Bầu cử Quốc hội Tunisia: Đảng thế tục "soán ngôi" phe Hồi giáo

Đảng thế tục Nidaa Tounes đã về đầu trong cuộc bầu cử quốc hội hôm 26/10 vừa qua tại Tunisia, đánh bại đảng Hồi giáo Ennahda, cầm quyền.
Bầu cử Quốc hội Tunisia: Đảng thế tục "soán ngôi" phe Hồi giáo ảnh 1Lãnh đạo Đảng đối lập "Nidaa Tounes" Beji Caid Essebsi phát biểu trong cuộc họp báo ở thủ đô Tunis sau cuộc bầu cử Quốc hội. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Đảng thế tục Nidaa Tounes đã về đầu trong cuộc bầu cử quốc hội quan trọng hôm 26/10 vừa qua tại Tunisia, đánh bại đảng Hồi giáo Ennahda, cầm quyền từ sau làn sóng Mùa xuân Arab năm 2011.

Tuy nhiên, cả hai đảng giành nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử này đều không hội đủ đa số trong Quốc hội.

Ủy ban bầu cử (ISIE) cho biết đảng Nidaa Tounes đã giành được 85 trên tổng số 217 ghế nghị sỹ, trong khi đảng Ennahda về thứ hai với 69 ghế. Đứng thứ ba là đảng Liên minh Yêu nước Tự do (UPL) với 16 ghế.

Theo luật pháp Tunisia, đảng nhận được nhiều phiếu nhất trong cuộc bầu cử, dù không giành được đa số phiếu, có quyền đứng ra thành lập chính phủ liên minh. Và một cuộc mặc cả chính trị cũng đã bắt đầu ngay trước khi kết quả chính thức được công bố.

Đảng Ennahda đã thừa nhận thất bại và chúc mừng đảng Nidaa Tounes trở thành đảng lớn nhất.

Nidaa Tounes là một liên minh đa dạng với nhiều gương mặt từ cả cánh tả đến trung hữu, gồm cả những nhân vật từng có nhiều quyền lực dưới thời Tổng thống bị lật đổ Ben Ali.

Lãnh đạo đảng này, ông Beji Caid Essebsi, 87 tuổi, cam kết sẽ thành lập một liên minh với các đảng khác để đưa đất nước tiến lên phía trước. Ông cũng cho biết sẽ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 23/11 tới.

Cuộc bầu cử quốc hội ở Tunisia vừa qua là cột mốc quan trọng để thiết lập nền dân chủ tại quốc gia Bắc Phi này. Người Tunisia hy vọng cuộc bầu cử này và cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ đem lại sự ổn định cho đất nước gần bốn năm sau cuộc chính biến.

Giới quan sát nước ngoài hoan nghênh cuộc bầu cử đã diễn ra "tự do," và nhận định đây là dấu hiệu cho một cuộc chuyển tiếp hòa bình tại nơi khởi nguồn của làn sóng Mùa xuân Arab.

Tunisia được ca ngợi là một "điểm sáng" so với các quốc gia cũng đang chìm trong khủng hoảng chính trị khác như Libya và Ai Cập. Tuy nhiên, thời kỳ quá độ tại quốc gia Bắc Phi này đang bị thử thách bởi các vụ tấn công của phiến quân và tình trạng bạo lực trong xã hội, trong khi nền kinh tế cũng bị đình đốn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục