Bài 2: Hy vọng mới trên hành trình xây dựng lại hình ảnh quốc gia

Không thường xuyên nhưng những thông tin trong bộ phim tài liệu của Venezuela, hay chương trình giới thiệu về Sơn Đoòng của Mỹ đã đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới một cách gần gũi, hiền hòa...
Bài 2: Hy vọng mới trên hành trình xây dựng lại hình ảnh quốc gia ảnh 1Sơn Đoòng hấp dẫn ở tính mạo hiểm và đòi hỏi cao về sức khoẻ, tâm lý, ham muốn khám phá và yêu thiên nhiên. (Ảnh: Ryan Deboodt)

Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược về thông tin đối ngoại bao năm nay, nhưng dường như chính sách vẫn chưa “chạm” đến được thực tế, để rồi những hình ảnh khắc nghiệt và ấn tượng về những năm tháng chiến tranh Việt Nam vẫn dai dẳng trên các phương tiện truyền thông quốc tế.

Trong câu chuyện này, ông Hà Minh Huệ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ rằng: “Bản chất của báo chí phương Tây, những thông tin xấu chính là thông tin… tốt, những gì tiêu cực thường được họ quan tâm, không riêng gì với Việt Nam mà với các nước khác cũng vậy."

"Từng có dịp sang Mỹ làm việc với lãnh đạo tòa soạn báo Washington Post, trong một cuộc trò chuyện vui, họ nói với tôi rằng... may mà báo Mỹ ít nhắc đến Việt Nam chứ nếu không sẽ chỉ nói những cái xấu thôi, quan điểm làm báo phương Tây là vậy. Trên báo chí Việt Nam gần đây cũng có xu hướng không lành mạnh khi tập trung quá nhiều vào đưa những thông tin tiêu cực, tham nhũng. Chính vì vậy làm méo mó về hình ảnh đất nước,” ông Hà Minh Huệ chia sẻ.

Và quả thực, tuy không được truyền thông “ngoại” ưu ái nhưng mới đây, ngày 4/5, kênh truyền hình Telesur của Venezuela đã trình chiếu bộ phim tư liệu ''Hành trình đến một quốc gia 'không còn tồn tại''' của đạo diễn nổi tiếng người Cuba Isabel Santos nhân kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước Việt Nam (30/4/1975-30/4/2015).

Bài 2: Hy vọng mới trên hành trình xây dựng lại hình ảnh quốc gia ảnh 2Lối dẫn lên Vườn Edam trong hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Ryan Deboodt)

Những thước phim thể hiện sự đổi thay ''tưởng chừng như không thể tin nổi'' tại Việt Nam sau hơn 40 năm, khi đạo diễn Isabel Santos theo chân nhà quay phim Ivan Napoles quay trở lại mảnh đất, mà trong ký ức của ông, đã trải qua bao đau đớn và mất mát do chiến tranh. Qua bộ phim, người xem cũng ngỡ ngàng về hình ảnh một đất nước Việt Nam đổi mới, kinh tế phát triển mạnh mẽ, cuộc sống người dân ấm no, hạnh phúc.

Và đặc biệt, ngay trước thời điểm hoàn thiện bài viết này, giữa lúc đang bị cảm giác... u ám bủa vây tâm trí (bởi những phản hồi của bà con Việt kiều ở các nước hầu hết cho thấy một hình ảnh quê hương không mấy tốt đẹp trên báo chí nước ngoài), thì người viết bài chợt bừng tỉnh…

Vào 18 giờ chiều ngày 13/5 (giờ Việt Nam), tức 6 giờ sáng ngày 13/5 (giờ Mỹ), chương trình Good Morning America của đài ABC News đã truyền hình trực tiếp cảnh tượng hùng vĩ và vẻ đẹp choáng ngợp từ trong hang Sơn Đoòng. Đây là một trong những chương trình thời sự buổi sáng ăn khách nhất của Mỹ với khoảng 6 triệu thuê bao.

Đài ABC cũng chiếu lại trên trang web http://abc.go.com/shows/good-morning-america (tuy nhiên, vì lý do bản quyền, trang web không chiếu cho những địa chỉ IP nằm ngoài nước Mỹ và các vùng lãnh thổ). Kênh ABC đã đầu tư khoản kinh phí rất lớn cho chương trình này (cùng một công ty du lịch Việt Nam tài trợ chi phí trực thăng, ăn ở đi lại cho đoàn gồm 12 người của đoàn làm phim cùng khoảng 100 cộng sự người bản địa).

[Bài 1: Nỗi ám ảnh “Chiến tranh Việt Nam” trên truyền thông quốc tế]

Vậy là hình ảnh quốc gia đã có được cơ hội quảng bá tuyệt vời. Song điều đáng nói ở đây, doanh nghiệp đứng đằng sau cơ hội này đã cho thấy một “hành động” hiệu quả tức thì (hơn hẳn cách mà các cấp quản lý vẫn làm lâu nay). Vấn đề còn lại là các cấp quản lý có chịu thay đổi, để các nhà chuyên môn, hay nói đúng hơn là các doanh nghiệp được xắn tay vào làm phần việc mà họ không thể làm hay không?!

Cuối cùng, truyền thông Mỹ cũng đã để mắt một cách đặc biệt tới đất nước nhỏ bé cách họ nửa vòng trái đất. Cuối cùng, sau nhiều năm chờ đợi, hình ảnh Việt Nam đã có cơ hội thực sự tỏa sáng trên sóng truyền hình trực tiếp của Mỹ. Người Mỹ đã ghi nhận và chịu tôn vinh vẻ đẹp của mảnh đất Việt Nam bất khuất, kiên cường.

Dẫu không thường xuyên nhưng những thông tin trong bộ phim tài liệu của Venezuela và chương trình giới thiệu về Sơn Đoòng của Mỹ đã góp phần đưa hình ảnh Việt Nam ra với thế giới một cách gần gũi, hiền hòa, qua lăng kính của “người ngoài cuộc,” âu cũng là một tín hiệu đáng mừng./.

Bài 2: Hy vọng mới trên hành trình xây dựng lại hình ảnh quốc gia ảnh 3Cảnh tượng kỳ ảo trong lòng hang Sơn Đoòng. (Ảnh: Ryan Deboodt)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục