng rãi các loại giống mới. Có cơ chế, chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả cả trước mắt và lâu dài để tiêu thụ nông sản; thu hút mạnh doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông lâm, thủy sản và các ngành nghề sử dụng nhiều lao động; thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại.

Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ, tỷ trọng giá trị nội địa và giá trị gia tăng; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các tập đoàn đa quốc gia. Ưu tiên phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả các khu kinh tế và các khu, cụm công nghiệp, thương mại biên giới. Đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ và dịch vụ logistics. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch; tạo mọi thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh, đi lại và bảo đảm an toàn an ninh; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam.

Phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Tập trung đầu tư xây dựng các cơ sở hậu cần nghề cá, tránh trú bão, hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản xa bờ và hoạt động dài ngày trên biển. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân định cư lâu dài trên các đảo và hoạt động kinh tế trên biển. Tăng cường công tác cứu hộ, cứu nạn, thông tin liên lạc, nghiên cứu khoa học và bảo đảm an ninh, an toàn trên biển, đảo.

Xây dựng, trình Quốc hội dự án Luật Quy hoạch. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; rà soát, hoàn thiện các quy hoạch, bảo đảm hiệu quả tổng hợp và tính hệ thống, nhất là mạng lưới giao thông, điện, nước, thủy lợi, thông tin truyền thông, giáo dục, y tế. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng, giữa các vùng, tạo không gian phát triển thống nhất. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi phát triển các khu vực khó khăn, nhất là miền núi, biên giới, hải đảo, Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ và phía Tây các tỉnh miền Trung.

3. Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân

Khẩn trương hoàn thành tổng rà soát, thực hiện tốt chính sách đối với người có công với nước. Củng cố và phát triển cơ sở trợ giúp xã hội. Ban hành chuẩn nghèo mới và xây dựng chương trình giảm nghèo 2016-2020. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ về sản xuất, đời sống, trong đó có chính sách đặc thù giảm nghèo gắn với bảo vệ, phát triển rừng đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục thực hiện các chính sách nhà ở cho người nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở tránh lũ, nhất là miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long. Hỗ trợ hiệu quả để khôi phục sản xuất và bảo đảm đời sống đối với đồng bào vùng bị thiên tai.

Đẩy nhanh việc ban hành các quy định chi tiết thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Bảo hiểm xã hội. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, chú trọng dạy nghề gắn với tạo việc làm cho lao động nông thôn. Tăng cường quản lý nhà nước, thực hiện nghiêm các quy định về an toàn lao động; chấn chỉnh tình trạng mất an toàn tại các công trình, dự án. Chủ động giải quyết kịp thời các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi người lao động.

Tích cực triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khoa học công nghệ; đồng thời có chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo và đối tượng chính sách. Đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công và thực hiện cơ chế hoạt động như doanh nghiệp công ích.

Tiếp tục củng cố và nâng cao hiệu quả công tác y tế dự phòng, không để dịch bệnh lớn xảy ra. Tập trung giảm quá tải bệnh viện gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách và lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Tăng cường quản lý giá thuốc chữa bệnh, giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi; mở rộng chương trình sữa học đường. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Triển khai Đề án Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng. Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý hoạt động khoa học công nghệ. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các quỹ; khuyến khích phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh phóng xạ. Thành lập và đưa Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc vào hoạt động.

Thực hiện hiệu quả Chương trình hành động về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Xây dựng các quy hoạch tổng thể về lễ hội, phát triển văn hóa, gia đình và thể dục thể thao. Tích cực đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Làm tốt công tác đối với người cao tuổi, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới. Triển khai Đề án chính sách tổng thể tín ngưỡng, tôn giáo.

4. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu

Tích cực triển khai Luật Bảo vệ môi trường. Xây dựng Chương trình hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất các cấp. Đẩy nhanh việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của các công ty nông lâm nghiệp. Thực hiện nghiêm các quy định điều tra, thăm dò, khai thác, chế biến, xuất khẩu khoáng sản; giám sát chặt chẽ việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản. Đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá, giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Triển khai hiệu quả các chiến lược, chương trình quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu vực nông thôn, các khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học. Tăng cường điều tiết các nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tăng khả năng tích nước cho mùa khô. Tiếp tục hoàn thiện Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa cạn trên các lưu vực sông. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo và năng lực phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.

Ưu tiên bố trí vốn, tăng cường bảo vệ và phát triển rừng. Thực hiện nghiêm quy định trồng rừng thay thế khi chuyển đổi mục đích. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

5. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng chống tham nhũng, lãng phí, buôn lậu, gian lận thương mại; giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tập trung thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp 2013, xây dựng khung pháp lý, cơ chế chính sách và thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển, vận hành thông suốt, hiệu quả các loại thị trường, bảo đảm cạnh tranh bình đẳng, minh bạch. Nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật; giảm thiểu tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước và Kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính trọng tâm năm 2015. Mở rộng thí điểm tổ chức các trung tâm dịch vụ hành chính công; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, vi phạm pháp luật trong hoạt động công vụ. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Tổng kết đánh giá nhiệm kỳ 2011-2016, xây dựng Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 bảo đảm tinh gọn, hiệu quả. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước; triển khai thuê dịch vụ công nghệ thông tin; xây dựng cổng thông tin và mạng hành chính điện tử bốn cấp.

Đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí. Nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Tăng cường tương trợ tư pháp, nhất là tư pháp hình sự để xử lý hành vi tham nhũng có yếu tố nước ngoài và thu hồi tài sản tham nhũng. Tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại. Tăng cường phối hợp, phát huy vai trò và đề cao trách nhiệm của các Ban Chỉ đạo quốc gia, địa phương và các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử lý nghiêm vi phạm.

Đề cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người đứng đầu trong thực hiện Luật Tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tiếp tục rà soát và xử lý dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng phức tạp. Thực hiện hiệu quả, thường xuyên chương trình phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Hội luật gia và Liên đoàn luật sư về giám sát, nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

6. Tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu, ứng phó kịp thời, hiệu quả trong mọi tình huống. Củng cố nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và khu vực để giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ quốc phòng an ninh, đối ngoại với phát triển kinh tế-xã hội.

Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, các âm mưu, hành động chống phá; bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng và hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình quốc gia về phòng, chống tội phạm, ma túy, mua bán người. Triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Thực hiện tốt Chương trình hành động của Chính phủ về hội nhập quốc tế, trọng tâm là hội nhập kinh tế. Đưa các quan hệ song phương đi vào chiều sâu, thiết thực, cùng có lợi, đan xen lợi ích. Chủ động tham gia có trách nhiệm, hiệu quả các hoạt động đối ngoại đa phương tại Liên hợp quốc, các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế. Đóng góp tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015. Đẩy nhanh đàm phán, ký kết và chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do. Nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp kinh tế, thương mại quốc tế. Tăng cường công tác thông tin đối ngoại. Làm tốt công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân và dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài. Tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước.

7. Tăng cường thông tin truyền thông

Thực hiện hiệu quả Chương trình quốc gia về thông tin truyền thông, Chương trình hành động của Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm cơ chế người phát ngôn và chỉ đạo các cơ quan báo chí làm tốt nhiệm vụ thông tin truyền thông về các sự kiện trọng đại, các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước, về tình hình kinh tế-xã hội, chính sách, pháp luật, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và về các vấn đề dư luận quan tâm. Tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin với người dân, doanh nghiệp. Chủ động đấu tranh phản bác kịp thời những thông tin sai sự thật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xử lý nghiêm vi phạm.

Thưa Quốc hội,

Năm 2015, đất nước ta có nhiều ngày Lễ lớn và sự kiện trọng đại, là năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa 11. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết nhất trí, chung sức, đồng lòng, ra sức thi đua, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2015, góp phần đạt kết quả cao nhất Kế hoạch năm năm 2011-2015; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.

Chính phủ xin trân trọng đề nghị Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân và đồng chí, đồng bào cả nước tăng cường giám sát, phối hợp hành động, nỗ lực phấn đấu tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra.

Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục