Bài 3: Chi nghìn tỷ đồng cứu lúa: Chống trời hay thuận theo tự nhiên?

Để đảm bảo đời sống cho hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long, theo các chuyên gia, việc chuyển đổi một phần đất lúa sang nuôi tôm, trồng hoa màu đang là “bài toán” cấp bách, cần được hóa giải.
Bài 3: Chi nghìn tỷ đồng cứu lúa: Chống trời hay thuận theo tự nhiên? ảnh 1Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 265 điểm sạt lở bờ biển, bờ sông với tổng chiều dài 450 km. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Đồng bằng sông Cửu Long được coi là vựa lúa lớn nhất cả nước, với mật độ canh tác có nơi 3 vụ/năm. Tuy nhiên, trước tình hình hạn khô và xâm nhập mặn đang ngày diễn biến khốc liệt hơn thì việc chống lại "ông trời,” hay giảm một phần diện tích đất lúa kém hiệu quả để chuyển sang cây trồng khác cùng với nuôi thủy sản đang là bài toán cấp bách, cần được hóa giải.

Nước mặn tài là nguyên, không phải kẻ thù?

Trước tình hình khô hạn khốc liệt và xâm nhập mặn kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã đề xuất việc xây dựng các công trình ngăn mặn, tích ngọt với số vốn khoảng 34.000 tỷ đồng (tương đương 1,5 tỷ USD).

Những công trình ngăn mặn như hệ thống cống, đê bao có giá trị hàng nghìn tỷ đồng dự kiến xây dựng tại một số tỉnh như Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu…kỳ vọng sẽ ngăn chặn được nước biển xâm lấn vào nội đồng, qua đó đảm bảo được an ninh nguồn nước cho “vựa lúa số 1 của cả nước.”

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà khoa học và một số địa phương bị xâm nhập mặn, việc bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để cứu cây lúa trong bối cảnh mặn hóa ngày càng cao là điều không thật sự hiệu quả. Trong khi, giá lúa những năm gần đây vẫn "bình bình" và người nông dân thì “nghèo bền vững.”

Đó là chưa kể, hiện nay nhiều hộ nông dân trồng lúa đang hướng đến việc nuôi tôm, vốn mang lại giá trị kinh tế cao nên họ cho rằng nước mặn là tài nguyên chứ không phải là kẻ thù.

Theo phó giáo sư tiến sỹ Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đồng bằng sông Cửu Long (Đại học Cần Thơ), giả sử tới đây các tỉnh có xây hệ thống cống ngăn mặn, thì chúng ta cũng không thể chống lại được những biến động bất thường về khí hậu của ông trời.

“Điều có thể xảy ra là, những công trình đê bao ngăn mặn kiên cố sẽ phá vỡ hệ sinh thái, làm cho diện tích rừng ngập mặn mất đi. Và, một khi chúng ta không đủ sức để chống lại quy luật tự nhiên thì thiên tai sẽ gây sạt lở bờ biển nặng nề hơn,” ông Tuấn lưu ý.

[Bài 2: Khát bên “biển nước," người dân đào giếng vét nước ngầm]

Bài 3: Chi nghìn tỷ đồng cứu lúa: Chống trời hay thuận theo tự nhiên? ảnh 2Mô hình lúa - tôm đang được kỳ vọng sẽ giúp người dân Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Từ góc độ địa phương bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, ông Đoàn Hồng Dinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, nếu Chính phủ cho phép xây dựng được 2 hệ thống cống đập ngăn mặn trên địa bàn, nhằm mục đích ngọt hóa cho cây lúa thì với số kinh phí dự kiến gần 4.000 tỷ đồng cũng không mang lại hiệu quả.

“Đơn giản là, bây giờ nếu muốn ngọt hóa thì phải đắp được hệ thống đập ngăn mặn đồng bộ ở sông Cái Lớn, sông Cái Bé và các khu vực khác kéo dài sang đến tỉnh Cà Mau với nguồn kinh phí rất lớn. Riêng với vùng U Minh Thượng, để làm được đê ngăn mặn thì phải đầu tư khoảng hơn 30.000 tỷ trở lên. Đó là chưa tính, về lâu dài đê bao cũng sẽ bị ngập,” ông Dinh thành thật.

Chính vì thế, theo ông Dinh, để phát huy được hiệu quả kinh tế và tiết kiệm kinh phí, việc cần làm là phải thuận theo tự nhiên và phải “sống chung” với nước biển, từ đó sắp xếp lại quy trình sản xuất. Nghĩa là, bây giờ phải tính 2 phương án là hình thành một vùng rừng ngập mặn kết hợp với nuôi trồng thủy sản để mang lại giá trị kinh tế và một vùng ‘an ninh lương thực’ là vựa lúa của Đồng bằng sông Cửu Long.

Những mô hình “thuận theo tự nhiên”

Từ sự phát hiện tình cờ của nông dân, mô hình tôm - lúa đang được nhiều địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng với hy vọng “đổi đời” ngay trên vựa lúa vốn chỉ đảm bảo cho họ 3 bữa no mỗi ngày. Quan trọng hơn, việc kết hợp trồng lúa xen canh nuôi tôm còn giúp các tỉnh thích ứng phó với xu thế khô, mặn hiệu quả.

Được xem là người đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế theo mô hình lúa-tôm, anh Võ Văn Khang, ấp Đặng Văn Gio (Thạnh Yên, U Minh Thượng, Kiên Giang) cho biết, trước đây mỗi năm gia đình trồng 2 vụ lúa nhưng do nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên hiệu quả rất thấp. Không thể an phận cảnh nghèo, năm 2005, anh Khang quyết định chuyển sang canh tác theo mô hình tôm-lúa.

“Đấy anh xem, khắp vùng ruộng đồng lúa đã chết khô vì hạn hán nhưng nhà tui vẫn nuôi được tôm. Nuôi bằng nước mặn đó nha. Tính ra, mỗi năm trồng 2 vụ lúa bán được có gần 80 triệu đồng, còn mấy năm nay chuyển sang xen canh tôm-lúa thu được 150 triệu/năm. Rõ là hiệu quả cao hơn mà gia đình vẫn giữ được lúa,” anh Khang sởi lởi nói.

Cùng ở xã Thạch Yên, huyện U Minh Thượng, mô hình tôm-lúa của ông Võ Văn Trường cũng đang được áp dụng hiệu quả. Theo ông Trường, điều kiện thời tiết ở miền Tây chia thành hai mùa (6 tháng mưa và 6 tháng xâm nhập mặn). Vì thế, nếu cố đẩy mặn để trồng lúa sẽ phản quy luật tự nhiên và hiệu quả cũng không cao.

Bài 3: Chi nghìn tỷ đồng cứu lúa: Chống trời hay thuận theo tự nhiên? ảnh 3Nhiều người dân huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu "bỏ lúa," chuyển sang nuôi tôm. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Ngoài mô hình lúa-tôm, thời gian gần đây, người dân tại nhiều tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã quyết định bớt một phần diện tích trồng lúa sang phát triển các loại hoa màu, cây trồng khác (như đậu tương, ngô, thanh long, vừng đen, ớt, dứa) để sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả trong những tháng mùa khô hạn.

Theo thống kê từ các địa phương, hiện toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã chuyển đổi được trên 100.000 ha sản xuất lúa Xuân-hè sang các loại cây trồng khác, qua đó góp phần tăng hiệu quả kinh tế so với trồng lúa.

Đơn cử như tại xã Phú Mỹ (huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng), trong vụ mùa vừa qua đã có hơn 150 hécta đất ruộng không thể sản xuất lúa do thiếu nước đã được người dân Khmer chuyển đổi sang trồng dưa hấu. Đúng như người xưa vẫn nói “nắng tốt dưa, mưa tốt lúa,” đến nay người dân Phú Mỹ đã có vụ dưa thành công, với năng suất đạt từ 3-5 tấn mỗi công (1.300m2).

Hay như thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, mặc dù là địa phương ven biển với diện tích trồng lúa khiêm tốn, có 507 ha trồng lúa, song lãnh đạo địa phương vẫn khuyến khích chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa màu, để đảm bảo đời sống cho bà con.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, ông Lý Thái Hưng, Trưởng phòng kinh tế thị xã Hà Tiên cho biêt, trước tình hình khô hạn và xâm nhập mặn kéo dài, không còn cách nào khác là địa phương phải tự "cứu mình” bằng cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo thời vụ. Nghĩa là, trồng tạm hoa màu như cây đậu tương, đậu bắp, ngô… trên đất lúa gặp hạn.

Cho đến nay, việc cach tác lúa - hoa màu bước đầu đã cho thấy cây màu, cây ăn trái hiệu quả cao hơn lúa, đồng thời nó cũng giải quyết được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Luân canh cây trồng còn góp phần hạn chế sâu bệnh gây hại cho lúa và giảm được áp lực nước tưới trong thời điểm nắng hạn.

Tại nhiều địa phương khác như huyện U Minh Thượng (Kiên Giang), Ba Tri (Bến Tre), Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) và một số huyện của tỉnh Cà Mau, nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng khác từ lúa sang cây đậu tương, thăng long cũng đang dần phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương./.

Sau nhiều tháng chống chọi với khô mặn, nước ngọt từ thượng nguồn sông Mekong đã về tới Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, lượng nước đổ vào nội đồng tại các tỉnh vẫn còn quá ít, chưa thể đẩy mặn cho những cánh đồng rộng lớn.

Thực tế này đã khiến không ít người đặt câu hỏi: Trước những tác động của "họa gần" và "họa xa," Việt Nam sẽ làm gì để có thể đảm bảo nguồn nước lâu dài cho vùng an ninh lương thực số 1 của cả nước?

Bài 4: “Muốn giữ vựa lúa miền Tây, phải khôi phục 2 túi nước tự nhiên”

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục