Băng Nam Cực tan nhanh

Cảnh báo tình trạng băng tan nhanh ở Nam Cực

Chỏm băng ở phần phía Đông của Nam Cực, từng ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng Trái Đất ấm lên, đã bị mất hàng tỉ tấn kể từ năm 2006.
Chỏm băng ở phần phía Đông của Nam Cực, từng ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng ấm lên của khí hậu Trái Đất, đã bị mất hàng tỉ tấn kể từ năm 2006.

Đây là kết quả công trình nghiên cứu do nhiều nhà khoa học trường Đại học Texas (Mỹ) tiến hành được công bố trên tạp chí khoa học "Nature Geoscience" của Anh ra ngày 22/11.

Theo nghiên cứu này, chỏm phía Tây Nam Cực mặc dù tan với tốc độ nhỏ hơn so với phía Đông, nhưng khối lượng băng tan ở khu vực này cũng tăng nhanh trong những năm gần đây.

Các nhà khoa học lo ngại tình trạng băng tan ngày một tăng ở Nam Cực, đặc biệt phần phía Tây, do ảnh hưởng của tình trạng nhiệt độ Trái Đất tăng dần lên, có thể làm mực nước biển trên toàn cầu dâng thêm tới 5m trong tương lai.

Năm 2007, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) dự đoán mực nước biển có thể dâng cao từ 18-59cm vào năm 2100, nhưng dự đoán này khi đó còn chưa tính đến khả năng đại dương bị ảnh hưởng bởi sự tan băng ở Greenland và Nam Cực.

Hiện nay, nhiều người trong số các nhà khoa học từng đưa ra dự đoán nói trên, cũng cho rằng dù lượng khí thải CO2, nguyên nhân làm cho Trái Đất nóng lên, có được giảm bớt thì mực nước các đại dương vẫn có nhiều khả năng dâng cao thêm tới 1m.

Họ cho rằng chỉ với mức tăng này cũng sẽ có nhiều quốc đảo nhỏ bị chìm dưới nước, hàng triệu ngôi nhà ở những vùng châu thổ màu mỡ bị phá huỷ.

Công trình nghiên cứu nói trên, được công bố nhân Hội nghị cấp cao thế giới về khí hậu sắp diễn ra tại Copenhagen, Đan Mạch, được coi là một "cảnh báo" để hội nghị có thể đưa ra những biện pháp cụ thể và thiết thực nhằm bảo vệ môi trường, giảm những ảnh hưởng không có lợi của sự thay đổi của môi trường tự nhiên đối với khí hậu Trái Đất và đời sống con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục