Cơ chế quản lý lỗi thời, Uber và Grab chạy theo "hụt hơi"?

Bài 4: Taxi truyền thống vừa ganh tỵ vừa lo sợ Uber và Grab "xóa sổ"?

Theo đại diện các cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế, sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab phần lớn do sự lỗi thời của cơ chế.
Bài 4: Taxi truyền thống vừa ganh tỵ vừa lo sợ Uber và Grab "xóa sổ"? ảnh 1Các doanh nghiệp taxi cũng phải áp dụng công nghệ nhằm giảm chi phí quản lý, nếu không sẽ khó cạnh tranh với Uber, Grab. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Làn sóng ứng dụng công nghệ dịch vụ kết nối vận tải của Grab và Uber cũng đã khiến các hãng taxi truyền thống phải chuyển mình trước “cơn bão” xu thế của thời đại. Tuy nhiên, trong taxi hiện vẫn bị “trói” bởi các quy định trong đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải khi phải có số lượng xe quy định, logo thương hiệu hãng, bảng giá cước... thì xe chạy Uber, Grab tha hồ "tung hoành."

Theo đại diện các cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế, sự bất bình đẳng, cạnh tranh không lành mạnh giữa taxi truyền thống và Uber, Grab phần lớn do sự lỗi thời của cơ chế và cơ quan quản lý Nhà nước phải sửa đổi chứ không thể bắt Grab hay Uber phải “hụt hơi” chạy theo.

Giá cước hủy diệt đối phương

Tại Hội thảo “Đổi mới quản lý hoạt động taxi bảo đảm công bằng, bình đẳng trong kinh doanh và quyền lợi khách hàng đi xe taxi” vào ngày 23/2, theo đại diện các đơn vị taxi, mỗi lần muốn thay đổi giá cước đều phải làm thủ tục đăng ký trước 3 ngày và phải giải trình lý do tăng, giảm. Trong khi, xe hợp đồng chạy Grab, Uber được tự do làm giá, không cần đăng ký giải trình. Đây cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp kinh doanh taxi ganh tỵ.

[Taxi Uber và những góc khuất của “ông trọc đầu” ở trời Tây]

“Xe hợp đồng giá cả linh hoạt hơn trên cơ sở thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ với khách hàng nhưng cũng không thể vì thế mà có quyền đưa ra một giá cước phi thực tế theo kiểu cạnh tranh, hủy diệt đối phương hoặc giá cước nhảy múa trong một ngày thay nhiều giá."

Từ phân tích trên, vị Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình kiến nghị, các xe Uber, Grab phải được quản lý với các điều kiện hoạt động như taxi truyền thống, không thể phát triển tràn lan. Nếu thấy không quản lý được thì nên dừng đề án thí điểm, để đánh giá ảnh hưởng của loại hình vận tải này đến quản lý thuế, môi trường và ùn tắc giao thông.

Khẳng định các xe chạy Uber, Grab đã làm “dậy sóng” thị trường vận tải cả nước, đã và đang lấn lướt, thậm chí có thể đè bẹp dẫn đến phá sản các hãng taxi, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá, các tính thuế Grab, Uber (3% thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng) là thấp so với thuế mà xe taxi truyền thống đang gánh chịu gồm 10% thuế giá trị gia tăng, 20% thu nhập doanh nghiệp. Cách tính này không chỉ thiếu công bằng giữa các đơn vị vận tải taxi và Uber, Grab mà còn thất thu cho ngành thuế.

Ông Hỷ cũng đưa ra dẫn chứng và đặt câu hỏi, năm 2016, chỉ tính riêng các doanh nghiệp taxi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế phí. Trong khi thực tế, tổng số phương tiện hoạt động của Uber, Grab cao hơn rất nhiều so với taxi truyền thống, vậy với cách tính dành cho Grab, Uber liệu Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền?

“Uber, Grab cũng phải chịu chung mức thuế đang áp dụng với taxi truyền thống. Nếu thuế suất khác nhau thì chắc chắn sẽ có giá cước khác. Taxi truyền thống cũng được áp dụng mức thuế suất như 2 đơn vị trên thì giá cước mềm hơn, sự cạnh tranh giữa các đơn vị vận tải sẽ thực sự công bằng. Hiệp hội vận tải kiến nghị thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp taxi và Grab, Uber nên ở mức 5%,” ông Hỷ nhấn mạnh.

Ngoài ra, để có thể quản lý được Grab, Uber, theo ông Hỷ, Nhà nước nên có giải pháp quản lý, khống chế số lượng xe hợp đồng, phân biệt giữa xe kinh doanh với xe của cá nhân hộ gia đình đặc biệt là đối với loại xe dưới 9 chỗ ngồi.

Có góc nhìn công bằng hơn, vì cho rằng Uber và Grab tiết giảm chi phí quản lý nhờ ứng dụng công nghệ, ông Phạm Minh Sương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Mai Linh thừa nhận, taxi truyền thống cần áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xem xét lại tất cả quy trình quản lý, chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả khai thác và bắt kịp xu thế thời đại.

Tại hội thảo, nhiều doanh nghiệp taxi và Hiệp hội Vận tải taxi khẳng định các hãng taxi chấp nhận cạnh tranh nhưng phải bình đẳng trong quản lý về áp thuế giữa 2 loại hình này, khống chế về số đầu xe đang kinh doanh, đăng ký giá và chịu sự quản lý giá...

Lỗi ở cơ chế và cách ứng xử!

Trả lời đến câu hỏi liệu có thất thu thuế của Uber, đại diện Vụ Chính sách thuế (Tổng cục thuế-Bộ Tài chính) cho biết, mô hình Grab, Uber là liên doanh liên kết, chia sẻ doanh thu, doanh thu của ai người đó có trách nhiệm nộp thuế, doanh nghiệp nộp thuế pháp nhân, cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân.

“Uber là doanh nghiệp của Hà Lan không hiện diện tại nước ta nên ấn định thuế trên doanh thu. Các Bộ, ngành cũng đã đề nghị Uber phải bổ sung ngành nghề kinh doanh bởi hiện nay chỉ đánh vào pháp nhân nước ngoài. Nếu quản lý được số km xe, đầu xe thì có thể thu thuế của lái xe kinh doanh với Uber. Thuế ấn định theo giá trị gia tăng của ngành nghề chứ không phải vì được mức thuế thấp mà họ được lợi nhuận nhiều hơn,” vị đại diện này giải thích.

[Bài 2: Tài xế vỡ mộng làm giàu từ Uber, dùng chiêu kiếm thêm thu nhập]

Thừa nhận cạnh tranh bất bình đẳng là do cơ chế đã lỗi thời tạo và phải thay đổi, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, chính sách giá của một nước phụ thuộc vào chính sách thuế và phí của Nhà nước. Hiện nay, thuế và phí với taxi truyền thống bất bình đẳng là do cơ chế chứ không phải do Uber, Grab nên phải đổi mới về cơ chế.

Bài 4: Taxi truyền thống vừa ganh tỵ vừa lo sợ Uber và Grab "xóa sổ"? ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Theo quan điểm của ông Long, mặt hàng nào độc quyền thì Nhà nước phải quy định giá trần, nếu cạnh tranh thực sự để thoải mái về giá, không ngăn cản, triệt tiêu làm hạn chế sự phát triển cái mới.

Đồng tình quan điểm này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra chính kiến về cách ứng xử của nước ta với Uber, Grab như thế nào cho đúng.

“Các đơn vị vận tải phải thay đổi cách quản lý, qua Uber và Grab cho thấy chi phí quản lý của doanh nghiệp taxi quá đắt đỏ. Bình đẳng về thuế phí cũng rất quan trọng, Nhà nước nghiên cứu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho doanh nghiệp. Ít quốc gia đưa ra quyết định cấm, ứng xử với mô hình kinh doanh mới không phải là từ chối mà làm sao để người dân được hưởng lợi và doanh nghiệp cần phải thay đổi để thích nghi, hội nhập với quốc tế,” ông Anh Tuấn phản biện.

Đại diện các Vụ Vận tải và Khoa học công nghệ (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, việc cần làm hiện nay là phải xác định rõ loại hình kinh doanh taxi phi truyền thống trong việc sửa đổi Nghị định 86 mới tạo được sự ổn định trong quản lý Nhà nước, cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp, tạo động lực cho các hãng taxi ứng dụng công nghệ cao.

“Một số quốc gia cấp biển riêng cho xe kinh doanh vận tải nhằm tách bạch xe sử dụng xe cá nhân để kinh doanh vận tải đồng thời cần bổ sung phương tiện vận tải hợp đồng phải có sơn, logo trên thành xe, công khai giá cước cho dễ phân biệt,” đại diện này cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục