Bài 4: “Doanh nghiệp nước giải khát không tỉnh táo, sẽ bị tẩy chay”

Trong năm 2015, Cục An toàn Thực phẩm đã cấp phép cho tổng số 192 loại thực phẩm bổ sung dạng nước, trong đó có 16 sản phẩm trong nước và có 86 sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Bài 4: “Doanh nghiệp nước giải khát không tỉnh táo, sẽ bị tẩy chay” ảnh 1Thị trường nước giải khát vô cùng đa dạng và phong phú. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, trên thị trường, những loại nước giải khát có bổ sung vi chất dinh dưỡng hay những thực phẩm bổ sung dạng nước xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường.

Trong năm 2015, Cục An toàn Thực phẩm đã cấp phép cho tổng số 192 loại thực phẩm bổ sung dạng nước, trong đó có 16 sản phẩm trong nước và có 86 sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài về. Từ đầu năm 2016 đến nay, đơn vị trên đã cấp phép cho 89 sản phẩm thực phẩm bổ sung dạng nước, trong đó có 50 sản phẩm trong nước và có 39 sản phẩm nhập khẩu.

Trước một thị trường nước giải khát đang phát triển bùng nổ như vậy, một điều rất được nhiều người tiêu dùng quan tâm là việc giám sát, quản lý chất lượng của những sản phẩm đó ra sao?

Thực tế, trong một vài năm gần đây, có khá nhiều sự vụ lùm xùm liên quan tới nước giải khát với chất lượng kém khiến người tiêu dùng tẩy chay. Gần đây nhất là vụ nước giải khát C2, Rồng đỏ có lượng chì vượt ngưỡng cho phép.

Để hiểu rõ hơn về khái niệm những loại nước này, công tác quản lý ra sao?... VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) về vấn đề này.


Sai phạm sẽ truy đến tận cơ sở

- Thưa ông, ông có thể giải thích rõ hơn, những loại nước như thế nào được xác định là nước giải khát bổ sung vi chất dinh dưỡng?

Ông Nguyễn Hùng Long: Nước bổ sung vi chất là loại nước mà nhà sản xuất cho thêm các loại như vitamin, muối khoáng vào trong nước giải khát thông thường để bổ sung thêm vi chất như Vitamin C, để tăng cường thêm dinh dưỡng, vitamin khoáng chất.

Hiện, do nhu cầu của người dân, nên nhà sản xuất đã bổ sung thêm vitamin, khoáng chất như canxi, kẽm... Việc bổ sung các chất dinh dưỡng vào các loại nước càng ngày càng tăng do nhu cầu của thị trường, vì vậy, các nhà sản xuất sẽ đưa ra các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Cụ thể, các sản phẩm tăng cường vi chất sẽ được công bố tại cục An toàn Thực phẩm. Với các loại nước uống thông thường thì cơ sở sẽ được Bộ Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Sản phẩm trong nước sẽ được các Chi cục cấp cho giấy xác nhận thuộc phạm vi an toàn thực phẩm.

- Vậy chất lượng của các loại nước trên sẽ được kiểm tra như thế nào thưa ông?


Ông Nguyễn Hùng Long:
Về kế hoạch kiểm tra, giám sát, trong hồ sơ công bố sản phẩm, nhà sản xuất bao giờ cũng đề ra một kế hoạch giám sát bao gồm 6 tháng thì các cơ sở đó phải mang đi kiểm nghiệm định kỳ một lần, với những chỉ tiêu cơ bản mà họ đã công bố.

Sau đó, sẽ có đoàn đến kiểm tra xem họ có thực hiện đúng điều đó hay không. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có vấn đề gì thì lập tức nhà sản xuất phải điều chỉnh.

Về phía các cơ quan quản lý, hàng năm chúng tôi có kế hoạch thanh tra. Ngoài tháng hành động, những dịp cao điểm, chúng tôi có những đợt kiểm tra chuyên đề. Chẳng hạn như đầu năm có thể làm về chuyên đề thực phẩm chức năng, giữa năm có thể làm chuyên đề về thực phẩm bổ sung, cuối năm có thể làm chuyên đề về phụ gia thực phẩm. Như vậy mỗi năm có kế hoạch thanh tra của từng năm khác nhau.

Kế hoạch thanh tra theo chuyên đề đó không những triển khai ở Cục mà sẽ thành lập các đoàn đi tới cơ sở. Chúng tôi có văn bản và yêu cầu các địa phương cũng tiến hành đi sẽ thanh tra các việc đó. Đến cơ sở để thanh tra đồng thời lấy mẫu tại cơ sở và thị trường đi kiểm nghiệm, nếu sai phạm sẽ truy tới tận cơ sở để thu hồi và xử lý.

Bài 4: “Doanh nghiệp nước giải khát không tỉnh táo, sẽ bị tẩy chay” ảnh 2Một loại nước giải khát bổ sung thêm VitaminC. (Ảnh: PV/Vietnam+)

- Ông có thể cho hay, sau vụ lùm xùm liên quan đến nước giải khát C2, và nước tăng lực Rồng đỏ như vừa rồi, Bộ Y tế rút ra kinh nghiệm như thế nào?

Ông Nguyễn Hùng Long: Hiện nay chưa có quy định các cơ sở phải tự mang mẫu đi kiểm nghiệm, khi kết quả ra nếu như có vấn đề thì phải báo cáo cơ quan chức năng. Vì hiện nay cơ sở sản xuất chủ động đi kiểm nghiệm, sau đó tự họ điều chỉnh. Sắp tới chúng tôi nghĩ đến việc các đơn vị kiểm nghiệm phải thông báo với cơ quan chức năng khi xét nghiệm thấy có vấn đề, để chúng tôi có thể nắm bắt được.

Chì là chất có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, nếu như chúng ta dùng nhiều. Uống vài chai nước C2, nó chưa thể ảnh hưởng ngay nhưng nếu dùng thường xuyên liên tục, thì nó sẽ gây ảnh hưởng nhất định. Nếu ở một mức rất cao, dùng ở một thời gian ngắn, có thể ảnh hưởng đến gan, thận, não…

- Về chất lượng sản phẩm nước giải khát có bổ sung vi chất dinh dưỡng, khi có một sự cố liên quan tới chất lượng, người tiêu dùng sẽ là người bị thiệt nhất?

Ông Nguyễn Hùng Long: Về quản lý, chúng ta quản lý ở đây theo chuỗi, ngay trong quá trình, quy trình sản xuất từ nguyên liệu cho đến khi ra đến sản phẩm. Khi doanh nghiệp để sự cố xảy ra rồi thì… tất nhiên trong quá trình có thể do doanh nghiệp gian dối, quá trình không đảm bảo có những sai sót đó thì khi phát hiện ra lập tức chúng ta phải xử lý ngay để ngăn chặn.

Vì vậy, cơ quan chức năng phải quản lý để ngăn chặn những cái tác động đến. Người dân nếu lỡ có dùng lượng ít chưa tác động ngay đến sức khỏe. Khi chúng ta ngăn chặn kịp thời sẽ giảm đi. Mục tiêu của chúng ta là làm sao có sản phẩm nào không an toàn ra thị trường để ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Hùng Long - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) trả lời phỏng vấn VietnamPlus.

Phải có sự cảnh tỉnh tới các doanh nghiệp sau những vụ như C2 vừa rồi, bởi nếu đã biết sản phẩm của mình có vấn đề mà không có điều chỉnh, xử lý ngay thì sau nay hậu quả doanh nghiệp sẽ gánh rất lớn và những hậu quả đó không ai có thể lường trước được như thế nào. Doanh nghiệp sẽ bị mất thương hiệu, bị xử phạt rất nặng và câu chuyện để lấy lại thương hiệu rất khó.

Chúng tôi nghĩ rằng tốt nhất là các doanh nghiệp phải trung thực và tôi tin người tiêu dùng sẽ ủng hộ các doanh nghiệp đó.

Chẳng hạn, nếu như doanh nghiệp khi phát hiện có sản phẩm lỗi, cần thông báo ngay tới người tiêu dùng và thu hồi sản phẩm này, thì chắc chắn người tiêu dùng sẽ thông cảm, sẽ hoan nghênh việc đó. Còn nếu như biết, nhưng không xử lý mà để đến khi cơ quan chức năng vào cuộc phát hiện ra, khi đó chắc chắn người tiêu dùng sẽ không ủng hộ và có khả năng tẩy chay luôn sản phẩm đó.

Xin trân trọng cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục