Bản lĩnh của người đàn ông Việt không tới từ mảnh sừng tê giác

Thành công và nam tính của người đàn ông bắt nguồn từ nội lực, bản lĩnh của mỗi cá nhân chứ không tới từ một mảnh sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh.
Bản lĩnh của người đàn ông Việt không tới từ mảnh sừng tê giác ảnh 1Chung tay cứu loài tê giác khỏi bờ vực tuyệt chủng. (Ảnh: ENV cung cấp)

Thành công và nam tính của người đàn ông bắt nguồn từ nội lực, bản lĩnh của mỗi cá nhân chứ không tới từ một mảnh sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh đang được bọn tội phạm buôn bán trái phép xuyên biên giới.

Đó là một trong những nội dung quan trong của chiến dịch truyền thông đột phá với chủ đề “Sức mạnh của ý chí” vừa được Cơ quan quản lý CITES Việt Nam và Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động vật hoang dã phát động chiều nay (22/9) tại Hà Nội.

Chiến dịch sức mạnh của ý chí là một cách tiếp cận mới, nhằm giải quyết thực trạng mua bán và sử dụng trái phép sừng tê giác bất hợp pháp, cũng như để củng cố vai trò dẫn đầu của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo Công ước về buôn bán quốc tế các loài động-thực vật hoang dã, nguy cấp.

Đối tượng của chiến dịch tập trung vào phái mạnh - những người đàn ông thành thị (nơi thị trường mua-bán diễn ra nhộn nhịp và đa dạng các mặt hàng) trong độ tuổi từ 35 đến 50 tại hai thành phố lớn nhất cả nước là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo tiến sĩ Naomi Doak, Trưởng đại diện Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam, nạn giết hại và buôn bán sừng tê giác xuyên quốc gia hiện nay đã trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hệ sinh thái trong tự nhiên và an ninh của nhiều khu vực.

“Sự suy giảm của các quần thể tê giác trên toàn cầu, nhất là tại Nam Phi hiện đang diễn biến rất phức tạp. Và, nó chỉ làm đầy túi tiền cho bọn tội phạm - những đối tượng khiến các loài động vật hoang dã, nguy cấp đứng trước bờ vực tuyệt chủng,” tiến sĩ Naomi Doak chia sẻ.

Tiến sĩ Naomi Doak cũng cho biết, kết quả từ một số cuộc thảo luận nhóm độc lập chỉ ra rằng thông điệp được thiết kế cho chiến dịch sức mạnh của ý chí sẽ gây ra tiếng vang lớn đối với những người đàn ông - những người tin vào lời đồn thất thiệt rằng “sử dụng sừng tê giác có thể giúp tăng cường sinh lực, hay thể hiện đẳng cấp.”

Có mặt tại buổi lễ phát động, bà Kgomotso Ruth Magau, Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam (quốc gia có số lượng lớn cá thể tế giác bị giết hại trái phép), cho biết việc săn bắn và giết hại loài tê giác bất hợp pháp đã diễn ra nghiêm trọng tại quốc gia này từ nhiều năm qua.

Cho đến nay, nạn săn bắn trộm tê giác tại Nam Phi đang ngày trở nên trầm trọng hơn, từ việc chỉ có 13 cá thể tê giác bị giết trộm (năm 2007) đã lên tới hơn 1.000 cá thể (trong năm 2013). Trong 8 tháng đầu năm 2014, số lượng tê giác ở quốc gia này tiếp tục bị giết hại thêm gần 700 cá thể.

Chính vì thế, tại buổi phát động chiến dịch, Đại sứ quán Nam Phi tại Việt Nam đã kêu gọi Chính phủ và cộng đồng người dân Việt Nam cùng phối hợp với Chính phủ Nam Phi lên án, chống lại các hành vi săn trộm và buôn bán sừng tê giác, để cứu loài vật quý hiếm này tránh khỏi bờ vực tuyệt chủng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục