Bảo vệ các loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng

Hiệp định bảo vệ loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng được chính phủ 11 nước chính thức ký kết và hơn 100 nước khác cam kết xem xét.
Với sự bảo trợ của Liên hợp quốc, Hiệp định bảo vệ loài cá mập có nguy cơ tuyệt chủng trong khuôn khổ Công ước bảo tồn các loài động vật hoang dã di cư (CMS) đã được chính phủ 11 nước ký kết tại Philippines và hơn 100 nước khác  cam kết xem xét việc ký kết.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nhấn mạnh hiệp định này sẽ tăng cường bảo tồn tất cả 7 loài cá mập di cư thông qua quá trình hợp tác nghiên cứu và quản lý số lượng của chúng cũng như các biện pháp khác như tăng cường thực thi luật pháp đối với việc đánh bắt bất hợp pháp và buôn bán loài cá mập.

Thư ký chấp hành CMS Elizabeth Mrema đánh giá hiệp định vừa được ký kết là công cụ pháp lý đầu tiên trong khuôn khổ CMS có vai trò quyết định để bảo vệ các loài cá mập đang bị khai thác cho mục đích thương mại.

Với Công ước này, các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức đánh bắt cá mập quốc tế cũng như các chính phủ trên thế giới cần phối hợp để cứu các loài cá mập sống trên các đại dương khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Tình trạng đánh bắt quá mức, đánh bắt bằng lưới rà mang tính hủy diệt, buôn bán trái phép, hủy hoại môi trường sống, ô nhiễm biển với nồng độ thủy ngân cao, tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường biển là những hiểm họa làm tuyệt chủng các loài cá mập.

Các yếu tố như thời gian mang thai dài tới 22 tháng, tuổi thọ hơn 100 năm trong khi tỷ lệ sinh thấp, khả năng thích nghi với sự thay đổi môi trường thấp… đã làm cho cá mập dễ bị tổn thương và ít có cơ hội phục hồi nếu bị khai thác cạn kiệt.

Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), thịt cá mập voi được coi là thực phẩm quý và cao cấp. Trong 2 thập kỷ qua, mỗi năm có trên 900.000 tấn cá mập bị đánh bắt . Nếu tính cả số cá mập bị đánh bắt bất hợp pháp, con số này ít nhất cũng cao gấp 2 lần số liệu FAO đưa ra.

Các nghiên cứu của FAO cho biết số lượng cá mập sống ở Vịnh Mexico và  Địa Trung Hải đã giảm 90%, ở Tây Bắc Đại Tây dương đã giảm 75% trong 15 năm qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục