"Báo động đỏ" chất lượng lao động du lịch đồng bằng sông Cửu Long

Các kết quả nghiên cứu của Dự án EU cho thấy tỷ lệ nguồn nhân lực được đánh giá đáp ứng yêu cầu công việc chiếm tỷ lệ rất thấp, dưới 10% trong lĩnh vực lưu trú và 15-36% trong lĩnh vực lữ hành.
"Báo động đỏ" chất lượng lao động du lịch đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Người dân Cần Thơ làm du lịch cộng đồng. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đồng bằng sông Cửu Long hiện được Chính phủ quy hoạch là vùng phát triển du lịch then chốt với ba tỉnh đóng vai trò quan trọng nhất, bao gồm: An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang. Chiếc “kiềng ba chân” gần đây cũng đã nhất trí hợp tác, nhất là trong đào tạo nguồn nhân lực.

Nhưng thực tế, ngành du lịch ở các tỉnh này mới trong giai đoạn đầu phát triển, với một số vấn đề nguồn nhân lực nổi cộm cần giải quyết như: thiếu nhân lực được đào tạo và có tay nghề; số lượng cũng như chất lượng lao động du lịch thấp và không đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của thị trường hiện có trong khu vực.

Trong khi đó, theo báo cáo khảo sát của Dự án EU về hiệu quả công việc ngành du lịch ở An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, chất lượng của lực lượng lao động cũng như sự thiếu hụt nguồn lao động chất lượng là mối quan tâm hàng đầu của cả lĩnh vực lưu trú và lữ hành.

Trong cả hai lĩnh vực lưu trú và lữ hành vấn đề đáng quan ngại nhất là sự thiết hụt nguồn lao động có đủ năng lực. Mặc dù tỷ lệ các đánh giá cho rằng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc chiếm đa số, vẫn có ít nhất khoảng 10-20% số nhân viên trong lĩnh vực lưu trú và có gần 50% số nhân viên trong lĩnh vực lữ hành được đánh giá là chưa đáp ứng được yêu cầu công việc.

Vấn đề nghiêm trọng ở đây là có hơn một nửa số lượng nhân viên trong lĩnh vực lưu trú được đánh giá không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu của công việc. Con số này ở lĩnh vực lữ hành còn thấp hơn nhiều.

Nghiên cứu điều tra kỹ hơn cho thấy, vấn đề về hiệu quả công việc của nguồn nhân lực có thể thấy rõ nhất ở các: Đơn vị năng lực cơ bản (các kỹ năng cơ bản hầu hết nhân viên cần có); Đơn vị năng lực quản lý (giám sát hay có ảnh hưởng nhất định tới công việc của người khác); Đơn vị năng lực du lịch có trách nhiệm (những kỹ năng cụ thể cần thiết cho việc vận hành và quản lý tại đơn vị nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm hướng tới phát triển du lịch bền vững).

"Báo động đỏ" chất lượng lao động du lịch đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Cán bộ Dự án EU tập huấn cho cán bộ, quản lý du lịch ở An Giang. (Ảnh: Dự án EU)

Điều đáng nói là các đơn vị năng lực này không trực tiếp ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bản thân nhân viên đó nhưng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả công việc của nhân viên khác.

Các cán bộ Dự án EU nhận định, chỉ có khoảng một nửa số lượng nhân viên tiếp xúc với khách hàng trong lĩnh vực lưu trú có thể thực hiện các nhiệm vụ chức năng (có kỹ năng và kiến thức chuyên môn để làm việc hiệu quả) gần đáp ứng kỳ vọng hoặc trên mức kỳ vọng.

Vấn đề ở chỗ, nhu cầu từ phía doanh nghiệp du lịch đối với lao động có tay nghề tốt ngày càng cao, trong khi hệ thống đào tạo nghề du lịch chưa thể đáp ứng được đầy đủ, khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng và duy trì lực lượng lao động có chất lượng tốt, đủ kiến thức và kinh nghiệm nghề.

Thực tế đó đòi hỏi phải có những cải tiến mạnh mẽ trong công tác đào tạo và xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu của ngành.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF-2015) chỉ số cạnh tranh về lao động du lịch của Việt Nam đứng ở vị trí 55/141 quốc gia. Tuy nhiên, có một số chỉ số Việt Nam đứng sau rất nhiều quốc gia khác như việc tuyển dụng nhân viên có nghề (107/141); kỹ năng xử lý tình huống đối với khách hàng (104/141) hoặc các chỉ số về trình độ chuyên môn, mức độ đào tạo nhân viên.. cũng ở vị trí rất thấp.

"Báo động đỏ" chất lượng lao động du lịch đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3Cán bộ Dự án EU tập huấn cho cán bộ bộ du lịch ở Cần Thơ. (Ảnh: Dự án EU)

Trước tình hình này, nhằm hỗ trợ tích cực hơn cho ngành du lịch, Dự án EU đã và đang thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ kỹ thuật trong việc giảng dạy, tổ chức các khóa đào tạo đào tạo viên nghề VTOS (Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam), thực hiện các nghiên cứu đánh giá, phân tích các khía cạnh của nguồn nhân lực du lịch, nâng cao năng lực trong công tác quy hoạch, quản lý và phát triển lực lượng lao động của ngành.

Những hỗ trợ này tuy không trực tiếp giúp vực dậy nguồn nhân lực du lịch ở các địa phương, nhưng một cách gián tiếp, giống như những “hạt giống” mẫu ươm mầm để tương lai không xa “cánh đồng” nhân lực du lịch ba tỉnh An Giang, Cần Thơ và Kiên Giang được nhân rộng và có cơ hội trúng mùa bội thu./.

Trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch cả nội địa và quốc tế đến khu vực 3 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung tăng đều từng năm.

Khách du lịch chủ yếu là khách nội địa, chiếm tỷ lệ cao, tại An Giang khách nội địa chiếm khoảng 98,8%, Cần Thơ 83,9% và Kiên Giang 87,5%, cho thấy khu vực này chưa thu hút được nhiều khách du lịch quốc tế.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục