Bản đồ đầu tiên về các sao chổi quay quanh một ngôi sao

Lần đầu tiên, các nhà thiên văn học đã vẽ được bản đồ hàng trăm sao chổi quay xung quanh một ngôi sao cách Trái Đất 63 năm ánh sáng.
Bản đồ đầu tiên về các sao chổi quay quanh một ngôi sao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: zmescience.com)

Lần đầu tiên, các nhà thiên văn học đã vẽ được bản đồ hàng trăm sao chổi quay xung quanh một ngôi sao cách Trái Đất 63 năm ánh sáng.

Đây là kết quả nghiên cứu thiên văn học mới được công bố trên tạp chí Nature (Anh).

Nhóm các nhà thiên văn học do Pháp đứng đầu đã nghiên cứu gần 1.000 kết quả hình ảnh thu được khi quan sát ngôi sao trẻ Beta Pictoris trong vòng 8 năm nhờ sự trợ giúp của kính viễn vọng có độ chính xác cao HARPS đặt tại đài quan sát La Silla nằm trên sa mạc Attacama, miền Bắc Chile.

Qua đó, các nhà khoa học đã nhận diện được tổng cộng 493 sao chổi quanh ngôi sao này, số lượng nhiều nhất thu thập được trong một cuộc thăm dò ngoài Hệ Mặt Trời.

Trước đó, các nhà thiên văn học từng phát hiện các ngôi sao khác cũng có sao chổi quay quanh, song rất khó để vẽ bản đồ chi tiết.

Beta Pictoris được xem là một ngôi sao trẻ (khoảng 20 triệu năm tuổi), bao quanh nó là lớp bụi và khí khổng lồ, vốn là "nguyên liệu" để hình thành các hành tinh, tiểu hành tinh và sao chổi.

Giới khoa học tin rằng các sao chổi là vật thể sót lại từ xa xưa sau quá trình hình thành Hệ Mặt Trời khoảng 4,6 tỷ năm trước, vì vậy việc quan sát các sao chổi quay quanh ngôi sao Beta Pictoris có thể giúp tìm ra cơ chế hình thành Hệ Mặt Trời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục