Báo chí văn nghệ phát triển, đổi mới nhưng còn nhiều hạn chế

Báo chí văn nghệ ngày càng đổi mới và phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nhưng cũng vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế.
Báo chí văn nghệ phát triển, đổi mới nhưng còn nhiều hạn chế ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/Vietnam+)

Ngày 22/8, tại Nghệ An, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức hội nghị Báo chí văn nghệ toàn quốc năm 2014.

Lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật Trung ương, Tổng biên tập các cơ quan báo chí văn nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình trong cả nước đã tham dự hội nghị.

Là bộ phận quan trọng của báo chí cách mạng, báo chí văn nghệ (ở cả 4 loại hình báo chí) ngày càng đổi mới và phát triển, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; luôn bám sát định hướng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đồng thời góp phần tích cực trong việc đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái, thù địch, các tiêu cực xã hội, nhất là luận điệu trái với đường lối văn nghệ của Đảng, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân; phê bình, đấu tranh với các hiện tượng văn nghệ không lành mạnh.

Với ưu thế và trách nhiệm, báo chí văn nghệ cũng góp phần giữ gìn sự trong sáng và làm phong phú thêm tiếng Việt, tiếng các dân tộc thiểu số Việt Nam; thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, vừa công bố, giới thiệu các tác phẩm mới đến công chúng, vừa góp phần bồi dưỡng, đào tạo tài năng văn nghệ, nhất là văn nghệ sỹ trẻ; cũng là nơi chọn lọc, công bố các tác phẩm mới và phản ánh hiện thực xã hội, công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.

Các đại biểu thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế của báo chí văn nghệ. Nổi lên là một số cơ quan báo chí văn học, nghệ thuật, đặc biệt là các tạp chí chuyên ngành ở địa phương, mặc dù có đổi mới nhưng còn chậm và chưa bắt kịp xu thế, chưa đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Vẫn có số ít tờ báo có lúc sa đà vào các thông tin tiêu cực xã hội, phản ánh ý kiến bạn đọc khi chưa kiểm chứng thông tin, gây bức xúc cho đối tượng bị phản ánh. Cái đẹp, cái tốt của đời sống xã hội chưa là dòng chủ đạo trong các tác phẩm văn nghệ; tính định hướng thẩm mỹ, định hướng tư tưởng xã hội chưa được các ban biên tập chú ý đối với từng tác phẩm cũng như đối với từng tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hình.

Một số chương trình văn hóa, văn nghệ của Đài phát thanh và truyền hình có nội dung phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc. Chuyên mục Văn hóa-văn nghệ của nhiều báo điện tử còn thiếu tính định hướng trong việc hình thành nhân cách, thẩm mỹ, thói quen, lối sống của thế hệ trẻ, chủ yếu đi sâu vào đời tư của các diễn viên, ca sỹ, người nổi tiếng.

Mặt khác, việc phát quá nhiều các chương trình nước ngoài, kênh nước ngoài, khai thác chương trình trò chơi truyền hình nước ngoài, nhập khẩu phim nước ngoài để phát sóng đã góp phần cổ súy cho văn hóa ngoại lai, làm giảm hiệu quả thông tin, tuyên truyền, làm nhạt nhòa bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam.

Phát biểu và tham luận tại hội nghị, bên cạnh nhấn mạnh những ưu, nhược điểm, các đại biểu cũng đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí văn nghệ, tập trung vào việc tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý văn nghệ, nhất là đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Các đại biểu cho rằng cần coi trọng việc bồi dưỡng đường lối, quan điểm, các giá trị văn hóa-văn nghệ trong cán bộ, nhân dân; khơi dậy lòng tự hào, ý thức sáng tạo của đội ngũ làm văn hóa, văn học, nghệ thuật; đề cao trách nhiệm xã hội gắn với trách nhiệm của người nghệ sỹ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn học, nghệ thuật nước nhà.

Báo chí văn nghệ cần tôn trọng, phát huy dân chủ, tự do tư tưởng trong hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng; hoàn thiện khung pháp lý đối với việc tài trợ, đặt hàng và khuyến khích sáng tác trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Các cơ quan báo chí cũng cần xây dựng, củng cố đội ngũ, cán bộ, phóng viên, biên tập viên có kiến thức về văn học, nghệ thuật; quan tâm nâng cao chất lượng, nội dung các ấn phẩm, chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, bảo đảm thông tin chính xác, phổ biến kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển văn học, nghệ thuật.

Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cả nước hiện có 838 cơ quan báo in với trên 1.000 ấn phẩm, 67 đài phát thanh và truyền hình, trên 90 kênh phát thanh, 104 kênh truyền hình, đội ngũ nhà báo gần 18.000 người.

Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí nói chung và báo chí văn nghệ nói riêng trong thời gian tới tiếp tục bám sát, đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; quán triệt sâu sắc mục tiêu Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị; từ kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), kiến nghị kịp thời các biện pháp, giải pháp đẩy mạnh việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục