Báo động về số bệnh nhân bị tàn tật do bệnh đột quỵ

Giáo sư Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ Thế giới cho biết, ngày nay, với sự tiến bộ của y học, tuy tỷ lệ tử vong do đột quỵ có giảm so với trước kia nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng.

Giáo sư Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ Thế giới cho biết, ngày nay, với sự tiến bộ của y học, tuy tỷ lệ tử vong do đột quỵ có giảm so với trước kia nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng.

Phát biểu tại hội thảo chiến lược dự phòng và điều trị đột quỵ não tổ chức sáng 29/10 tại Hà Nội nhân dịp hưởng ứng Ngày Đột quỵ Thế giới (29/10), ông Stephen Davis, Chủ tịch Tổ chức Đột quỵ Thế giới khẳng định đột quỵ (tai biến mạch máu não) là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật. Bệnh đột quỵ hiện xếp hàng thứ 3 về bệnh gây tử vong, sau ung thư và tim mạch.

“Mỗi năm trên toàn cầu có 16 triệu ca đột quỵ và khoảng 6 triệu ca tử vong. Trên 80% trường hợp đột quỵ xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam,” giáo sư Stephen Davis nhấn mạnh.

Đề cập đến căn bệnh này ở Việt Nam, giáo sư Lê Đức Hinh Chủ tịch hội thần kinh Việt Nam cho biết, đột quỵ não xảy ra ở người cao tuổi, từ 60-65 trở lên, tuy nhiên đôi khi cũng xảy ra ở người trẻ. Với những người bị đột quỵ não nếu được chẩn đoán và xử trí kịp thời giúp bệnh nhân thoát khỏi tử vong và hạn chế được những di chứng lâu dài.

Kinh nghiệm của thế giới là tổ chức cấp cứu ngay, điều trị phục hồi chức năng để mang lại hy vọng làm cho bệnh nhân đỡ bị tàn tật.

Giáo sư Hinh dẫn chứng, theo thống kê của thế giới cho thấy tỷ lệ 1/3 trường hợp sống sót rồi có thể mang di chứng, nếu không được chữa tốt dễ bị liệt tay, liệt chân, liệt nửa người.

Bàn về công tác điều trị những người bị bệnh đột quỵ, đại tá, giáo sư Nguyễn Văn Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, chỉ có khoảng dưới 1% bệnh nhân bị đột quỵ được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết (tPA) đúng cách trước khi đến bệnh viện. Kiến thức về "giờ vàng" (3 đến 4,5 giờ đầu từ khi khởi phát đột quỵ) đối với bệnh nhân bị đột quỵ không phải ai cũng nắm được.

Ông Thông cũng cho hay, một khó khăn hiện nay là trong đào tạo y khoa cũng không có chuyên khoa về đột quỵ nên phần lớn các bác sỹ ra ngành nghề rồi mới tích lũy kiến thức từ kinh nghiệm công tác. Đối với tuyến cơ sở thì kinh nghiệm cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ cũng còn nhiều bất cập.

Hội nghị diễn ra tại Hà Nội có sự tham dự của những chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực chống đột quỵ hàng đầu của Hoa Kỳ cùng gần 1.000 bác sỹ từ các bệnh viện ở Hà Nội và toàn miền Bắc.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận như cách phòng bệnh đột quỵ, điều trị và chăm sóc phục hồi sớm cho bệnh nhân đột quỵ, các tiến bộ y học trong phòng ngừa và điều trị đột quỵ não./.

Tin cùng chuyên mục