Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu dịp giáp Tết

Bài 2: Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu dịp giáp Tết

Sắp đến Tết Nguyên đán 2016, các đối tượng tội phạm với trăm ngàn thủ đoạn tinh vi, biến hóa khôn lường sẽ tập trung vận chuyển về Thủ đô các mặt hàng gọn nhẹ, có lãi cao.
Bài 2: Thủ đoạn tinh vi của các đối tượng buôn lậu dịp giáp Tết ảnh 1Lực lượng chức năng kiểm tra hàng lậu bị bắt giữ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chỉ hơn một tháng nữa đến Tết Nguyên đán 2016, đây là thời điểm phức tạp nhất trong năm của công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Các đối tượng tội phạm với trăm ngàn thủ đoạn tinh vi, biến hóa khôn lường sẽ tập trung vận chuyển về Thủ đô các mặt hàng gọn nhẹ, có lãi cao.

Song lực lượng chức năng cũng đã triển khai hàng loạt những phương án, biện pháp cứng rắn nhằm đón lõng, trấn áp, xử lý hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại trên các tuyến.


Phá gần 1.000 vụ buôn lậu

Một lô hàng hiệu có giá trị lớn vừa được Chi cục Hải quan Gia Thụy phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ trong hai ngày 24-25/12, đồng thời 12 kiện hàng khác đang để trong kho cũng đã được Chi cục Hải quan Gia Thụy kiểm tra.

Số hàng trên nếu không bị các lực lượng chức năng kịp thời bắt giữ sẽ gây thất thu cho ngân sách nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước.

Nhận định về việc "giăng lưới" truy quét hàng lậu, hàng cấm qua các tuyến, các cửa khẩu, điểm thông quan ra, vào Thủ đô, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Trần Quốc Định cho biết thành phố là địa bàn tập trung nhiều doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Khi thủ tục hải quan ngày càng thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp thì kéo theo sự tiêu cực là những nguy cơ buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng gia tăng với phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Để ngăn chặn, đẩy lùi hoạt động buôn lậu vào Thủ đô, song song phối hợp với các lực lượng thực thi trong Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, Cục Hải quan Hà Nội đang đẩy mạnh phối hợp với Công an thành phố trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật.

Thực tế cho thấy sự phối hợp, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia trong thời gian qua đã giúp phát hiện, khám phá được nhiều đường dây, ổ nhóm buôn lậu. Điều đó thể hiện ở con số gần 1.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị Cục Hải quan Hà Nội phát hiện và bắt giữ trong năm 2015. Việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm mang lại cho Nhà nước gần 6,4 tỷ đồng tiền thuế.

Cũng theo ông Trần Quốc Định, vào trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán 2016, các lực lượng là Hải quan Hà Nội, Công an và Quản lý thị trường tăng cường phối hợp nắm tình hình, trao đổi thông tin diễn biến thị trường, nhất là về hàng giả, hàng hóa không đúng hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa nhập khẩu không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Riêng tuyến đường hàng không được xác định là “điểm nóng” buôn lậu, vì vậy, bốn chi cục thường xuyên làm thủ tục cho hàng hóa vận chuyển đường hàng không gồm Nội Bài, Chuyển phát nhanh, Gia Thụy, Bắc Hà Nội, đã, đang đặc biệt chú trọng công tác chống buôn lậu.

Làm sạch “áo giáp”

Theo Cục Hải quan Hà Nội, trước những vấn đề nảy sinh trong công tác chống buôn lậu, đặc biệt là tại Nội Bài, song song với việc bố trí nhân sự làm công tác kiểm soát hải quan một cách hợp lý, cơ quan Hải quan Hà Nội đang tập trung nâng cao hơn nữa ý thức của cán bộ hải quan trong việc chấp hành pháp luật, kỷ cương, kỷ luật của ngành, đơn vị. Đồng thời, yêu cầu đề cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh chống buôn lậu trong quá trình làm thủ tục, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, chống thất thu ngân sách; quản lý và sử dụng có hiệu quả hơn nữa các trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan, kiểm soát và phòng chống ma túy.

Cùng với nỗ lực làm sạch chiếc “áo giáp,” Cục Hải quan Hà Nội đang khẩn trương tháo gỡ, kiến nghị cấp trên xử lý những khó khăn, vướng mắc từ hệ thống văn bản pháp lý trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực này. Cụ thể, Nghị định 127/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ quy định về các hành vi vi phạm các quy định chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chỉ có một khung hình phạt là chưa phù hợp.

Trong công tác xử phạt vi phạm hành chính, nhiều trường hợp không thể thu được tiền phạt đối với hàng khách xuất cảnh, nhập cảnh mang hàng cấm, hàng phải có giấy phép nhập khẩu.

Nguyên nhân được xác định do địa chỉ đối tượng vi phạm cung cấp không rõ ràng, không đúng, không có số tài khoản, không biết rõ nhân thân nên việc chấp hành quyết định xử phạt cũng như việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế không hiệu quả. Bên cạnh đó, luật hiện có quy định về thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, song chưa có quy định về việc tạm giữ đối tượng, áp giải đối tượng vi phạm trong trường hợp xác định có hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng qua biên giới.

Theo Hải quan Hà Nội, trước tình hình trên, nên có quy định chế tài xử phạt phù hợp với trị giá tang vật nhỏ hơn 10 triệu đồng, và quy định rõ các khung hình phạt tương ứng với giá trị tang vật. Hiện, Hải quan Hà Nội cũng đang đề nghị các cơ quan chức năng khi xây dựng các văn bản pháp luật cần ổn định, tổng thể và có tính khả thi cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục