Báo Đức đồng loạt đưa tin Trung Quốc khiêu khích ở Biển Đông

Nhiều tờ báo lớn của Đức cùng đồng loạt đăng tin về việc Trung Quốc đã tiến hành khiêu khích trên Biển Đông, đồng thời cho biết Việt Nam đã kịch liệt phản đối động thái này.
Báo Đức đồng loạt đưa tin Trung Quốc khiêu khích ở Biển Đông ảnh 1Ảnh chụp vệ tinh Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà phía Trung Quốc chiếm đóng, xây dựng trái phép. (Nguồn: Reuters/TTXVN)

Trong những ngày qua, nhiều tờ báo lớn của Đức đã đồng loạt đăng tin về việc Trung Quốc đã tiến hành khiêu khích trên Biển Đông, đồng thời cho biết Việt Nam đã kịch liệt phản đối động thái này.

Báo Thế giới (die Welt) của Đức số ra ngày 4/1 chạy dòng tít: "Việt Nam phản đối chuyến bay thử của Trung Quốc," trong đó cho biết quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng căng thẳng liên quan tới quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.

Theo bài báo, Việt Nam đã phản đối chuyến bay thử đầu tiên của Trung Quốc trên một trong số đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép.

Bài báo nêu rõ từ năm 2013, Trung Quốc bắt đầu bồi đắp một đảo nhân tạo trên một bãi đá để xây dựng một đường băng ở đây.

Với dòng tít: "Trung Quốc khiêu khích Việt Nam bằng chuyến bay thử trên quần đảo (Trường Sa)," báo Ngôi sao (Stern) nhận định với chuyến bay thử này, Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm cuộc tranh cãi với Việt Nam liên quan tới quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.

Bài báo cho biết Việt Nam đã yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hành động gây ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định trên Biển Đông như vậy. Theo bài viết, Bắc Kinh đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì việc bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo trong khu vực.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng bị tố cáo vì việc xây dựng các căn cứ có thể sử dụng cho mục đích quân sự như đường băng, hải cảng trên các đảo được bồi đắp từ các rạn san hô.

Ngoài ra, các báo như Tấm gương (Spiegel), DW, N24 cũng đăng tin bài đề cập hành động khiêu khích nêu trên của Trung Quốc ở Biển Đông.

Theo báo DW, Trung Quốc đòi chủ quyền tới 90% trong tổng diện tích khu vực biển rộng 3,5 triệu km2, bao gồm các đảo và rạn san hô, có nơi cách bờ biển Trung Quốc trên 1.000km./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục