Bảo vệ nhà báo

Bảo vệ quyền tác nghiệp chính đáng của nhà báo

Nhà báo tác nghiệp đúng pháp luật phải được bảo vệ để kịp thời cung cấp đến bạn đọc những tác phẩm báo chí mang hơi thở cuộc sống.
Không tiết lộ cụ thể số tiền tài trợ, song ông Trần Minh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED Communication) cho biết, dự án nghiên cứu-truyền thông các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí sẽ có thời gian thực hiện là 8 tháng.

Lễ ký kết dự án trên giữa RED Communication với Đại sứ quán Anh tại Việt Nam được tiến hành vào sáng 20/6, tại Hà Nội.

Theo Phó Đại sứ Kate Harrison, trong thời gian gần đây, hành vi cản trở các nhà báo hoạt động đúng pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng rõ nét, khiến môi trường tác nghiệp của nhà báo trở nên không an toàn.

Đơn cử như vào ngày 14/6, trong khi đang tác nghiệp, hai phóng viên Phạm Hồng Phong (quay phim của kênh VTC 14) và Lê Duy Khánh của chương trình truyền hình ATV (Báo An ninh Thủ đô) đã bị tên Trần Xuân Thanh, sinh năm 1975, trú tại thôn Phú Diễn, xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội đến cản trở, dùng lời lẽ lăng mạ và giằng máy quay.

Đặc biệt, tên Thanh đã có hành vi lao đến chửi bới, đấm vào mặt và bóp cổ phóng viên Khánh khi bị ghi hình.

Sáng 19/6, Cơ quan cảnh sát điều tra, Công an huyện Từ Liêm (Hà Nội) đã thi hành lệnh bắt khẩn cấp Trần Xuân Thanh về hành vi chống người thi hành công vụ.

"Khi báo chí, công cụ giám sát của nhân dân bị hạn chế hiệu lực thông qua việc bị cản trở, đe dọa cũng là khi sự minh bạch của xã hội bị suy giảm, gây thiệt hại đến lợi ích chung," bà Kate Harrison nhấn mạnh.

Mục đích của dự án nghiên cứu-truyền thông các hành vi cản trở tác nghiệp báo chí nhằm củng cố kỹ năng, kinh nghiệm cho báo chí nói chung, các nhà báo nói riêng trong việc thực thi công vụ của mình, nâng cao nhận thức của xã hội về quyền thu thập thông tin của nhà báo khi tác nghiệp trên hiện trường.

Đồng thời, dự án cũng góp tiếng nói đối với các cơ quan chức năng khi thực thi Nghị định số 02/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Nhân dịp này, hai nhà báo Ngô Mai Phong (báo Lao động) và Bùi Thanh (báo Tuổi trẻ) đã được tôn vinh vì có những sản phẩm báo chí khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông và bảo vệ tài nguyên của quốc gia./.

Vũ Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục