Báo cáo của Quốc hội và Chính phủ tạo tiền đề cho nhiệm kỳ mới

Nhiều đại biểu đánh giá cao sự thẳng thắn, trách nhiệm trong các báo cáo của Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ, tạo tiền đề cho nhiệm kỳ mới.
Báo cáo của Quốc hội và Chính phủ tạo tiền đề cho nhiệm kỳ mới ảnh 1Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, sáng 22/3, Quốc hội đã nghe Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bên lề Kỳ họp, nhiều đại biểu Quốc hội thể hiện sự đồng tình, đánh giá cao các báo cáo đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan để kiểm điểm trước Quốc hội, trước nhân dân, qua đó, chỉ ra những mặt đã đạt được, những hạn chế, yếu kém, xác định bài học kinh nghiệm, tạo tiền đề phát triển cho nhiệm kỳ mới.

Bước tiến mới trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật

Nhận định về nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu rõ: Quốc hội khóa XIII là nhiệm kỳ rất đặc biệt, thực hiện tốt ba chức năng quan trọng của Quốc hội trong việc quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước: lập hiến, lập pháp và giám sát. Cả ba mặt hoạt động đều có rất nhiều điểm mới mà Quốc hội khóa trước chưa làm được.

Điển hình như trong hoạt động giám sát, tại nhiệm kỳ khóa XIII, lần đầu tiên Quốc hội đã thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn. Việc này đã đạt được hiệu quả rất cao, tạo sự chuyển biến trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các cơ quan, cá nhân được Quốc hội bầu, phê chuẩn. Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện khá quyết liệt, toàn diện trong cả một nhiệm kỳ.

Về công tác xây dựng pháp luật, Quốc hội nhiệm kỳ XIII đã thực hiện một trách nhiệm nặng nề, thông qua 107 đạo luật, trong đó, có Hiến pháp năm 2013 và nhiều đạo luật quan trọng khác. Có thể nói, Quốc hội đã rất khẩn trương, tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, kịp thời triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 trong thực tế cuộc sống.

Đồng tình với nhận định trên, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhấn mạnh điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ khóa XIII là việc thông qua Hiến pháp năm 2013, tạo ra bước ngoặt, tạo ra một sự hội nhập với các giá trị của thế giới. Yếu tố nổi trội nhất của Hiến pháp năm 2013 là quan tâm đến quyền con người, quyền công dân - điều này đã thể hiện rất rõ trách nhiệm của Quốc hội trong việc lập pháp.

Thông qua việc thực thi Hiến pháp đã huy động được sự tham gia của tất cả mọi người dân. Điều này thể hiện xu thế hài hòa giữa hội nhập với thế giới, từng bước hội nhập với giá trị, góp phần tác động vào sự chuyển biến tích cực về mặt thể chế, chính trị.

Theo đại biểu Dương Trung Quốc, công tác giám sát của Quốc hội ngày càng được thực thi tốt hơn trên cơ sở Quốc hội và các cơ quan dân cử phát huy được quyền của mình, thay mặt người dân làm công tác giám sát. Điều này đã cho thấy những bước chuyển biến tích cực, giúp người dân dần tin tưởng vào công tác giám sát, từ đó tạo tiền đề điều chỉnh hoạt động của Chính phủ.


Góp phần nâng cao vị thế đất nước

Đánh giá cao báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chủ tịch nước, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) nêu quan điểm báo cáo của Chủ tịch nước đã nhận thấy đầy đủ và rõ ràng vai trò của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trong việc thực hiện trách nhiệm được giao trong công tác đối nội, đối ngoại.

Nhiệm kỳ vừa qua, công tác đối ngoại đã được mở rộng, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam lên rất nhiều. Điều này thể hiện rất rõ trách nhiệm của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trong thực hiện nhiệm vụ được nhân dân giao.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng nhiệm kỳ qua thể hiện rõ dấu ấn của người đứng đầu đất nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách của mình trong suốt nhiệm kỳ. Có thể nói nói hình ảnh của Chủ tịch nước được thể hiện nổi bật, rõ nét trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tạo tiền đề cho nhiệm kỳ mới

Thể hiện sự ấn tượng đối với báo cáo của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chỉ rõ: Bản báo cáo rất cô đọng, bao gồm 13 trang, kèm theo các phụ lục, nêu rõ các mặt đã đạt được, hạn chế, bất cập, xác định bài học kinh nghiệm.

Có thể nói, trong thời gian qua, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tình hình kinh tế thế giới và khu vực đã ảnh hưởng nhiều đến Việt Nam. Chính phủ đã đề ra những giải pháp kịp thời, giúp cho sự phát triển kinh tế của đất nước những năm cuối nhiệm kỳ đạt yêu cầu đề ra, đặc biệt năm 2015, GDP của Việt Nam đã đạt và vượt ngưỡng yêu cầu của Quốc hội đề ra.

Chính phủ luôn kiên trì đi theo một lộ trình: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, trên cơ sở đó tận dụng các nguồn thu, chi cho con người, bảo đảm an sinh xã hội.

Đặc biệt, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua, trước tình hình Biển Đông rất phức tạp đã có những biện pháp rất kịp thời, xác định chủ quyền trên biển của Việt Nam bằng các biện pháp rất mềm dẻo, kiên quyết, được cử tri và nhân dân cả nước ủng hộ. Đồng thời, Chính phủ đã đề ra những giải pháp, ban hành các “gói” hỗ trợ về kinh tế cho ngư dân vươn khơi, bám biểm, đánh bắt thủy sản, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Trước những thành tựu lãnh đạo của Chính phủ nói chung và Thủ tướng nói riêng, Việt Nam đã đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giữ được quốc phòng-an ninh như báo cáo đã nêu. Báo cáo của Chính phủ đã rất thẳng thắn đưa ra 8 nhóm hạn chế; đề ra 5 bài học kinh nghiệm để đánh giá một cách thực chất vấn đề điều hành của Chính phủ trong nhiệm kỳ vừa qua.

Điều này sẽ giúp cho Chính phủ khóa mới nhìn nhận, phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những tồn tại, bài học của nhiệm kỳ trước, trên cơ sở đó đề ra các giải pháp tích cực hơn, thiết thực hơn để lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nền kinh tế của Việt Nam phát triển theo đúng yêu cầu: năm sau cao hơn năm trước, trên cơ sở đó, đảm bảo đời sống an ninh xã hội, có điều kiện giữ vững chủ quyền độc lập, an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội được tốt hơn - đại biểu Trần Ngọc Vinh nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục