Bảo tồn đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh

Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh Quảng Nam nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, với diện tích rừng và đất rừng hiện nay là hơn 75.000ha.
Bảo tồn đa dạng sinh học Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh ảnh 1Lực lượng kiểm lâm Quảng Nam tuần tra bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh. (Ảnh: Ngô Lịch/TTXVN)

Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh Quảng Nam nằm trên địa bàn 2 huyện Nam Giang và Phước Sơn, với diện tích rừng và đất rừng hiện nay là hơn 75.000ha, trong đó diện tích đất có rừng là hơn 62.000ha chiếm hơn 82% diện tích khu bảo tồn.

Vùng rộng lớn tiếp giáp với các Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh Kon Tum và Quảng Nam tạo nên một trong những vùng rừng liên tục và rộng lớn ở Việt Nam.

Hơn thế nữa, khu bảo tồn còn là phần quan trọng trong Hành lang đa dạng sinh học kéo dài từ Kon Tum (Ngọc Linh)-Quảng Nam (Sông Thanh, Sao la, Voi, Ngọc Linh)-Thừa Thiên-Huế (Bạch Mã, Phong Điền)-Quảng Trị (Bắc Hướng Hóa, Đakrông). 

Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh còn nằm trong vùng chim đặc hữu cao nguyên Kon Tum (khu vực Lò Xo).

Với tiềm năng đa dạng sinh học cao, Sông Thanh được xem là một thành phần quan trọng trong cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn của vùng sinh thái dãy Trường Sơn.

Đây là vùng lõi chủ yếu của vùng cảnh quan có vị trí ưu tiên của quốc gia, khu vực và toàn cầu do giá trị đa dạng sinh học và số lượng cao các loài đặc hữu đã ghi nhận được.

Ông Phan Tuấn, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam, cho biết lực lượng kiểm lâm đã tham mưu Ủy ban Nhân dân các xã chọn người để ký hợp đồng trực cảnh báo cháy rừng tại 3 xã trọng điểm TàBhing, Phước Năng, Phước Công trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm.

Ông Từ Văn Khánh, Giám đốc Bản Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh cho biết​ năm 2015, lực lượng chức năng đã phát hiện và lập biên bản 94 vụ vi phạm, trong đó tạm giữ 76m3 gỗ xẻ, 14 m3 gỗ tròn, 9 môtô, 1 cá thể khỉ đuôi dài (đã lập biên bản và thả vào môi trường tự nhiên); ra quyết định xử lý 89 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,13 tỷ đồng.

Để bảo tồn đang dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh một cách bền vững, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh đã tích cực thực hiện việc giao khoán cho 125 nhóm hộ và 231 hộ gia đình với diện tích hơn 41.000ha, đồng thời cũng đã thực hiện việc hỗ trợ đầu tư phát triển cộng đồng vùng đệm cho 24 cộng đồng thôn.

Các chương trình này đã huy động sức mạnh toàn dân vào công tác bảo vệ rừng, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên; đồng thời góp phần thay đổi nhận thức cho người dân trong việc sử dụng tài nguyên bền vững, giảm thiểu các tác động xấu đối với rừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục