Bảo tồn và phát huy giá trị di tích đặc biệt Khởi nghĩa Yên Thế

Theo quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Yên Thế có tổng diện tích gần 92,7ha.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị những di tích lịch sử quốc gia đặc biệt gắn với cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích này.

Theo quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống di tích quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Yên Thế có tổng diện tích gần 92,7ha, bao gồm 23 địa điểm thuộc Khu di tích và 18 điểm liên quan nằm trên địa bàn bốn huyện Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên và Yên Dũng.

Hệ thống di tích gắn với phong trào Khởi nghĩa Yên Thế tại tỉnh gồm sáu loại hình, bao gồm di tích làng chiến đấu; di tích đồn lũy, công sự chiến đấu; di tích tôn giáo, tín ngưỡng; di tích gắn với thời thơ ấu của Hoàng Hoa Thám, công trình tưởng niệm Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân; địa điểm trung tâm hành chính, quân sự do thực dân Pháp thiết lập; các dấu tích và địa điểm khác gắn với phong trào Khởi nghĩa Yên Thế.

Tuy nhiên, đối với di tích làng chiến đấu (giai đoạn từ năm 1884-1889), do thời gian và tốc độ đô thị hóa gia tăng trong những năm qua ở hầu hết các địa phương, khiến quy mô, cấu trúc nhà cửa, đường làng, ngõ xóm, tập quán sinh hoạt... đã bị thay đổi.

Việc phục hồi không gian các làng chiến đấu gắn với cuộc Khởi nghĩa Yên Thế giai đoạn cuối thế kỷ 19 không khả thi, do đó, để bảo tồn địa danh các làng chiến đấu này, cần làm mô hình, sa bàn ở tỷ lệ thích hợp để trưng bày, giới thiệu tại Nhà trưng bày về Khởi nghĩa Yên Thế ở khu trung tâm Phồn Xương huyện Yên Thế.

Trong khi đó, đối với di tích đồn lũy, công sự chiến đấu (giai đoạn từ năm 1890-1893 và từ năm 1894-1909) chỉ lựa chọn để phục hồi, tái hiện một số không gian của những đồn lũy tiêu biểu trên cơ sở khoa học, đảm bảo khả năng đầu tư và điều kiện quản lý, phát huy giá trị bằng vật liệu bền vững như bê tông giả đất, bê tông giả gỗ, composit giả tranh, tre, nứa, lá...

Xây dựng bia chỉ dẫn di tích ở vị trí thích hợp cho các địa điểm di tích chỉ còn là phế tích, khả năng phát huy giá trị không cao và không đủ cơ sở khoa học để phục hồi.

Các đình, đền, chùa, miếu, nghè, điếm... được xây dựng trước khi diễn ra cuộc khởi nghĩa, là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân và là căn cứ hoạt động của Nghĩa quân Yên Thế (giai đoạn từ năm 1884-1913), nơi diễn ra các cuộc họp quan trọng bàn việc đánh Pháp, làm nơi chiêu tập binh lính, nơi tế cờ xuất trận; đồng thời là căn cứ hoạt động của cán bộ cách mạng giai đoạn kháng chiến chống Pháp từ năm 1946-1954 được đầu tư từng bước để tu bổ, tôn tạo theo điều kiện hiện trạng, trên cơ sở khoa học, đảm bảo nguyên tắc bảo tồn tối đa yếu tố gốc.

Ngoài việc tu bổ các hạng mục kiến trúc và tôn tạo cảnh quan, tại mỗi di tích sẽ được dựng một tấm bia ở vị trí thích hợp để ghi dấu các chiến tích, sự kiện về phong trào Khởi nghĩa Yên Thế.

Thời gian thực hiện bảo tồn, tôn tạo hệ thống di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Khởi nghĩa Yên Thế từ năm 2014-2030 bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương, vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Chính phủ, ngân sách địa phương và xã hội hóa. Theo đó từ nay đến năm 2020, thực hiện xong đền bù giải phóng mặt bằng, cắm mốc bảo vệ di tích; ưu tiên thực hiện tu bổ, tôn tạo đối với di tích trọng điểm gắn với các sự kiện trọng đại của khởi nghĩa Yên Thế. Giai đoạn từ năm 2021-2030, tập trung tôn tạo, phát huy các di tích còn lại.

Theo ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, việc lập quy hoạch để làm cơ sở khoanh vùng bảo vệ di tích; xây dựng các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích; cải tạo, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, năng lực quản lý, bảo vệ di tích nhằm tôn vinh cuộc khởi nghĩa do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo, giáo dục truyền thống yêu nước, khai thác tiềm năng di tích phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là phát triển du lịch văn hóa, tạo điều kiện tổ chức phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương.

Hệ thống di tích về cuộc Khởi nghĩa nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo có ý nghĩa đặc biệt trong lịch sử cận đại Việt Nam.

Khởi nghĩa Yên Thế kéo dài gần 30 năm (1884-1913), là cuộc khởi nghĩa có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất và kéo dài nhất trong các cuộc khởi nghĩa chống lại ách thống trị của thực dân Pháp, tiêu biểu cho phong trào yêu nước của dân tộc ta trước khi có Đảng lãnh đạo. Tinh thần của cuộc khởi nghĩa đã khơi dậy truyền thống yêu nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục