Ban hành chính sách hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Ban hành chính sách hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ảnh 1Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 24/9, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chủ trì phiên họp bất thường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Tham dự Phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; lãnh đạo Bộ Tài chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam... cùng tham dự.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội, thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đặc thù, đặc biệt khác với quy định của luật hiện hành, tập trung vào các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch COVID-19.

Ngay tại Phiên họp thứ ba vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19; thông qua Nghị quyết cho phép bổ sung 14.620 tỷ đồng từ nguồn cắt giảm chi ngân sách nhà nước năm 2021 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, nhất là trong đợt bùng phát lần thứ tư đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, làm đứt gãy chuỗi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng nặng nề đến nhiều người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã. Do đó, cần phải tiếp tục có các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.

Do đó, ngay sau khi kết thúc Phiên họp thứ ba, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện cho người lao động và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, để xem xét, thảo luận về các đề xuất của Chính phủ về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Sau đó, Đảng đoàn Quốc hội đã có báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị về vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị đồng ý về nguyên tắc, với tinh thần luôn luôn đồng hành, chia sẻ với Chính phủ, cùng với những nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng để hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất và hiệu quả nhất đối với doanh nghiệp, người lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp bất thường để xem xét ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể, Chính phủ đề nghị sử dụng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ trực tiếp cho người lao động một lần bằng tiền; người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với quy mô khoảng 8.000 tỷ đồng.

[Hà Nội: Nhiều lao động nghỉ việc do dịch bệnh vẫn tham gia BHXH]

Cả hai chính sách này đều chưa được quy định trong Luật Việc làm năm 2013, do đó, việc điều chỉnh chính sách này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Tuy nhiên, thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đại diện cộng đồng doanh nghiệp, người lao động đều thống nhất cần thiết ban hành hai chính sách này.

“Đây là chính sách rất nhân văn và rất cấp thiết trong tình hình hiện nay để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động; Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định theo đúng thẩm quyền được Quốc hội ủy quyền tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; hồ sơ, thủ tục đầy đủ, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật," Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu.

Khẳng định đây là giải pháp mang tính tình thế, trong tình huống cấp bách, chưa có tiền lệ và rất nhân văn, thể hiện bản chất tốt đẹp của Nhà nước Việt Nam, các đại biểu nhất trí việc Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết cho phép thực hiện hai chính sách này là phù hợp với thẩm quyền đã được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 30/2021/QH15.

Sau khi thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tỷ lệ tán thành 100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc sử dụng một phần kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 để hỗ trợ cho người lao động đang tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp (30.000 tỷ đồng). Thời gian hoàn thành việc hỗ trợ cho người lao động chậm nhất đến hết ngày 31/12/2021.

Người sử dụng lao động được giảm mức đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp từ mức 1% xuống bằng 0% quỹ lương hàng tháng của doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.

Thời gian hoàn thành việc thực hiện giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động chậm nhất đến hết ngày 30/9/2022.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng giao Chính phủ cần đánh giá đầy đủ tình hình, triển khai xây dựng hồ sơ đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, trong đó có quy định về bảo hiểm thất nghiệp trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Kết luận phiên họp, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu, đề xuất chính sách quan trọng này.

Ban hành chính sách hỗ trợ lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp ảnh 2Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý chủ trương ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc tính toán, xác định tổng mức hỗ trợ, mức hưởng, đối tượng hưởng, thời gian hưởng đã được Chính phủ tính toán chặt chẽ, bảo đảm tính an toàn, hoạt động lâu dài của Quỹ, đặt trong tổng thể cân đối chung nguồn lực, các nguồn hỗ trợ khác và bảo đảm cao nhất nguyên tắc đóng-hưởng, chia sẻ, công bằng đối với người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Hai chính sách này cũng bảo đảm không bị trùng lặp về đối tượng hưởng với các chính sách hỗ trợ đang được thực hiện, bảo đảm đúng chủ trương của Bộ Chính trị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính sách kịp thời, đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch và hiệu quả. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước giám sát, kiểm toán việc thực hiện Nghị quyết.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia tuyên truyền, phối hợp thực hiện và giám sát việc thực hiện các chính sách này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ báo cáo Quốc hội chính sách này tại Kỳ họp thứ hai tới.

Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ cảm ơn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhanh chóng vào cuộc kịp thời, xem xét thông qua các nội dung hỗ trợ, là cơ sở để Chính phủ triển khai ngay khi ban hành.

Cuối giờ chiều cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-UBTVQH15 để ban hành chính sách này, làm căn cứ để Chính phủ tổ chức thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục