Bài 2: Bệnh viện vệ tinh tại ĐBSCL thiếu hụt nhân lực trầm trọng

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho sự thành công và mang lại hiệu quả cho Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020, thế nhưng, nguồn nhân lực ở các tỉnh ĐBSCL rất thấp.
Bài 2: Bệnh viện vệ tinh tại ĐBSCL thiếu hụt nhân lực trầm trọng ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu thăm khám và điều trị cho bệnh nhân tại Khoa Tim mạch . (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Mặc dù đã đạt những hiệu quả nhất định nhưng theo đánh giá của Bộ Y tế việc thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 bệnh viện vệ tinh của các tỉnh phía Nam vẫn “chậm” so với các tỉnh phía Bắc.

Sở dĩ như vậy vì trong quá trình triển khai đề án, các tỉnh phía Nam, đặc biệt các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long gặp phải nhiều khó khăn từ những hạn chế đặc thù của ngành y tế vùng như nhân lực, cơ sở vật chất…

“Nút thắt” về nhân lực

Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho sự thành công và mang lại hiệu quả cho đề án. Thế nhưng, nguồn nhân lực ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long rất thấp.

Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, tỷ lệ bác sỹ tính theo đầu người ở các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mới chỉ đạt 5,1 bác sỹ/vạn dân, trong khi trung bình cả nước là 7,5 bác sỹ/vạn dân.

Tương tự như vậy, tỷ lệ dược sỹ ở Đồng bằng sông Cửu Long mới đạt 0,46 dược sỹ/vạn dân trong khi cả nước là 7,5 dược sỹ/vạn dân.

Bác sỹ Tăng Chí Thượng ​- Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết​ các bệnh viện vệ tinh đang trong giai đoạn bổ sung nhân sự nên việc cử người đi học gặp nhiều khó khăn. Đây là tình trạng rất phổ biến ở các bệnh viện vệ tinh ở các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.

Nhiều bệnh viện hạt nhân của thành phố đã chuẩn bị đầy đủ về chương trình và kinh phí đào tạo để mở các khóa đào tạo cho bệnh viện vệ tinh nhưng do bệnh viện vệ tinh không cử được cán bộ y tế đi học nên kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tạm ngừng lại.

Chính sự thiếu hụt về nguồn nhân lực như vậy đã khiến cho việc triển khai đề án ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long còn chậm.

Nhận thức được khó khăn trên và để triển khai có hiệu quả, nhiều bệnh viện chuẩn bị tham gia vào đề án bệnh viện vệ tinh (giai đoạn 2016-2020) đã chú trọng đến việc tuyển dụng thêm cán bộ y tế.

Theo bác sỹ Trần Văn Ân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Nguyễn Đình Chiểu tỉnh Bến Tre chia sẻ​ để triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, bệnh viện cần khoảng 10 bác sỹ về Khoa Tim mạch-Lão học.

Hiện bệnh viện đã xây dựng các kế hoạch nhằm thu hút cán bộ tim mạch có tay nghề về làm việc. Theo đó, các bác sỹ mới sẽ đảm nhận công việc chuyên môn tại bệnh viện, bác sỹ làm việc lâu năm sẽ được cử đi học.

Trước mắt, đối với nguồn lực bác sỹ hiện có (Khoa Tim mạch - Lão học hiện có 11 bác sỹ) để đảm bảo công tác chuyên môn trong thời gian đầu thực hiện đề án, bệnh viện sẽ chia làm nhiều giai đoạn nhỏ, mỗi giai đoạn chỉ cử 2 bác sỹ đi học.

Cần đầu tư sở vật chất xứng tầm

Không chỉ thiếu hụt về nhân sự, việc đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các bệnh viện vệ tinh hiện tại còn chậm.

Khảo sát tại các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ… cho thấy phần lớn cơ sở vật chất của các bệnh viện chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, trang thiết bị y tế nghèo nàn, xuống cấp…

Do cở sở vật chất chưa được đầu tư nên nhiều gói kỹ thuật dù đã được bệnh viện hạt nhân chuyển giao nhưng lại không thực hiện được ở bệnh viện vệ tinh.

Tại Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Tiền Giang, do đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế chậm, bệnh viện chưa mua được máy tạo nhịp tạm thời. Vì vậy, dù đã có bác sỹ đi học thực hiện kỹ thuật này nhưng bệnh nhân vẫn phải chuyển lên tuyến trên để điều trị.

Cũng như vậy, Bệnh viện Nhi Cần Thơ rơi vào tình trạng cơ sở vật chất xuống cấp, không có phòng tiểu phẫu để thực hiện gói kỹ thuật phẫu thuật lỗ tiểu thấp.

Các bác sỹ ở đây cho biết​ ​sau phẫu thuật việc chăm sóc rất quan trọng vì phải có phòng để nối vô trùng và ghép da. Thế nhưng điều kiện vật chất hiện nay của bệnh viện chưa cho phép bác sỹ thực hiện kỹ thuật này.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ​ chính quyền các tỉnh, thành phố cũng phải chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các bệnh viện vệ tinh để từ đó có thể lĩnh hội được các kỹ thuật cao khi đã được chuyển giao.

Bên cạnh đó, để có thêm kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, tăng thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế, các bệnh viện vệ tinh cũng cần có kế hoạch thu hút nguồn vốn xã hội hóa hoặc nguồn vốn phối hợp với các doanh nghiệp.

Chính điều này sẽ tạo một sức bền lâu dài cho phát triển y khoa, tăng các khoa chuyên sâu vì bệnh viện có thể chủ động mua sắm trang thiết bị y tế hay xây dựng cơ sở vật chất cũng như tăng được thu nhập cho đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng tránh được tình trạng các bác sỹ giỏi chuyên khoa “chạy” lên các bệnh viện trung tâm.

Đây là một bài toán lâu dài mà Thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng ở các bệnh viện tuyến quận, huyện.

Một trở ngại khiến đề án bệnh viện vệ tinh chưa thực sự mang tính nhân văn đó là nhiều kỹ thuật cao được thực hiện ở các bệnh viện vệ tinh chưa được Bảo hiểm xã hội thanh toán. Bởi theo quy định của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nhiều gói kỹ thuật cao chưa được phê duyệt thanh toán ở các bệnh việc hạng II.

Bác sỹ Võ Văn Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Tiền Giang cho biết cùng là kỹ thuật thay khớp háng, nếu bác sỹ ở Bệnh viện Chợ Rẫy xuống thực hiện thì Bảo hiểm Xã hội thanh toán nhưng nếu do bác sỹ của bệnh viện Tiền Giang làm thì bệnh nhân phải tự trả mọi chi phí.

Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người bệnh. Để tháo gỡ vấn đề này rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ y tế tốt nhất, đặc biệt là người bệnh ở những vùng còn khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục