Bảo vệ người tố cáo trước nguy cơ bị trù dập và mất việc làm

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ ban hành quy trình bảo vệ người tố cáo trước nguy cơ bị mất việc làm, trù dập, phân biệt đối xử trong quan hệ lao động.
Bảo vệ người tố cáo trước nguy cơ bị trù dập và mất việc làm ảnh 1(Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện dự thảo thông tư quy định hướng dẫn bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng.

Thông tư này quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các biện pháp bảo vệ việc làm của người tố cáo và vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động (gọi chung là người được bảo vệ); trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ việc làm của người được bảo vệ.

Theo dự thảo, khi có căn cứ cho rằng người được bảo vệ bị mất việc làm hoặc có nguy cơ bị mất việc làm ngay tức khắc, hay họ bị trù dập, phân biệt đối xử trong quan hệ lao động vì lý do tố cáo, cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm theo đề nghị của người tố cáo, người giải quyết tố cáo.

Các biện pháp bảo vệ việc làm gồm: Đình chỉ, hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định vi phạm lợi ích của người được bảo vệ; Khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp; xử lý kịp thời người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ; yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra…

[Đại biểu Quốc hội: Cần phải có hình thức bảo vệ người tố cáo]

Thông tư quy định trách nhiệm của người sử dụng người lao động là không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ, thực hiện đầy đủ các biện pháp bảo vệ, báo cáo hoặc thông báo bằng văn bản về kết quả thực hiện các biện pháp bảo vệ…

Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm bảo vệ việc làm là Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cưỡng chế người sử dụng lao động chấp hành các biện pháp bảo vệ việc làm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật; xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về lao động đối với người được bảo vệ.

Thông tư cũng quy định rõ quy trình bảo vệ người tố cáo. Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm, trong thời hạn 3 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét và xử lý tiến hành các biện pháp bảo vệ hoặc thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do không áo dụng biện pháp bảo vệ cho người tố cáo.

Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi đến hết ngày 25/12 để hoàn thiện và trình Chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục