Bàn giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường

Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động karaoke, vũ trường đang tiềm ẩn nhiều mặt trái, dễ bị biến tướng, gây mất ổn định an ninh trật tự, để lại nhiều hệ lụy.
Bàn giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường ảnh 1Hiện trường vụ cháy quán karaoke Sao Xanh cao 5 tầng trên đường Hồ Tùng Mậu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. (Ảnh: Quang Khởi/TTXVN)

Ngày 29/1, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiến hành tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện các văn bản quản lý Nhà nước về karaoke, vũ trường khu vực phía Bắc và đưa ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế xã hội, nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng cao, hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa nơi công cộng có bước phát triển mới.

Hoạt động karaoke, vũ trường du nhập, phát triển mạnh ở Việt Nam từ sau những năm đổi mới, lúc đầu ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng... sau đó tiếp tục lan đến các tỉnh, thành phố khác, chủ yếu tập trung ở các đô thị, thành phố, thị trấn trên cả nước.

Hoạt động giải trí này góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt hấp dẫn giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, hoạt động karaoke, vũ trường cũng tiềm ẩn các mặt trái, dễ bị biến tướng, tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm dễ xâm nhập, gây mất ổn định an ninh trật tự, để lại nhiều hệ lụy...

Hội nghị tổng kết này là cơ hội để đánh giá kết quả triển khai các văn bản quản lý Nhà nước về hoạt động karaoke, vũ trường, khẳng định các kết quả đã đạt được; đồng thời đưa ra các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh loại hình này hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới...

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Bảo cho biết: Cả nước có gần 17.400 cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường; trong đó riêng vũ trường gần 80 cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra được thường xuyên tiến hành tại các tỉnh, thành phố, đặc biệt là các đô thị lớn.

Qua đó, các đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý các biểu hiện tiêu cực, sai phạm trong công tác quản lý hoạt động karaoke, vũ trường trên địa bàn. Tính đến tháng 6/2014, các địa phương đã tổ chức, kiểm tra gần 5.210 lượt, phát hiện hơn 4.630 cơ sở vi phạm, thu hồi giấy phép gần 80 cơ sở kinh doanh karaoke, phát hiện 160 trường hợp kinh doanh không giấy phép; tổng số tiền xử phạt vi phạm lên đến hơn 6,26 tỷ đồng...

Tại hội nghị, các đại biểu đều thống nhất cho rằng: Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng đã được phổ biến đến các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, góp phần nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa nói chung, karaoke, vũ trường nói riêng. Từ đó, các chủ cơ sở duy trì các quy định này để hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường đi vào nền nếp, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm có thể xảy ra.

Trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, đại đa số các cơ sở dịch vụ kinh doanh karaoke, vũ trường đã có ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, có tinh thần trách nhiệm, phối hợp với cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương...

Tuy có những bước chuyển biến tích cực song hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường vẫn còn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp. Một số tổ chức, cá nhân kinh doanh vũ trường, karaoke không có giấy phép kinh doanh, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ.

Một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn cho khách nên thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn, cháy nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại tài sản và nhiều người thiệt mạng.

Bên cạnh đó, một số cơ sở lợi dụng sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý của chính quyền địa phương để hoạt động quá giờ, âm thanh vượt quá quy định, kinh doanh không lành mạnh, biến tướng, trá hình, trục lợi, gây mất an ninh, trật tự. Đã có chủ cơ sở chạy theo lợi nhuận, ít quan tâm đến cộng đồng, cố tình hoạt động biến tướng từ quán bar sang kinh doanh vũ trường, tàng trữ vũ khí, ma túy, rượu lậu, môi giới mại dâm.

Vẫn còn các cơ sở hoạt động lén lút không giấy phép, sử dụng băng đĩa hình chưa được kiểm định, có nội dung xấu, kích động bạo lực, khiêu dâm, ảnh hưởng đến đạo đức, lối sống của giới trẻ...

Cục Văn hóa cơ sở cũng nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc cần được xem xét, giải quyết trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động karaoke, vũ trường.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 103/2009/NĐ-CP ngày 6/11/2009 của Chính phủ ban hành quy chế hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 158/2003/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Chính phủ cần xem xét quy định cụ thể để cấp đổi, gia hạn về việc cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường (2 năm), không nên cấp vĩnh viễn như hiện nay. Việc không gia hạn gây khó khăn cho công tác quản lý của địa phương.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục