Bài 3: Nghị quyết xử lý nợ xấu không phải là “liều thuốc tiên”

Các chuyên gia cho rằng Nghị quyết không phải là “liều thuốc tiên” mà chỉ là cơ sở để tạo ra một ứng xử bình đẳng, góp phần đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu.
Bài 3: Nghị quyết xử lý nợ xấu không phải là “liều thuốc tiên” ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Với đặc thù là “huyết mạch” dẫn vốn cho nền kinh tế, ngành ngân hàng sẽ phải làm sao để thực hiện cho trọn lời hứa trước Chính phủ và Quốc hội - đó là nợ xấu thông qua “điểm tựa” là Nghị quyết phải được xử lý minh bạch, rõ ràng và đặc biệt không có chuyện “thủ tiêu” trách nhiệm của những người đã gây ra nợ xấu.

Mặc dù đánh giá rất cao Nghị quyết này là một bước tiến đột phá nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng, Nghị quyết không phải là “liều thuốc tiên” có thể phá bỏ mọi “cục máu đông nợ xấu”, mà chỉ là cơ sở để tạo ra một ứng xử bình đẳng, tôn trọng thỏa thuận luật pháp, góp phần đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng, Công ty xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Chưa phải là "liều thuốc tiên"

Các chuyên gia chỉ ra, việc Nghị quyết cho phép mua bán nợ xấu và tài sản đảm bảo theo giá thị trường được coi là bước tiến lớn trong việc thay đổi tư duy xử lý nợ. Tuy vậy, sẽ là quá lạc quan nếu cho rằng một thị trường mua bán nợ sẽ được hình thành đầy đủ và hoạt động sôi động ngay sau đây. Sẽ cần thêm các văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn vấn đề này để những người thực thi cởi bỏ hoàn toàn tâm lý e ngại rủi ro pháp lý khi tiến hành bán nợ xấu dưới giá trị sổ sách.

Ngoài ra, định giá các khoản nợ xấu sao cho minh bạch, đúng giá trị thị trường để không dẫn đến hiện tượng tiêu cực, bị trục lợi trong khi bán cũng là một vấn đề. Thực tế là Việt Nam vẫn đang thiếu các cơ quan định giá và định mức tín nhiệm một cách khách quan, chuyên nghiệp.

Đối với quy định công an, chính quyền địa phương phải hỗ trợ ngân hàng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm được chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh là điều nên làm. Nhưng ông Hiếu cũng đặt ra giả thuyết, người dân cứ nằm ở trong nhà hoặc nhờ người già đến ở thì công an phải tính sao, rồi liệu người dân có quyền ra tòa xin tòa có phán quyết chống lại hành động đó không?

Ông Hiếu cho biết vấn đề này không được nêu trong Nghị quyết và trên thực tế thì vẫn còn rất nhiều tình huống gây khó khăn cho các tổ chức tín dụng.

[Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đã xử lý được hơn 611.000 tỷ đồng nợ xấu]

Một vấn đề khác đang được tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản hy vọng là nếu các dự án bất động sản hay những tài sản thế chấp là bất động sản, trong quá trình xử lý nợ xấu sẽ đẩy ra thị trường nhiều sản phẩm trước đây đã bị cuốn chặt trong nợ xấu mà không thể mua đi bán lại được, nay những sản phẩm đó được tháo gỡ và đẩy vào trong thị trường trở thành một phần nguồn cung dồi dào hơn cho thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng băn khoăn cho rằng, điều này không phải luôn luôn tích cực, nếu có nhiều sản phẩm của bất động sản được đẩy vào trong thị trường, có thể trở thành hiện tượng dư cung và sẽ đưa thị trường bất động sản sự biến động khó lường trước được.

Cũng theo ông Hiếu, để vấn đề xử lý nợ xấu được duy trì bền vững (vì nợ xấu luôn luôn phát sinh trong nền kinh tế), trong thời gian tới cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu đưa ra một văn bản Luật thì mới có tính pháp lý cao, văn bản Luật sẽ mang tính vĩnh viễn, sẽ được soạn thảo một cách hoàn chỉnh hơn, còn Nghị quyết chỉ là tạm thời.

Vẫn hy vọng vào chặng đường mới

Để giải quyết tận gốc của câu chuyện nợ xấu, các chuyên gia cho rằng, đối với các tổ chức tín dụng, Nghị quyết này đã có khung pháp lý để xử lý nợ xấu ít nhất là trong 5 năm tới, những ngân hàng nào mà ít nợ xấu, tự xử lý nợ xấu thì có lẽ cũng không cần quan tâm lắm. Tuy nhiên, những ngân hàng nào có nợ xấu nhiều thì phải ngồi lại với nhau lên phương án, trước hết là phải kiểm tra tài sản của mình như nợ trên sổ sách, nợ nội bảng, ngoại bảng, nợ bán cho VAMC, nợ bán cho các tổ chức tín dụng khác.

Ngoài ra, các ngân hàng cần lên một phương án chi tiết liên quan đến nợ xấu, rồi tài sản đảm bảo liên quan đến nợ xấu, bắt đầu đưa ra những kế hoạch để xử lý, rất nhiều ngân hàng dựa vào VAMC cho đến giờ số nợ xấu vẫn đang ngủ yên, giờ phải tính đến chuyện lấy lại số nợ đó từ VAMC và dao bán trên thị trường. Từ đó phải có một kế hoạch hành động cho từng món nợ, cho từng tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước phải có chế tài để giám sát các tổ chức tín dụng trong việc kiểm soát nợ xấu, đồng thời, các tổ chức tín dụng phải kiểm soát nợ xấu tốt hơn. Theo thống kê, có 20% dư nợ là của các công ty nhà nước, cho vay cá nhân thế chấp bằng tài sản cũng thấp, chỉ khoảng 10% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế, còn lại khoảng 70% là của các tập đoàn tư nhân, dự án rất lớn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, sắp tới Ngân hàng Nhà nước sẽ ban hành chỉ thị để chỉ đạo các tổ chức tín dụng và đưa ra giải pháp định hướng rất rõ, một mặt xử lý nợ xấu nhưng mặt khác ngăn ngừa các nợ xấu phát sinh.

“Chúng tôi định hướng trong điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới phải kiểm soát được ổn định vĩ mô, tạo điều kiện tăng cường năng lực thanh tra, giám sát cũng như yêu cầu các tổ chức tín dụng là phải tăng cường năng lực quản trị điều hành để hạn chế phát sinh nợ xấu,” Thống đốc nhấn mạnh.

Người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, Nghị quyết không tạo bất cứ lạm quyền hay ưu ái cho tổ chức tín dụng. Xử lý nợ thì vẫn phải xử lý, thu hồi được bao nhiêu thì thu hồi nhưng trách nhiệm của những người làm sai trái như có sân sau, hay tham ô tham nhũng nếu như cố tình vi phạm thì sẽ phải xử lý trách nhiệm. Ở mức độ nào đấy thì có thể xử phạt hành chính, ở mức độ nặng hơn như cố ý cho vay, cố ý làm trái thì hoàn toàn có thể xử lý hình sự.

Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại hy vọng “cục máu đông” nợ xấu sẽ được khơi thông, bổ sung nguồn vốn cho vay, lợi nhuận các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên trong 6 tháng cuối năm, cũng như các năm tới. Dự kiến, trong 2 năm tới sẽ xử lý được khoảng 50% số nợ xấu hiện hành nhờ có luật pháp thông thoáng, ra đời đúng thời điểm, giá cả bất động sản có khả năng thanh khoản tốt, đồng nghĩa với việc khơi thông được 300.000 tỷ đồng vốn phục vụ phát triển kinh tế, giúp các ngân hàng và doanh nghiệp làm ăn tốt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục