Bán nhà vào dưỡng lão

Bán nhà, rủ nhau vào trung tâm dưỡng lão

Nhiều người cao tuổi tình nguyện xa rời mái ấm gia đình, vào dưỡng lão để sống trong một tập thể người cùng tuổi, kéo dài tuổi thọ...
Năm 2002, ông Trần Minh Trung bàn với vợ, bán nhà, gửi tiền tiết kiệm rồi vào Trung tâm chăm sóc sức khỏe cao tuổi Từ Liêm (Hà Nội) để an hưởng tuổi già.

Giống ông Trung, nhiều người cao tuổi tình nguyện xa rời mái ấm gia đình, vào dưỡng lão với hy vọng được sống trong một tập thể người cùng tuổi, giúp kéo dài tuổi thọ.

Sống khỏe ở nhà dưỡng lão

Kể với phóng viên Vietnam+, ông Trung - nom còn minh mẫn và khỏe khoắn lắm so với cái tuổi 86 của mình bảo rằng, gia đình ông trước kia ở khu tập thể Trung Tự (Hà Nội). Thời trai trẻ, ông tham gia kháng chiến và phải chịu cảnh vào tù ra tội nhiều lần. Hòa bình lập lại, ông về công tác và sau này giữ chức vụ quan trọng tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Còn vợ ông là một nhà báo lão thành công tác tại báo Lao Động.

Về già, không có con cái, ông Trung bị căn bệnh huyết áp và vợ bị bệnh tiểu đường, ông bàn với bà, bán nhà lấy 400 triệu gửi tiết kiệm rồi vào Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Từ Liêm  để sống những ngày còn lại của cuộc đời.

Bảy năm sống ở trung tâm, ông Trung thuê cho mình một căn hộ 26m2 với đầy đủ tiện nghi như điều hòa, tủ lạnh. Cuộc sống cứ thế qua ngày, thi thoảng mấy đứa cháu họ lại vào thăm, an ủi tuổi già.

Không giống gia đình ông Trung không có con cái, bà Trần Thị Bảo năm nay đã 89 tuổi lại nặng tai, phải nói to mới nghe được. Bà sinh được 6 con gái và ở cùng anh con rể cả nguyên là giám đốc một bệnh viện quân đội, nhà ở đường Láng, Hà Nội.

Các con cháu ai cũng thương yêu, kính trọng mẹ nhưng khi họ đi học, đi làm, bà Bảo đối diện với nỗi ám ảnh bị kẻ gian đột nhập. Hơn nữa, bà đã già yếu, lại căn bệnh viêm phế quản, khó thở hành hạ nên suốt ngày phải vào bệnh viện.

Bàn đi tính lại cũng nhiều, cuối cùng bà đồng ý để con cháu đưa vào Trung tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi Từ Liêm. Ở đây, bà và người bạn cùng phòng là bà Nguyễn Minh Phụng (85 tuổi) rất hợp nhau nên cuộc sống của đôi bạn già thêm phần ấm cúng.

Bà Bảo nói, hằng ngày, các cụ đều được chăm sóc bằng những chế độ ăn, tập thể dục, xoa bóp bấm huyệt đều đặn nên sức khỏe đã khá lên trông thấy. Bà kể, lúc ở nhà có 40kg, nhưng khi vào đây 1 tháng đã tăng lên 2kg, căn bệnh của bà đã thuyên giảm và chỉ dùng đến thuốc mỗi khi trái nắng, trở trời.

Gửi nốt phần đời…

Chi phí cho nhà dưỡng lão cũng khá co dãn, thấp nhất có giá  từ 3 triệu đồng/tháng, cao cấp có trung tâm chi phí lên tới 9 triệu đồng/tháng. Tùy theo mức độ nhu cầu, cũng như khả năng tài chính mà các cụ lựa chọn cho mình trung tâm nào hợp lý.

Bà Phụng tâm sự rằng, ở đây sướng lắm. Các chế độ ăn uống, ngủ nghỉ đều rất khoa học. Đêm đêm, các phòng đều được nhắc phải đi ngủ đúng giờ, tắm táp, giặt giũ có người giúp đỡ. Trên đầu giường của các cụ luôn có một cái chuông nên khi bị “gió máy”, các cụ chỉ cần ấn vào đó là lập tức có y tá đến...

Về chế  độ ăn uống, nhà ăn cũng nấu 3 loại cơm: Nhão, khô và bình thường để phù hợp với từng cụ. Có cụ không thích ăn món này thì được thay bằng món khác, bảo đảm một ngày 2 bữa chính và 2 bữa phụ.

Cuộc sống ở nhà thì thui thủi một mình, chỉ tối đến mới đoàn tụ gia đình còn ở đây các cụ được tự do giao lưu, kết bạn với những người cùng lứa tuổi. Có nhiều người làm ra câu hát, lời thơ khiến cuộc sống của người già  thêm phần vui vẻ.

Ở trung tâm này, người ta còn có cả câu lạc bộ người cao tuổi. Do được tín nhiệm, ông Trần Minh Trung được bầu làm chủ tịch. Ông cũng chính là người hướng dẫn các cụ tập thể dục định kỳ vào 6 giờ 10 phút sáng mỗi ngày.

Ngoài ra, các cụ cũng được sinh hoạt văn hóa định kỳ 1 tháng 2 lần. Tại buổi sinh hoạt, các cụ nói với nhau về bí quyết sống lâu, các vấn đề thời sự hay biểu diễn văn nghệ… Đặc biệt vào những ngày lễ, ngày Tết thì việc tập tành văn nghệ xem chừng “xôm” lắm. bà Phụng còn hát cho chúng tôi nghe cả bài “Tình ca Tây Bắc” với cái giọng khàn khàn…

Một  “món ăn” tinh thần nữa của các cụ già  nơi đây là hằng tháng đều có buổi tổ chức sinh nhật cho những người có ngày sinh trong tháng ấy. Món quà, có khi chỉ là hộp bánh, bánh xà phòng, chiếc khăn mặt… nhưng cũng làm gắn kết tình thân ái.

Vui vẻ  là vậy, song ông Trung cũng thừa nhận vẫn có những “xích mích” nho nhỏ giữa các cụ. Có thể, đó chỉ là một cụ thích xem tivi, một cụ  thích yên tĩnh… Tuy nhiên, các cán bộ của trung tâm khi biết chuyện lại tìm cách bố trí ghép phòng khác, để các cụ hợp với nhau ở chung…

Tìm hiểu qua một số cụ còn tỉnh táo, phóng viên Vietnam+ thấy, các cụ đa phần không muốn về nhà  mà muốn sống nốt cuộc đời còn lại với những người bạn già. Ông Trung cũng thế, vợ ông đã qua đời năm 2008. Sau khi chôn cất bà mồ yên mả đẹp, ông Trung lại trở lại “ngôi nhà” ở trung tâm, lập bàn thờ vợ và tiếp tục cuộc sống hằng ngày.

Những người ở đây lâu năm như ông Trung, bà Phụng, bà  Bảo đều chứng kiến nhiều bạn già ra đi mãi mãi. Và, họ cũng biết ngày mình sẽ phải rời khỏi cõi đời không còn xa nhưng bảo, còn ngày nào thì vui vẻ ngày ấy.

Chúng tôi nhắc đến hai chữ “về nhà”, các cụ  đều cười tươi: con cái đến thăm hàng tuần, hàng tháng nên chả cần về. Vào những ngày giỗ chạp, Tết nhất thì các con mang ôtô đến đón về nhà. Nhưng, xong việc, các cụ lại đòi vào trung tâm ở cho có chúng có bạn để “vừa đỡ phiền con cháu, vừa sống khỏe, sống vui”./.

Thúy Mơ - Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục