Bài 3: Dân than nhiều, Nhà nước mới tính rà soát, giảm phí đường BOT

Ngành giao thông sẽ phối hợp với các Bộ ngành khác đưa ra một lộ trình đầu tư với mức phí và thời gian hoàn vốn hợp lý hơn, trước tiên sẽ tính toán đến phương án giảm phí.
Bài 3: Dân than nhiều, Nhà nước mới tính rà soát, giảm phí đường BOT ảnh 1Ngành giao thông sẽ phối hợp với các Bộ ngành khác đưa ra một lộ trình đầu tư với mức phí và thời gian hoàn vốn hợp lý hơn. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Để hoàn vốn nhà đầu tư, liên danh Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính thống nhất cứ 3 năm điều chỉnh một lần, theo tốc độ tăng của CPI (chỉ số giá bình quân) nên thời gian vừa qua nhiều trạm BOT đồng loạt tăng phí dao động từ 35.000-45.000 đồng/lượt.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vận tải và người dân đã than phiền vì mức phí quá cao, trạm phí dày đặc “bủa vây” khiến mỗi lần phương tiện chạy trên đường đều quá sức chịu đựng của chủ xe.

[Bài 1: “Cơn lốc” BOT: Mức phí cao, miếng bánh “béo bở” xẻ đều]

Để giảm chi phí “ngộp thở” cho chủ xe, ngành giao thông sẽ phối hợp với các Bộ ngành khác đưa ra một lộ trình đầu tư với mức phí và thời gian hoàn vốn hợp lý hơn, trước tiên sẽ tính toán đến phương án giảm phí.

Giá xăng rẻ hơn vé thu phí?

Tại rất nhiều cuộc họp về vận tải đường bộ, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội đều kiến nghị điệp khúc, doanh nghiệp vận tải ủng hộ nâng cấp đầu tư hạ tầng đường sá nhưng phải phù hợp với thu nhập quốc dân. Còn triển khai quá nhiều trạm, như tuyến đường từ Hà Nội-Thái Bình có 4 trạm BOT trên quãng đường gần 150km, giá xăng dầu thậm chí còn rẻ hơn cả giá vé thu phí thì quá sức với người dân.

“Bao giờ các cơ quan chức năng cũng đưa ra quan điểm tăng phí là để bảo vệ quyền lợi hoàn vốn của nhà đầu tư và thu hút nhà đầu tư khác tiếp tục tham gia các dự án BOT xây dựng hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp và người dân phải chấp nhận, không thể thay đổi được các quyết định của cơ quan Nhà nước,” ông Liên bổ sung thêm.

Bên cạnh đó, vị Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, không phải BOT là nhà đầu tư bỏ vốn hoàn toàn mà được Nhà nước hỗ trợ vốn bằng hình thức lấy đất đổi hạ tầng. Lượng tiền để hoàn vốn cho dự án BOT rất lớn khi toàn vốn vay ngân hàng, nhà đầu tư phải tính cả bài toán trả lãi suất, nợ gốc và có lợi nhuận. Nhưng tất cả đều đánh vào vận tải và cuối cùng là người tiêu dùng khi giá cước phải tăng lên.

[Bài 2: BOT đang bị “méo mó” bản chất, ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro]

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam bày tỏ quan điểm, nhiều công trình xây dựng trên nền đường đã có sẵn của Nhà nước và nhà đầu tư chỉ mở rộng mặt đường, thảm lại nền đường, xây thêm những công trình phụ nhưng lại thu phí trên toàn bộ tuyến đường đó. Điều này là sự không công bằng cho người đi đường, lẽ ra đường được đầu tư BOT phải là đường mới hoàn toàn sẽ không gây thắc mắc cho nhà xe, trong khi trạm BOT dày đặc, “mọc lên như nấm”, phí lại quá cao.

“Việc đầu tư xây dựng đường BOT phải bảo đảm người dân có quyền được lựa chọn việc sử dụng phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của mình. Tuy nhiên, đơn vị vận tải hiện nay không có lựa chọn nào vì một đường BOT độc đạo và bị các trạm phí BOT bủa vây,” ông Thanh cho hay.

Trả lời vấn đề này, theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, trong các hợp đồng dự án, mức thu phí đã phù hợp với khung mức phí quy định tại Thông tư 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính. Riêng lộ trình tăng phí sẽ được liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính xem xét quyết định chính thức phù hợp với điều kiện thực tế.

“Tuy nhiên, quy định này tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư và ngân hàng nếu mức phí và lộ trình tăng phí không được cấp có thẩm quyền chấp thuận như phương án ban đầu được duyệt và không phù hợp với thông lệ quốc tế,” lãnh đạo ngành giao thông nhấn mạnh.

Ngoài ra, phía Bộ Giao thông Vận tải cũng cho biết, thời gian vừa qua, cũng có một số ý kiến của người dân phản ánh mức thu phí ở một số trạm cao, chưa phù hợp. Nguyên nhân là khi lập dự án đầu tư chưa có lượng hóa lợi ích mang lại của tuyến đường sau khi được nâng cấp so với mức phí người sử dụng đường phải nộp nên chưa thấy rõ lợi ích mang lại so với chi phí bỏ ra; chưa có tham vấn các tổ chức xã hội và người dân về trạm phí và mức phí.

Mức phí dự kiến giảm từ 10-20%

Để đảm bảo chính sách phí hợp lý, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về quy trình nguyên tắc xác định trạm thu phí và tham vấn người dân để đảm bảo tính công bằng, minh bạch thay vì xây dựng quy hoạch trạm thu phí vì chưa đủ cơ sở khoa học, thực tiễn.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, hiện tại nhiều dự án BOT đường bộ triển khai trong thời gian qua vẫn còn nhiều khoản dư chưa sử dụng so với dự toán ban đầu và đây là cơ sở cho việc tính toán giảm phí hoặc giảm thời gian hoàn vốn.

Dưới tư cách một chuyên gia, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho rằng, thực tế, chi phí đầu tư BOT của Việt Nam so với thế giới là cao. Thu hồi vốn mức phí cao là cần thiết nhưng đảm bảo lợi ích nhà đầu tư và doanh nghiệp cần phải có sự hài hòa. Để giải quyết mức phí thì đề nghị kéo dài thời gian thu phí, giảm mức phí, Nhà nước lấy tiền bù cho doanh nghiệp đầu tư.

Trong quá trình rà soát mức phí theo chỉ đạo của Chính phủ, liên bộ Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính đã có kiến nghị không điều chỉnh mức phí đối với các trạm thu phí trước năm 2014 do có mức phí từ 10.000-20.000 đồng/lượt đã thu phí từ lâu, ít gây bức xúc trong dư luận.

Đối với các trạm thu phí sau năm 2014, ngành giao thông và tài chính đề xuất xem xét giảm phí với các xe tải cỡ lớn dự kiến khoảng từ 10-15% và giảm phí đối với các trạm thu phí có mức xe cơ sở (45.000 đồng/lượt tại 5 trạm BOT gồm 2 trạm trên Quốc lộ 5; 2 trạm thu phí cầu Bến Thủy Quốc lộ 1 và trạm cầu Giành Quốc lộ 1) cao hơn mức trung bình đang thu, dự kiến mức giảm khoảng từ 10-20%.

“Với các trạm thu phí trên các tuyến cao tốc không điều chỉnh mức phí do phí tuyến đường này được tính trên số km xe đi thực tế đồng thời người dân có quyền lựa chọn đi cao tốc hay đi Quốc lộ,” Thứ trưởng Vũ Thị Mai đề nghị.

Bài 3: Dân than nhiều, Nhà nước mới tính rà soát, giảm phí đường BOT ảnh 2Liên Bộ Giao thông Vận tải và Tài chính đề nghị mức phí dự kiến giảm từ 10-20%. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Để có thể triển khai đồng loạt, thống nhất, Bộ Tài chính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải làm việc với nhà đầu tư để thống nhất thực hiện giảm mức phí và đề xuất gửi Bộ Tài chính trước ngày 10/7 để Bộ Tài chính ban hành Thông tư điều chỉnh mức thu phí.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương chỉ đạo quyết toán các dự án đã hoàn thành đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định. Trên cơ sở đó, tính toán cân đối lại phương án tài chính, thời gian thu phí, mức thu phí, lộ trình thực hiện thu phí hoặc giá. Trường hợp tống mức đầu tư dự án giảm thì phải điều chỉnh giảm mức thu phỉ và thời gian thu phí hoàn vốn tương ứng.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung vào đầu tư các dự án có tính chất đột phá, đặc biệt tuyến cao tốc Bắc Nam; nâng cấp các tuyến nối liền trung tâm kinh tế với nhau trên cơ sở Nhà nước và các nhà đầu tư tư nhân cùng thực hiện theo hình thức PPP (công-tư) trong đó Nhà nước góp 30%, nguồn vốn vay JICA 30% và 40% còn lại là của nhà đầu tư bỏ tiền làm đường để giảm mức phí và thời gian thu phí./.

Bộ Tài chính vừa có đề nghị Thủ tướng Chính phủ các trạm thu phí thu trước năm 2014, không bố sung dự án mới nhưng có lộ trình tăng phí vào năm 2016 thì tạm dừng không tăng phí năm 2016.

Riêng các trạm thu phí thu trước năm 2014, nhà đầu tư thực hiện đầu tư thêm dự án mới hoặc đầu tư mở rộng, kéo dài phạm vi dự án, tại Hợp đồng BOT đã cam kết mức thu phí cao hơn mức đang thu (mức thu phí hoàn vồn cả dự án cũ và phần đầu tư thêm) nên cho phép điều chỉnh mức thu phí đối với các dự án này.

Đối với các trạm thu phí thuộc thấm quyền Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh ban hành mức thu phí Ủy ban Nhân dân các tính thực hiện rà soát không tăng phí trong năm 2016 đồng thời thực hiện giảm phí đế điều chỉnh mức phí theo thấm quyền.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục