Bảo đảm an ninh lĩnh vực năng lượng nguyên tử

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định phê duyệt đề án "Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.”
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt đề án "Triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.”

Theo đó, quan điểm chính của đề án là bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử phải lấy công tác phòng ngừa là chính, trong đó quan trọng hàng đầu là bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của con người và môi trường.

Đề án được triển khai thực hiện ở tất cả các địa phương trong cả nước, đối với tất cả các hoạt động có liên quan đến việc ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, trong đó ưu tiên tập trung bảo đảm an ninh tại các cửa khẩu biên giới, cho các dự án, cơ sở bức xạ và cơ sở hạt nhân trọng điểm.

Mục tiêu của đề án là bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, phát triển kinh tế-xã hội.

Theo quyết định, bảo đảm an ninh, an toàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử là trách nhiệm của toàn dân, của các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, trong đó lực lượng công an là nòng cốt.

Để bảo đảm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của đề án, cần thực hiện đồng bộ 7 giải pháp chủ yếu: Tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm toàn dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tăng cường quản lý nhà nước và hệ thống pháp luật phục vụ cho công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tăng cường công tác ngoại giao, hợp tác quốc tế trong công tác phòng chống vi phạm, tội phạm về an ninh trật tự trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Các giải pháp tiếp theo là tổ chức, đào tạo, bố trí lực lượng đủ năng lực và được trang bị kiến thức, phương tiện thiết bị kỹ thuật cần thiết, đáp ứng yêu cầu của các địa bàn, mục tiêu trọng yếu nhằm bảo đảm an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử; tích cực ứng dụng thành tựu về khoa học kỹ thuật phục vụ công tác bảo đảm an ninh; triển khai đồng bộ các biện pháp, công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự và an toàn xã hội trong lĩnh vực này; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ứng phó ngăn chặn hậu quả sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân do hoạt động xâm phạm an ninh gây ra./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục