Bàn cách phát triển nghề nuôi chim yến ở Việt Nam

Khảo sát cho thấy, cả nước hiện có gần 220 hang yến tự nhiên, với sản lượng yến sào đảo yến thiên nhiên khoảng 5.000 kg mỗi năm.
Ngày 5/6, tại thành phố Nha Trang, Công ty Yến sào Khánh Hòa đã tổ chức Hội thảo khoa học "Phát triển nghề nuôi chim yến tại Việt Nam," với sự tham gia của hơn 100 nhà khoa học, các nhà quản lý trên các lĩnh vực tài nguyên, môi trường, nông nghiệp của Trung ương và các địa phương.

Khảo sát cho thấy, cả nước hiện có gần 220 hang yến tự nhiên, phân bổ tại Khánh Hòa 154 hang, Bình Định 16 hang, Phú Yên 12 hang, Quảng Nam 7 hang... Sản lượng yến sào từ đảo yến thiên nhiên của cả nước khoảng 5.000 kg/năm; trong đó nhiều nhất ở Khánh Hòa với hơn 3.230kg.

Từ năm 2004, nhiều địa phương thuộc khu vực miền Trung và Nam Bộ bắt đầu phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà. Đến nay, cả nước có khoảng 2.000 ngôi nhà nuôi chim yến, cho sản lượng khoảng hơn 1.320 kg/năm.

Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các tham luận, đề tài có giá trị nghiên cứu, gợi mở nhiều vấn đề trong lĩnh vực nuôi chim yến vốn còn đang mới mẻ hiện nay như "Điều tra, nghiên cứu về nguồn lợi, nghề khai thác và nghề nuôi chim yến hàng ở Việt Nam," "Kỹ thuật xây dựng nhà yến," "Tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm trên đàn chim yến nuôi trong nhà"...

Theo các nhà khoa học, Việt Nam có tiềm năng rất lớn và thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi chim yến do có bờ biển dài, nhiều đảo, dãy núi nhô ra biển, đầm phá. Chất lượng sản phẩm yến sào của Việt Nam được đánh giá cao hơn các nước trong khu vực, nhờ vậy các sản phẩm yến sào của Việt Nam đã tìm được nhiều thị trường xuất khẩu ổn định. Các đơn vị nuôi yến và sản xuất các sản phẩm yến sào đã có kinh nghiệm và bí quyết kỹ thuật trong khai thác, sản xuất.

Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến trong nhà lại đang phát triển tự phát, chưa có định hướng, quy hoạch rõ nét ở nhiều địa phương, do đó có nguy cơ gây rủi ro cho người nuôi và ảnh hưởng đến phát triển của nhiều lĩnh vực khác. Ngoài ra, điều kiện tự nhiên ngày càng khắc nghiệt, nạn phá rừng cũng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái của chim yến...

Theo ông Trần Sơn Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam cần nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật vào quá trình nuôi, khai thác, sản xuất và tạo thêm môi trường thuận lợi cho chim yến phát triển trong tự nhiên và chim yến được nuôi theo hướng bền vững./.

Nguyên Lý (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục