Bài 3: Đi tìm chìa khóa mở ra tương lai cho ngành xiếc Việt Nam

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc

Xiếc là bộ môn nghệ thuật có tính quốc tế. Do đó, nếu các nhà tổ chức biết linh hoạt kết hợp xiếc cùng các loại hình nghệ thuật đậm đà bản sắc khác thì đây sẽ là sản phẩm văn hóa-du lịch có giá trị.
Học viên tập luyện tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)
Học viên tập luyện tại Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Ở xiếc, con người được xem là yếu tố then chốt làm nên sự thành bại của một vở diễn. Song, những người làm công tác quản lý của ngành vẫn thường bày tỏ nỗi lo lắng rằng tìm ra tài năng xiếc đã khó, giữ chân được nhân tài lại càng khó hơn.

Để tìm hiểu nguyên nhân, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus tìm đến Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, “cái nôi” đã và đang đào tạo ra nhiều thế hệ diễn viên xiếc, những người tiếp nối truyền thống và định hình tương lai ngành xiếc Việt Nam.

Dạy làm xiếc, dạy làm người

Nhìn bên ngoài, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cũng giống như những trường phổ thông bình thường. Từng tốp học sinh hồn nhiên vừa đi vừa cười đùa, có em ngồi ở ghế đá đọc sách…

Đi vào trong các sàn tập, phóng viên nhận thấy một bầu không khí khác hẳn. Các em gái đang tập uốn dẻo, mồ hôi rịn ra trên trán. Có em nhăn mặt, cắn răng, nén đau để giữ hai chân thẳng tắp. Nhóm nam sinh thì đang tập tung hứng, ai nấy tập trung cao độ.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 1Các thầy cô giáo không đơn thuần là chỉ dạy các động tác kỹ thuật, chuyên môn mà còn đóng vai trò như những người cha, người mẹ thứ hai của các em. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Thạc sỹ Ngô Lê Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam cho biết đối tượng tuyển sinh của trường là học sinh từ 11-18 tuổi.

Trong 2 năm đầu, các em đều được đào tạo 4 môn cơ bản gồm: Nhào lộn, tung hứng, thăng bằng và thể thao. Sau đó thì các em sẽ chuyển sang giai đoạn 2 là được đào tạo về chuyên ngành xiếc với những tiết mục cụ thể cho từng đối tượng học sinh biểu diễn. Vì vậy, nhà trường luôn phải đảm bảo đủ giáo viên để chỉ dạy từng em đồng thời phát hiện sớm và định hướng phát triển cho từng người sao cho phù hợp với năng khiếu và thể trạng học sinh.

Trong khi Hiệu trưởng Ngô Lê Thắng trò chuyện với phóng viên, thỉnh thoảng vài em học sinh đi ngang qua, ngoan ngoãn khoanh tay trước ngực chào thầy và khách của thầy.

Ông Ngô Lê Thắng giải thích: “Học sinh ở đây nội trú từ khi mới 11 tuổi, sống xa gia đình, nên chúng tôi luôn đặt ra mục tiêu hàng đầu là phải dạy các em thành người, hình thành nhân cách, nền tảng về kiến thức, về văn hóa trước và sau đó mới dạy về các kỹ thuật chuyên ngành xiếc hoặc tạp kỹ.”

Ở đây, các thầy cô giáo không đơn thuần là chỉ dạy các động tác kỹ thuật, chuyên môn mà còn đóng vai trò như những người cha, người mẹ thứ hai của các em, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ, chỉ bảo các kỹ năng trong cuộc sống.

Thầy Nguyễn Minh Chính, giáo viên khoa Xiếc cho hay các thầy cô phải thường xuyên chia sẻ, nắm rõ được tâm tư, tình cảm của các em, nhất là khi học sinh bước vào lứa tuổi dậy thì.

“Ngay cả việc sinh hoạt, các em cũng được chỉ dạy từ những việc nhỏ nhất. Bởi vậy, giáo viên ở trường xiếc cũng phải mang trong mình một trọng trách khá lớn khi luôn phải làm gương và hoàn thiện mình để học sinh nhìn vào và học tập. Bởi lẽ những đứa trẻ lớn lên ở trường xiếc có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ giáo viên nhiều hơn gia đình,” thầy Nguyễn Minh Chính tâm sự.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 2Xiếc là ngành đặc thù nên rất khó tuyển sinh. Các em phải có sự đam mê, nhiệt huyết, sẵn sàng khổ luyện thì mới trụ được với nghề. (Ảnh: Hoàng Đạt/Vietnam+)

Dành hết tâm huyết và tình cảm để đào tạo học sinh, song từ con số hàng nghìn học sinh sơ tuyển, số em trúng tuyển đến khi nhập học chỉ còn tính bằng hàng chục và đến ngày ra trường, có những khóa “rơi rụng” hết, số học sinh thi tốt nghiệp chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.

“Xiếc là ngành đặc thù nên rất khó tuyển sinh. Các em phải có sự đam mê, nhiệt huyết, sẵn sàng khổ luyện thì mới trụ được với nghề,” Hiệu trưởng Ngô Lê Thắng cho biết.

Nói về nguyên nhân dẫn tới sự khủng hoảng nguồn nhân lực của ngành, Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng xiếc đòi hỏi sự khổ luyện.

“Tuổi nghề của diễn viên rất ngắn do hoạt động với cường độ cao, nguy hiểm, mức độ rủi ro cao, các nghệ sỹ luôn cần có phong độ và thể chất tốt nhất. Có người tập 5 năm nhưng chẳng may bị tai nạn phải bỏ nghề khi chưa kịp ‘lộ sáng’,” nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Ông cho hay liên đoàn từng đến các địa phương vùng sâu, vùng xa để tuyển sinh. Nhiều phụ huynh thẳng thắn trả lời: “Con tôi đang là lao động chính trong nhà, xuống Hà Nội rồi thì lấy ai làm nương?”

Một thách thức nữa đối với Liên đoàn Xiếc Việt Nam là tình trạng “chảy máu chất xám.” Nhiều tập đoàn, đơn vị tư nhân sẵn sàng trả mức thu nhập cao hơn rất nhiều để “chiêu mộ” những diễn viên xiếc. Trong vòng xoáy nỗi lo “cơm áo gạo tiền,” nhiều người đã rời đi để biểu diễn tại các khu du lịch, theo các hợp đồng giải trí thời vụ.

Tìm hướng đi cho xiếc Việt

Chia sẻ về định hướng phát triển của nhà trường trong thời gian tới, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam mong muốn Nhà nước tổ chức thêm nhiều buổi hội thảo, toạ đàm chuyên môn giữa các đoàn xiếc trong nước và nước ngoài để chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật kiến thức mới trong hoạt động đào tạo. Nhà trường cũng sẽ tích cực đưa học sinh tham gia các cuộc thi, liên hoan xiếc để các em có cơ hội nâng cao năng lực, trải nghiệm thực tế, làm bước đệm cho hành trình trở thành diễn viên chuyên nghiệp.

Với sự quan tâm và ủng hộ của Đảng, Nhà nước và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhà trường cũng đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ với khao khát nâng cấp lên hệ cao đẳng, góp phần vào công cuộc giải quyết những bất cập còn tồn tại về chế độ cho diễn viên xiếc, nâng cao vị thế của nhà trường nói riêng và tầm vóc của xiếc Việt trên thế giới.

Bên cạnh đó, đại diện Liên đoàn Xiếc Việt Nam, “đầu ra” của các học viên ngành xiếc, nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng cho rằng cần có chế độ đãi ngộ đặc thù về lương, bồi dưỡng, bảo hiểm và sự đầu tư mang tính chiến lược bền vững để đảm bảo và duy trì sự cống hiến của các nghệ sỹ.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 3Vở cải lương-xiếc Thượng Thiên Thánh Mẫu do Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp dàn dựng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Để xiếc Việt tiếp tục nâng tầm, vươn ra thế giới, rất cần có sự quan tâm đầu tư cho nghệ sỹ trẻ, đặc biệt là sự quan tâm, chăm lo khi các em đang ở giai đoạn phát triển, tỏa sáng nhất của nghề, đó sẽ là động lực để các nghệ sỹ tiếp tục cố gắng và cống hiến,” nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng nói.

Chia sẻ giải pháp của đơn vị mình, Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng cho hay: “Chúng tôi định hướng diễn viên phải tập luyện đa năng. Nếu như trước đây, mỗi diễn viên chỉ cần tập thuần thục một tiết mục biểu diễn thì giờ có thể diễn nhiều tiết mục. Điều này vừa tạo cảm hứng sáng tạo, vừa tăng thêm thu nhập cho diễn viên. Nhiều diễn viên xiếc hiện nay đã đi theo con đường này và giành được nhiều thành tựu ở trong nước và quốc tế.”

[Khẳng định vị thế và hình ảnh của xiếc Việt Nam trên trường quốc tế]

Đó là lời giải cho bài toán nhân lực, còn về việc làm thế nào để phát triển nghệ thuật xiếc, nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng cho rằng không có cách nào khác ngoài việc đổi mới sáng tạo.

Hai năm gần đây, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phối hợp với Nhà hát Cải lương Việt Nam dàn dựng và biểu diễn hai vở “Cây gậy thần”“Thượng thiên Thánh mẫu” nằm trong dự án dài hơi “Huyền sử Việt.” Dự án nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc đồng thời cũng là một sáng tạo mang nhiều yếu tố cách tân để thu hút khán giả đến với nghệ thuật biểu diễn. Thời gian tới, Liên đoàn Xiếc Việt Nam sẽ kết hợp xiếc với tuồng và các nghệ thuật trình diễn đương đại khác.

Nghệ thuật Xiếc Việt Nam-Niềm tự hào trăm năm của văn hóa dân tộc ảnh 4Những năm gần đây, xiếc đã đổi mới rất nhiều với những vở diễn có kịch bản chỉn chu, truyền tải nhiều thông điệp có ý nghĩa. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Trên thế giới, việc xiếc kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác không phải là mới. Muốn làm được điều đó, tôi cho rằng các nghệ sỹ của từng loại hình nghệ thuật phải bỏ đi ‘cái tôi’ của mình, hỗ trợ nhau để hướng tới mục đích chung là thu hút khán giả. Hãy tiết chế từng ‘cái tôi’ riêng lẻ để có một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại hơn,” Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói.

Theo ông, xiếc là bộ môn nghệ thuật có tính quốc tế, có thể dễ dàng đến với khán giả thế giới. Do đó, nếu các nhà tổ chức biết linh hoạt kết hợp xiếc cùng các loại hình nghệ thuật khác để làm nên một chương trình đậm đà bản sắc Việt Nam thì đây sẽ là một sản phẩm văn hóa-du lịch có giá trị.

“Chúng ta có thể dùng xiếc để kể một câu chuyện về đất nước, con người Việt Nam, tạo ra một món ăn mới cho nhân dân và du khách quốc tế, bên cạnh những loại hình phổ biến như rối nước, dân ca, dân vũ,” nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng bày tỏ./.

Liên hoan Xiếc quốc tế chào mừng kỷ niệm 100 năm xiếc Việt Nam có sự tham gia của 9 đơn vị nghệ thuật, với 29 tiết mục tham gia; trong đó, 4 đơn vị trong nước gồm: Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam; 5 đơn vị nước ngoài gồm: Canada, Belarus, Lào, Campuchia và Ai Cập.

Chương trình biểu diễn được tổ chức vào 20h mỗi ngày từ 2-9/12 tại Rạp Xiếc Trung ương, 67-69 Trần Nhân Tông, Hà Nội.

Theo dõi loạt bài tại đây:

Bài 1: Cha đẻ ngành xiếc và những “viên gạch” đầu tiên

Bài 2: Thăng trầm xiếc Việt-Nước mắt đi trước, nụ cười đến sau

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục