Bàn giải pháp tăng hiệu quả xuất khẩu gạo VN

Ngày 29/11, tại thị xã Vị Thanh, hơn 100 doanh nghiệp, diễn giả đã cùng họp bàn các giải pháp tăng hiệu quả xuất khẩu gạo Việt Nam.
Ngày 29/11, tại thị xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, Bộ Công thương phối hợp với Hiệp Hội Lương thực Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thảo “Lúa gạo Việt Nam- Xuất khẩu và hội nhập” trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ I.

Tại hội thảo, hơn 100 doanh nghiệp xuất, nhập khẩu gạo trong và ngoài nước, các diễn giả trong nước và quốc tế đã phân tích sâu về tình hình xuất khẩu gạo trong nước và thế giới, những yếu kém trong xuất khẩu gạo của Việt Nam thời gian qua.

Đặc biệt, các diễn giả nước ngoài cũng có tham luận phân tích về tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam. Ông Richard Moore, chuyên gia thương hiệu thế giới cho rằng: “Cần xây dựng bản sắc chiến lược sáng tạo thương hiệu gạo Việt, trong đó phải đầu tư lớn từ thiết kế, bao bì, bán hàng, phân phối… thương hiệu không đơn thuần chỉ là gắn logo lên sản phẩm mà còn đòi hỏi tạo cảm giác trân trọng đối với khách hàng, cách thức thể hiện phải nhất quán…”.

Ông Phan Văn Chinh, Vụ trưởng Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng: “Thời gian gần đây, Bộ Công thương đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương và Hiệp Hội Lương thực trong công tác chỉ đạo sản xuất, điều hành và điều phối hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, xuất khẩu gạo của Việt Nam từ đầu năm 2009 tới nay đạt kết quả tốt, số lượng xuất khẩu tăng mạnh so với cùng kỳ, lúa hàng hóa đã được tiêu thụ hết với giá tốt, tạo đà cho sản xuất và xuất khẩu năm tới”.

Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu nhằm giúp cho các cơ quan chức năng điều chỉnh và có chiến lược đúng đắn để đưa hạt gạo Việt Nam ngày càng vươn xa hơn trên thị trường thế giới.

Theo Hiệp Hội Lương thực Việt Nam, sau 21 năm (từ năm 1989 đến nay) Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng trên 69,8 triệu tấn gạo, trị giá hơn 18,5 tỷ USD và chiếm được thị phần ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lúa gạo như châu Á, châu Phi, châu Mỹ, Trung Đông và Châu Âu, trở thành nước có sản lượng xuất khẩu gạo lớn thứ 2 trên thế giới.

Đặc biệt, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, năm 2009 lại là năm xuất khẩu gạo đạt cao nhất từ trước đến nay với sản lượng dự kiến 6-6,2 triệu tấn. Dự báo, năm 2010 là năm đầy biến động và thử thách với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.

Theo nhận xét của hiệp hội, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam đã từng bước ổn định, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã từng bước trưởng thành, tuy nhiên họat động xuất khẩu vẫn còn những yếu kém, bất cập cần được khắc phục trong thời gian tới.

Theo hiệp hội, để khắc phục những nhược điểm, các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải liên kết chặc chẽ giữa sản xuất và kinh doanh; nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm; duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu; nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh trên cơ sở đảm bảo giá bán phù hợp với thị trường, không để bị ép giá và không cạnh tranh phá giá …/.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục