Loay hoay thoát hiểm

Báo động cháy: Loay hoay không biết thoát hiểm

Sự cố báo động cháy trong một tòa nhà văn phòng giữa Hà Nội đã khiến người trong cuộc giật mình về kỹ năng thoát hiểm của mình.
Trong cuộc sống không ai muốn gặp những sự cố, tai nạn nhưng cũng không ai có thể chủ quan rằng  mình nằm ngoài mọi tai ương. Có thể nói kỹ năng xử lý tình huống, ứng phó phù hợp trong các tình huống xấu sẽ giúp cho ta thoát khỏi "họa vô đơn chí."

Liều mạng vì mấy trăm nghìn đồng?

Sáng nay, một sự cố nhỏ xảy ra trong một tòa nhà lớn gần 1.000 người ở giữa Hà Nội đã khiến những người trong cuộc giật mình về kỹ năng xử lý tình huống của mình. Sau phen hú vía, mọi người cười đấy mà chột dạ: “Nói dại, lỡ chuyện lớn xảy ra thì…”

Chị Hoa, một nhân viên làm việc trong tòa nhà cho biết chị cùng một số người đang trong thang máy ở tầng 11 thì tiếng chuông báo cháy ầm ĩ vang lên. Cả nhóm người đợi thang lên tới tầng 12 rồi cùng nhao ra.  Ở hành lang tầng 12 khi đó cũng rất đông người nhốn nháo, có người định chạy vào thang máy thì trong đám đông cất lên tiếng quát: “Đừng có ai vào cầu thang máy.”

Sau tiếng quát, thay bằng việc chạy mau theo lối thoát hiểm thì mọi người lại nháo nhác ngược xuôi trong hành lang, chẳng ai biết phải làm gì.

Thậm chí, chị Kim (cùng phòng với chị Hoa),  chạy vào phòng chỉ để lấy ra một chiếc ví mà khi bình tĩnh lại chị cũng dở khóc dở cười không hiểu mình làm thế để làm gì. Trong khi chiếc laptop chứa nhiều dữ liệu quan trọng mới là cái đáng mang theo, còn ví chỉ có vài trăm nghìn đồng, nhưng chị rối quá nên chẳng biết phải làm thế nào, mở cặp đựng laptop lấy ví tiền. Có gì xảy đến thì hóa ra đã liều mạng vì lấy cái ví đó!

“Mặc dù tiếng báo động chỉ diễn ra trong khoảng một phút và sự việc cũng không có gì nghiêm trọng nhưng qua đây bọn mình đều thấy rõ sự luống cuống của mỗi người trong tình huống khẩn cấp,” chị Hoa chia sẻ.

Một vài người xuống quầy thường trực thì được thông báo có xảy ra sự cố chập điện. Hết chuông báo động, ai về chỗ nấy như thường mà không nghĩ đến khả năng hệ thống báo động cháy chập thì cũng có thể ngừng reo.

Cô nhân viên thường trực thuật lại: “Sau này, khi có người xuống đều bảo mọi người đã rất hoảng hốt, nhưng thực ra lúc chuông báo động lại chẳng thấy có ai xuống cả.”

Những bài học chưa cũ

Nhân sự kiện trên, có thể nhắc tới một sự kiện thương tâm diễn ra không lâu tại một tòa nhà cao tầng, khi xảy ra cháy đường xả rác, đám đông hoảng loạn do chờ thang máy mà không đi ra cầu thang bộ thoát hiểm.

Nhớ lại câu chuyện trên, chị Quyên, giáo viên Trường trung học phổ thông Hà Nội Amsterdam kể lại: "Trong lúc nhiều người hoảng loạn muốn nhảy lầu còn hơn chết cháy, đã có người gẫy chân tay vì 'nhảy không dù' từ những tầng thấp xuống. Trong khi đó từ tầng nhà đối diện một người quan sát được tình hình đã dùng áo làm hiệu kêu gọi sang rất kịp thời để thông báo tình hình: "Đừng hoảng loạn! Đã dập được lửa rồi. Không sao đâu."

Chị Quyên kể rằng: "Sau đó nhiều người trong tòa nhà bị cháy cho biết họ ở trong tòa nhà nên không biết tình hình bên ngoài như người hàng xóm tốt bụng kia. Nếu không có lời báo của ông ta thì từ ban công không ít người đã 'phi thân', kể cả mạo hiểm vì đang tính buộc chăn thả trẻ em xuống."

Đến thăm gia đình hai mẹ con nạn nhân xấu số trong vụ cháy này, phóng viên được biết chị là người phụ nữ rất nhanh nhẹn, thông minh nhưng vì không có hướng dẫn thoát hiểm kịp thời chị mới cùng con chạy ra thang máy. Người thân của chị ước rằng lúc ấy chỉ cần chị đóng cửa đứng ở ban công thì đã không bị tử vong vì ngạt.

Anh Hà - một nhân viên của công ty Vệ sĩ thường được huy động trong các tình huống nguy cấp, trao đổi: "Trong nhiều tình huống như khi gặp cháy nổ, gặp bão to gió lớn đột xuất, gặp đám đông xô đẩy thì phải làm thế nào? Chỉ có một lời đáp chung là phải  bình tĩnh, sáng suốt. Trước là cứu mình và giúp người. Gọi cứu trợ, giúp người già và trẻ em."

"Nếu chưa nguy hiểm đến tính mạng thì cần cân nhắc cứu tài sản. Cứu tài sản nào có giá trị và gọn nhẹ. Dứt khoát chia tay với tài sản cồng kềnh. Tránh bỏ rồi lại tiếc quay lại có thể sẽ gặp họa tới thân mình," anh Hà nói thêm.

Anh Tuấn - nhân viên bảo vệ của một tòa chung cư trên đường Nguyễn Chí Thanh đưa ra ý kiến: "Một điều rất cần được bàn đến là chúng ta vẫn thấy diễn tập phòng cháy chữa cháy chứ chưa thấy diễn tập thoát hiểm. Việc này thực chất vô cùng cần thiết nhưng có vẻ mọi người đều chưa nhìn nhận đúng."

"Một cơ quan, một chung cư cao tầng muốn biết 'trình độ' ứng phó thì hãy thử bất ngờ rung hệ thống báo động. Và khi ấy các loại tâm lý cuống cuồng, ngốc nghếch đến buồn cười sẽ cùng lúc xuất hiện. Nguy hiểm hơn nữa là có nơi sau khi thử và diễn tập lại có hiệu ứng 'thử ấy mà' thì đến khi gặp nguy thật lại 'bình chân như vại' cũng nguy hiểm," anh Tuấn trao đổi. /.

Nguyễn Anh-Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục