Bài 5: Quản thuế kinh doanh online: Làm công bằng, người dân mới theo

Bài 5: Quản thuế kinh doanh online: Làm công bằng, người dân mới theo

Tạm gác lại những trắc trở trên con đường thu thuế với những chủ hàng trên Facebook, vấn đề lớn hơn cơ quan chức năng cần làm gì để tạo được sự đồng thuận của người dân.
Bài 5: Quản thuế kinh doanh online: Làm công bằng, người dân mới theo ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Doãn Đức/Vietnam+)

Tạm gác lại những trắc trở trên con đường thu thuế với những chủ hàng trên Facebook, vấn đề lớn hơn cơ quan chức năng cần làm gì để tạo được sự đồng thuận của người dân.

Điều này theo phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường (Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) không chỉ xuất phát từ công tác tuyên truyền, chính sách khuyến khích người dân mà thậm chí phải chính từ từng cán bộ công chức ngành thuế.

[Hà Nội: Xác định hơn 13.000 tài khoản bán hàng trên Facebook]

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Cường để cùng nhìn lại câu chuyện dài kỳ với cái kết còn bỏ ngỏ.

Có kiên trì được không?

- Thưa ông Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã rà soát và thông báo tới hàng vạn chủ tài khoản Facebook về việc thực hiện kê khai nộp thuế. Ông nhận định nhu thế nào về việc này?

Ông Hoàng Văn Cường: Trước hết, đã kinh doanh là phải nộp thuế, đó là điều bình thường trong luật và là điều các nước phải thực hiện. Vì thế, chủ trương của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh rà soát thu thuế với người kinh doanh trên mạng xã hội theo tôi là một chủ trương đúng. Vấn đề làm làm sao thực hiện được chủ trương này.

[Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Phim dài tập, hồi kết vẫn mịt mờ]

- Về thực hiện chủ trương này, ngành thuế mới ở bước đầu tiên là yêu cầu các cá nhân kinh doanh tự giác kê khai, sau đó mới là thanh kiểm tra. Quy trình này tất nhiên không chỉ ở kinh doanh qua mạng. Vậy, theo ông, bước đi này có khả quan không?

Ông Hoàng Văn Cường: Thực tế, ở các nước, quản lý thuế với các hoạt động kinh doanh cá nhân cũng phải dựa vào những kê khai của chính các đối tượng đó. Tức là, trước hết phải dựa vào sự tự giác của chính người kinh doanh. Điều này ở các nước khác cũng vậy.

Tuy vậy, ở nhiều nước, nếu người nộp thuế không tự giác, và dù chỉ một lần bị phát hiện, đối tượng kinh doanh sẽ bị xử lý nặng. Điều này mới thúc đẩy người dân dần dần tự giác.

[Bài 2: Thu thuế kinh doanh trên Facebook: Trông vào tự giác liệu có đủ]

Ngay cả bây giờ chúng ta yêu cầu người kinh doanh tự giác kê khai thì tôi nghĩ chưa đạt kết quả tốt ngay. Tuy nhiên, ta phải nhìn nhận, tỷ lệ chấp hành chỉ là một phần nhỏ. Quan trọng là ta thấy đây là chủ trương đúng thì phải đi tới cùng để đưa hoạt động này vào nề nếp, thành hoạt động thường xuyên.

Ta phải bắt đầu ngay bởi nếu không làm từ bây giờ thì mãi mãi không thu được thuế. Ngày hôm nay chúng ta thực hiện việc khuyến khích có thể người kinh doanh chưa tự giác nhưng năm này qua năm khác, làm kiên trì thì mọi việc sẽ dần đi tới đích. Quan trọng là cơ quan thuế và các cơ quan chức năng có kiên trì thực hiện khách quan, đầy đủ không. Bởi nếu ngay từ đầu các đơn vị làm không nghiêm túc, làm chặt đối tượng này, bỏ qua đối tượng khác thì không thể kêu gọi tính tự giác được.

Khi xác định chủ trương là đúng thì cơ quan chức năng làm phải quyết tâm, phải đưa vào lộ trình.

[Bài 3: “Túm tóc” chủ shop online: Phải giải bài toán bảo mật thông tin]

Bài 5: Quản thuế kinh doanh online: Làm công bằng, người dân mới theo ảnh 2Phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa 14, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Cán bộ đi đêm, phải phạt nặng gấp 10

- Vậy theo ông, muốn thu thuế của những cá nhân kinh doanh trên Facebook, cơ quan chức năng làm những gì?

Ông Hoàng Văn Cường: Theo tôi, muốn làm tốt cần tạo sự đồng thuận cả về phía người nộp thuế và những người liên quan tới hoạt động thu thuế. Tôi nghĩ, đừng đặt mục tiêu thu thuế chỉ nhằm tăng nguồn thu. Nếu đặt thế thì có thể dẫn tới việc mọi người trốn tránh, tìm cách lợi dụng và ngược lại sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu.

Thu thuế nhưng phải hiểu được mục tiêu quan trọng nữa là tạo môi trường kinh doanh thực sự lành mạnh và minh bạch cho người kinh doanh.

Ví dụ, nếu người kinh doanh nộp thuế đầy đủ, Nhà nước có thể đứng ra bảo hộ đây là địa chỉ kinh doanh uy tín thì đương nhiên người kinh doanh này sẽ có uy tín hơn, khách tới nhiều hơn. Điều này tức là bên cạnh thu thuế thì cơ quan chức năng phải đảm bảo cho họ khả năng cạnh tranh tốt. Được như vậy, người ta sẽ sẵn sàng nộp thuế.

- Vậy còn vấn đề khiến cơ quan chức năng đau đầu hiện tại với kinh doanh online là thanh toán bằng tiền mặt qua đội ngũ vận chuyển hàng. Điều này có thể giải quyết thế nào, thưa ông?

Ông Hoàng Văn Cường: Theo tôi, nếu một cửa hàng kinh doanh và nộp thuế đầy đủ, không trốn tránh, có địa chỉ, tên tuổi rõ ràng thì Nhà nước sẽ kiểm soát được nếu có tranh chấp.

Ví dụ nếu khách hàng mua hàng tại các cửa hàng đã được Nhà nước bảo đảm uy tín, đã nộp thuế mà phát hiện hàng không đúng như quảng cáo, hàng “rởm” thì có quyền thông tin và kiện. Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi của khách hàng trong những trường hợp này bởi khách hàng đã mua ở cửa hàng có chứng nhận của Nhà nước.

Đặc biệt, nếu khách hàng trả tiền qua tài khoản thì nếu kiện cáo, người dùng có thể cung cấp bằng chứng cho cơ quan chức năng để được bảo hộ. Lúc đó, người ta tội gì mà dùng tiền mặt. Người ta sẽ trả qua tài khoản để có chứng cứ mua hàng.

Có ý kiến là, người bán có thể giảm giá cho người trả bằng tiền mặt, ví dụ giá 100 đồng nhưng trả tiền mặt nên được chiết khấu chỉ còn 95 đồng, nhiều người tham 5 đồng sẽ trả tiền mặt. Tuy vậy, trả tiền mặt xong thì người dùng sẽ không có chứng cứ để khiếu kiện về chất lượng hàng hóa nếu xảy ra vấn đề sau đó.

Theo tôi, ngay lúc này, một số người vì lợi ích nhỏ nên không thực hiện trả tiền qua tài khoản nhưng về lâu dài, người ta sẽ chấp nhận hình thức thanh toán qua ngân hàng.

- Ông có nhắc tới việc đảm bảo công bằng và tạo sự đồng thuận từ người bán, người mua. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại rằng, cán bộ thuế và người kinh doanh có thể “đi đêm” để không phải nộp thuế. Điều này sẽ dẫn tới việc thiếu niềm tin từ những người làm ăn chân chính. Ông có lo về viễn cảnh này không?

Ông Hoàng Văn Cường: Nếu người kinh doanh chỉ một lần bị phát hiện có vi phạm thì phải bị xử phạt nặng. Cán bộ, quan chức cũng thế, nếu chỉ một lần bị phát hiện có sự thông đồng, bỏ qua vi phạm thì thậm chí phải xử lý nặng hơn. Nếu ta làm nghiêm chuyện đó, thực hiện một cách công bằng thì người dân mới theo.

Tôi cho rằng, xử lý nghiêm với người kinh doanh “một” thì với người có chức trách, nhiệm vụ phải gấp mười lần. Thậm chí, cán bộ sai phạm có thể bị cho thôi việc với chỉ một lần vi phạm. Có như thế thì mới không sợ thông đồng hay việc tính thuế không chính xác giữa các đối tượng./.

- Xin cảm ơn ông!

Đại biểu quốc hội Hoàng Văn Cường nói về thu thuế kinh doanh trên Facebook.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục