Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ hóa chất độc hại

Việc rò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn thật sự hiệu quả.
Báo động tình trạng ô nhiễm nguồn nước từ hóa chất độc hại ảnh 1(Ảnh minh họa: Xuân Tiến/TTXVN)

Hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất đang phát triển mạnh trong thời gian gần đây. Hầu hết doanh nghiệp sản xuất trong các ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thuốc lá, sản xuất sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da... đều sử dụng hóa chất.

Công tác kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp đang hoạt động có liên quan đến hóa chất hiện nay cho thấy vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp, cơ sở chưa quan tâm công tác đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất.

Nhiều doanh nghiệp cập nhật thông tin về phiếu an toàn hóa chất chưa đầy đủ, không có nhãn mác, không sử dụng bảo hộ lao động trong sản xuất, bố trí kho chưa ngăn nắp…

Đặc biệt, việc rò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn thật sự hiệu quả.

Thực trạng ô nhiễm nước từ hóa chất

Theo Báo cáo Hiện trạng Môi trường Quốc gia năm 2012, tại lưu vực sông Cầu có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất kinh doanh tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp nặng như sản xuất luyện cán thép, giấy, hóa chất, khai khoáng...

Do đó, nước thải thường có hàm lượng TSS, kim loại nặng và dầu mỡ khá cao, chứa nhiều các chất hữu cơ (BOD 5 , COD).

Nước thải công nghiệp hình thành do quá trình sử dụng nước trong sản xuất và điều kiện hình thành nước thải, lưu lượng, thành phần nước thải rất khác nhau. Thành phần và tính chất của nước thải từ các ngành sản xuất cũng có tác động khác nhau tới chất lượng nước.

Bên cạnh đó, trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, người dân thường sử dụng nhiều loại phân bón để tăng năng suất cây trồng cũng như nhiều loại hóa chất trừ sâu, diệt cỏ, đây là một trong những nguồn nghiêm trọng gây ô nhiễm nước.

Cùng với đó, hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản phát triển một cách ồ ạt, gây những tác động tiêu cực tới môi trường, gây ô nhiễm và suy thoái nguồn nước sản xuất nông nghiệp.

Trong hoạt động khai thác khoáng sản, nước được sử dụng với khối lượng lớn cho hầu hết công đoạn sản xuất.

Quá trình sản xuất, tháo khô mỏ, đổ thải... đã gây những tác động tiêu cực tới nguồn nước sản xuất nông nghiệp ở khu vực xung quanh khai trường như thay đổi địa hình, hệ thống nước mặt, điều kiện tàng trữ và thoát nước (tác động cơ học) làm thay đổi tính chất vật lý, thành phần hóa học của nước (tác động hóa học).

Những tác động hóa học đối với nguồn nước cũng rất đáng kể. Sự phá vỡ cấu trúc của đất đá chứa quặng khi tiến hành đào bới và khoan nổ sẽ thúc đẩy các quá trình hòa tan, các thành phần chứa trong quặng và đất đá, quá trình tháo khô mỏ, đổ các chất thải vào nguồn nước, chất thải rắn, bụi thải không được quản lý, xử lý chặt chẽ, tham gia vào thành phần nước mưa, nước chảy tràn cung cấp cho nguồn nước tự nhiên...

Là những tác động hóa học làm thay đổi tính chất vật lý và thành phần hoá học của nguồn nước xung quanh các khu mỏ. Mức độ ô nhiễm hóa học các nguồn nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đặc điểm thân quặng, thành phần thạch học và độ bền vững của đất đá chứa quặng, phương pháp và trình độ công nghệ khai thác, chế biến quặng, biện pháp quản lý và xử lý chất thải....

Nước ở các mỏ than thường có hàm lượng cao ion kim loại nặng, á kim, các hợp chất hữu cơ, các nguyên tố phóng xạ... cao hơn so với nước mặt và nước biển khu vực đối chứng và cao hơn TCVN từ 1-3 lần. Đặc biệt là khu vực từ Quảng Yên đến Cửa Ông. Sự biến đổi chất lượng nguồn nước, tải lượng một số chất thải trong nước tháo khô các mỏ than.

Trong các mỏ thiếc sa khoáng, biểu hiện chính của ô nhiễm hóa học là làm đục nước bởi bùn-sét lơ lửng, tăng hàm lượng các ion sắt và một số khoáng vật nặng.

Việc khai thác và tuyển quặng vàng phải dùng đến thuốc tuyển chứa Hg, CN-...

Ngoài ra, các nguyên tố kim loại nặng cộng sinh như asen, antimoan, các loại quặng sunfua có thể rửa, hòa tan vào nước.

Vì vậy, ô nhiễm hóa học do khai thác và tuyển quặng vàng là nguy cơ đáng lo ngại đối với nguồn nước sinh hoạt và nước nông nghiệp.

Tại những khu vực này, nước thường bị nhiễm bẩn bởi bùn sét và một số kim loại nặng và hợp chất độc như CN, Hg, As, Pb... mà nguyên nhân chính là do nước thải, chất thải rắn không được xử lý đổ bừa bãi ra khai trường và khu vực tuyển.

Nguyên nhân gây ô nhiễm

Thực trạng trên cho thấy công tác quản lý ô nhiễm nước do hóa chất còn nhiều bất cập do hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động hóa chất còn chồng chéo.

Các Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều có chức năng quản lý về lĩnh vực này.

Trong khi đó, bộ máy nhân sự quản lý hóa chất tại các địa phương còn mỏng, nhiều địa phương còn thiếu cán bộ chuyên môn nên trong quá trình thực thi nhiệm vụ còn lúng túng.

Việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động hóa chất còn chưa tốt do sự thiếu hiểu biết pháp luật của doanh nghiệp, còn tình trạng doanh nghiệp cố tình vi phạm các quy định pháp luật về quản lý hóa chất. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền văn bản pháp luật về hóa chất chưa được thực hiện thường xuyên…

Kiểm soát ô nhiễm là nội dung quan trọng trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, điều này được chứng minh từ kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn quản lý của Việt Nam.

Nhưng đến nay chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra định nghĩa, khái niệm, nội dung cũng như quy trình của kiểm soát ô nhiễm môi trường nước đầy đủ và thống nhất.

Hơn nữa, công tác kiểm tra, phát hiện, theo dõi, xử lý, khắc phục các khu vực nước bị ô nhiễm do hóa chất, xác định thiệt hại về ô nhiễm môi trường nước chưa đầy đủ.

Các quy định về kiểm soát ô nhiễm nguồn nước đối với lưu vực sông và biển ven bờ đã được quy định, nhưng đối với các môi trường nước khác đang còn thiếu các quy định.

Vấn đề quản lý các nguồn nước thải từ cơ sở sản xuất, kinh doanh còn nhiều bất cập.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, mọi nguồn thải phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trước khi xả vào môi trường tiếp nhận.

Song việc xác định môi trường tiếp nhận là môi trường xung quanh, hệ thống thoát nước hay hệ thống thủy lợi đang là vấn đề chồng chéo của các quy định hiện hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục