Báo Đức bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo

Báo Nam Đức đã có bài viết “Đảo nhân tạo và chạy đua vũ trang“ cho rằng những hoạt động cải tạo, xây dựng của Trung Quốc ở các đảo, đá trên Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Báo Đức bày tỏ lo ngại trước việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ảnh 1Hoạt động bồi đắp, lấn biển của Trung Quốc trên Biển Đông. (Nguồn: CSIS)

Báo Nam Đức (Sueddeutsche Zeitung), một trong năm tờ báo lớn nhất Đức, ngày 19/4 đã có bài viết “Đảo nhân tạo và chạy đua vũ trang" cho rằng những hoạt động cải tạo, xây dựng của Trung Quốc ở các đảo, đá trên Biển Đông sẽ làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.

Theo bài viết, việc xây dựng quy mô lớn trên đá Chữ Thập từ thời điểm tháng 9/2014 đến nay cho thấy chính phủ Trung Quốc muốn theo đuổi một mục tiêu hết sức tham vọng, đó là xây dựng tại đây một đường băng dài 3km để những máy bay lớn nhất thế giới có thể cất cánh, hạ cánh.

Tác giả cho rằng giới chuyên gia quốc tế đã theo dõi sát việc Trung Quốc xây dựng các đường băng trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông với mối quan ngại ngày càng gia tăng nhưng vẫn có phần bất ngờ trước số lượng và quy mô khổng lồ của các dự án cải tạo đảo mà Trung Quốc đang thực hiện. Nhiều báo lớn của thế giới như Washington Post, Wall Street Journal, Economist và New York Times đều có những bài viết cảnh báo về hoạt động xây dựng đảo này của Trung Quốc.

Bài viết trên tờ Nam Đức nhận định việc Trung Quốc cải tạo, xây dựng ở hàng loạt đá như Vành Khăn, Xubi, Gạc Ma sẽ đẩy cuộc chạy đua quyền lực và ảnh hưởng ở khu vực Biển Đông sang một giai đoạn mới và lần này có thể sẽ nguy hiểm hơn khi các bên tranh đua ưu thế về quân sự.

Bài viết cho rằng, yêu sách “đường 9 đoạn“ phi lý của Trung Quốc đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của các bên liên quan gồm Việt Nam, Philippines, Đài Loan và Malaysia và dẫn đánh giá của ông Yoshiji Nogami, Giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế của Nhật Bản cho rằng tiêp sau những tranh chấp về quyền đánh bắt cá, khai thác dầu và khí, xung đột ở Biển Đông sẽ bước sang giai đoạn sử dụng các đảo, đá để phục vụ các mục đích quân sự. Đây sẽ trở thành một vấn đề mang tính chiến lược khi các bên sẽ phải cố gắng củng cố quyền kiểm soát của mình.

Tác giả bài viết nhấn mạnh Biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất đối với thương mại quốc tế, sự nổi lên của Ấn Độ hay sự gắn kết của kinh tế Nhật Bản với châu Âu đều phụ thuộc vào tuyến đường này. Do đó, các bên có tranh chấp ở Biển Đông, đặc biệt là Trung Quốc rất muốn củng cố, mở rộng kiểm soát vùng biển, vùng trời ở khu vực này.

Bài viết cũng dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố trước chuyến công du châu Á vừa qua cho rằng các hoạt động cải tạo đảo của Trung Quốc sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Trong khi đó, Tuyên bố chung của Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa kết thúc tuần trước tại Lübeck, Đức cũng nhiều lần nhắc lại yêu cầu Trung Quốc không đơn phương thay đổi nguyên trạng trên Biển Đông.

Tác giả bài viết kết luận Trung Quốc bất chấp các phản ứng quốc tế vẫn không thay đổi lập trường trong việc cải tạo các đảo hiện nay trên Biển Đông và mặc dù một số đề nghị đối thoại được đưa ra những chưa được Trung Quốc thực sự quan tâm, đồng thời dẫn nhận định của tác giả Bill Hayton, người có nhiều cuốn sách viết về các xung đột tranh chấp trên thế giới, cho rằng những hành động của Trung Quốc có thể dẫn tới một xung đột và làm bùng phát khủng hoảng lớn ở khu vực./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục