Bắt mạch ông trời

Người “bắt mạch ông trời” trên đỉnh núi Mẫu Sơn

Hàng ngày, cứ 6 tiếng một lần, các anh lại tiến hành "bắt mạch ông trời" qua việc đo mây, đếm gió để chẩn đoán "tâm trạng" mưa hay nắng.
“Cái nghề khí tượng quanh năm ‘đo mây, đếm gió’ cũng giống như công việc của người bác sỹ. Bác sỹ thì khám bệnh cho con người, còn chúng tôi thì ‘bắt mạch ông trời’. Chỉ có điều chúng tôi không thể kê đơn, bốc thuốc chữa bệnh mà chỉ dự báo ‘tâm trạng’ buồn vui của bệnh nhân mà thôi,” anh Hoàng Văn Quyết – cán bộ Trạm khí tượng Mẫu Sơn đã nói về cái nghề của mình như vậy.

Gian nan nghề "khám bệnh ông trời"

Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng Đông-Tây, nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, nằm cách thành phố Lạng Sơn 30km.

Đây là vùng núi cao của tỉnh, có địa hình đa dạng, độ cao trung bình 800-1.000m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po (1.541m, còn gọi là đỉnh Công hay Công Sơn - nơi đặt cột mốc 42, biên giới Việt Trung), đỉnh Pia Mê cao 1.520m.

Để có cuộc nói chuyện với người "bắt mạch ông trời," tôi đã phải vượt qua quãng đường hơn 200km đến với "thiên đường băng tuyết." Trong căn phòng nhỏ toàn máy móc trên đỉnh Mẫu Sơn còn có thêm chậu than hồng mà hàng ngày các anh vẫn dùng để chống chọi lại cái lạnh 2 độ C của mùa đông xứ Lạng.

Anh Quyết - "bác sỹ" trưởng của Trạm đã kể cho chúng tôi nghe những nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc đời làm khí tượng của anh.
 
Anh tâm sự: "Tôi tốt nghiệp trường Trung cấp khí tượng thủy văn năm 1988 và được phân công công tác tại trạm Đình Lập cách Mẫu Sơn khoảng 50km. Vào thời điểm ấy, không điện, không đường, không bạn bè, người thân, lại đang tuổi thanh niên nên cũng buồn, cũng nản lắm. Cái tâm trạng nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ cả tiếng tàu xe khiến tôi nhiều đêm không ngủ được."

Anh Quyết không hề kể gần 23 năm qua anh đã "chống chọi" với cái tâm trạng chống chếnh đó như thế nào nhưng có một điều mà tôi có thể khẳng định: Anh là người chiến thắng! Anh chiến thắng chính bản thân mình, với một tình yêu nghề đến mãnh liệt.

Đúng là phải là mãnh liệt lắm mới có thể trải qua từng ấy năm trên đỉnh Mẫu Sơn lạnh lẽo. 23 năm gắn bó với nghề là 23 năm anh đã phải vượt qua biết báo khó khăn, vất vả và thậm chí là cả sự hy sinh. Anh bảo: "Năm nay mình đã hơn 50 nhưng vẫn là 'lính phòng không' nhà báo ạ!"
 
Câu nói đó khiến tôi giật mình. Nhìn cái bề ngoài to cao, khuôn mặt ưa nhìn, ánh mắt sáng và nụ cười rất duyên. Tôi thật không thể nào tin đó là sự thật.

Đoán là tôi không tin, anh nói tiếp: Ngày trước, cán bộ khí tượng thiếu lắm, mỗi trạm chỉ có 1 đến 2 người, đường sá thì không có nên muốn về nhà thì chỉ còn cách băng rừng, vượt suối cả tuần mới đến được với... thế giới bên ngoài. Đi đi về cũng mất gần nửa tháng. Vậy nên có khi cả năm mới về thăm gia đình được một lần. Mình làm cái nghề này nó khắc nghiệt thế đấy! Cũng muốn lấy vợ sinh con nhưng làm gì có cơ hội.

Quả thật là tôi không nghĩ rằng phía sau những bản tin thời tiết ngắn ngủi hàng ngày lại có biết bao câu chuyện như thế. Gian nan, vất vả, thiếu thốn về cơ sở vật chất đã đành, vậy mà người đàn ông này còn chấp nhận hy sinh cả mái ấm gia đình của mình để sống với nghề đến ngày hôm nay.

Thời gian quan trắc các hiện tượng thời tiết được quy định thống nhất trong cả nước và quốc tế là: 1 giờ, 7 giờ, 13 giờ và 19 giờ hằng ngày. Tại Trạm khí tượng Mẫu Sơn giờ chỉ có 3 người, hằng đêm chỉ có một người trực và điện báo về trung tâm dự báo để tổng hợp số liệu và đưa ra những dự báo chính xác nhất về tình hình thời tiết.

Anh Quyết là người có kinh nghiệm, lại lớn tuổi nên anh thường xuyên phải trực, một mình lầm lũi trong đêm làm nhiệm vụ rất buồn tẻ và hầu như rất ít khi chợp mắt.

Hạnh phúc giản đơn


Trong khi người dân cả nước đang nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền Tân Mão 2011 thì tại Trạm khí tượng Mẫu Sơn, hàng ngày các anh vẫn phải duy trì công việc vất vả trên đỉnh Mẫu Sơn để cho ra những bản tin thời tiết trong ngày.

Anh Quyết cho biết: "Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân, thấy cô đơn. đặc biệt những ngày lễ, ngày Tết, những người làm ngành nghề khác thì được nghỉ, họ được đi chơi, gặp gỡ bạn bè, được sum họp với người thân, mình thì ngồi ghi chép số liệu, rồi đi 'đo mây, đếm gió' buồn lắm! Công việc của Trạm khí tượng là đo các yếu tố như độ ẩm không khí, nhiệt độ, tốc độ gió,... Cái nghiệp dự báo thời tiết nó nhàm chán, đơn điệu, nặng nhọc và buồn tẻ nhưng lại đòi hỏi chính xác đến độ 1+1=2 đấy."

Ngày thường đã vậy, khi trời mưa bão, khi ốm đau bệnh tật là những lúc công việc dự báo thời tiết gian nan gấp bội. Trong khi mọi người đang yên giấc thì những cán bộ khí tượng phải thức trắng đêm để làm nhiệm vụ. Công việc buồn tẻ, vất vả là vậy nhưng họ vẫn rất hạnh phúc vì đã cống hiến được một chút công sức nhỏ bé của mình cho xã hội.

Nhưng không phải không có những lúc "tủi nghiệp" khi ốm đau, bệnh tật giữa núi trời lộng gió. Anh Quyết chia sẻ: "Những lúc ốm đau thì khổ lắm. Một năm 12 tháng thì có tới 9 tháng là sương mù, chỉ có 3 tháng là có ánh mặt trời thôi. Lúc ốm đau vẫn phải làm, vẫn phải tập hợp số liệu để báo cáo về Trung tâm, có được nghỉ đâu. Có khi ốm cả tuần cũng chẳng ai biết. Có khi xuống dưới 0 độ C vẫn phải tự mình làm tất cả."

Với những người "bác sĩ" đặc biệt này, niềm vui đến thật giản đơn. Anh Quyết bảo: Cứ mỗi lần nhìn từng dòng người nô nức kéo nhau lên đỉnh Mẫu Sơn ngắm băng tuyết, trong lòng cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì dự báo của mình đã giúp không ít người có cơ hội được thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thù có một không hai ở nước ta./.

Thanh Ngọc (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục